Bài cuối: Đẩy mạnh tái cơ cấu và xây dựng cơ chế hỗ trợ

Trong bối cảnh sản xuất, xuất khẩu gạo còn nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, xây dựng, phát triển thương hiệu gạo quốc gia được cho là giải pháp tối ưu nhằm khắc phục những tồn tại của ngành.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo; Thủ tướng cũng đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là tiền đề quan trọng để lúa gạo Việt Nam đi đúng hướng, phát triển ổn định, bền vững.

Cần có cơ chế chính sách phù hợp để xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy

Tái cơ cấu trong sản xuất

Để khắc phục những hạn chế trong sản xuất, tháng 5-2016, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định cho biết: Mục tiêu tổng quát được Đề án hướng tới là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo làm cơ sở bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, sản xuất gạo phải đạt các tiêu chí an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu.

Theo đó, các đơn vị của ngành và các địa phương sẽ tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời định hướng xây dựng từng vùng chuyên canh khác nhau. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngoài hướng tới thị trường xuất khẩu còn khai thác tốt thị trường nội địa với cơ cấu giống: 50% giống lúa chất lượng cao, 40% giống lúa đặc sản, còn lại là giống trung bình phục vụ an sinh xã hội. Vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng sản xuất lúa còn lại sẽ hướng tới thị trường trong nước là chính.

Song hành với việc thay đổi cơ cấu giống, các địa phương cần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, trong đó chú trọng tới khâu giảm tổn thất sau thu hoạch. PGS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Các doanh nghiệp (DN) cần chuyển đổi hệ thống sấy lúa theo quy trình cải tiến. Trong đó sấy lúa tươi tới độ ẩm tiêu chuẩn 14 đến 14,5% để chuyển từ bảo quản gạo khô như hiện nay sang bảo quản lúa khô. Đặc biệt là phát triển công nghiệp chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao từ gạo phục vụ cho tiêu dùng như: Tinh bột, dầu ăn, mỹ phẩm… nhằm nâng cao giá trị.

Để kích thích sản xuất lớn, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ về đất đai cho các vùng sản xuất lớn, ưu tiên kinh phí hỗ trợ các địa phương trồng lúa hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ từ sản xuất tới chế biến và kinh doanh lúa gạo, đồng thời có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất để bảo đảm có lãi.

Xây dựng cơ chế chính sách thích hợp

Muốn khắc phục những hạn chế đang tồn tại, thu hút các DN tham gia tái cơ cấu ngành lúa gạo, lúc này cần có cơ chế chính sách hỗ trợ sát với thực tế, đặc biệt là hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu gạo. Các DN cũng cần quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu và lựa chọn giống gạo chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hiện Bộ NN&PTNT cùng Bộ KH-CN và các bộ liên quan đang xây dựng bộ tiêu chí về gạo Việt Nam. Dự kiến, đầu năm 2017 sẽ hoàn thành và công bố bộ tiêu chí để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình sản xuất, xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Lâm Văn Chiếu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định), để đáp ứng được bộ tiêu chí đó, Nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, cải cách kịp thời và phù hợp các thủ tục hành chính theo hướng cơ chế mở cho DN như cho phép nhập khẩu công nghệ mới thông thoáng hơn, tạo điều kiện về mặt bằng, hạ tầng cơ sở, đặc biệt là tạo cơ chế hợp lý để DN chủ động tích tụ ruộng đất nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Ngay cả DN tư nhân cũng cần được hỗ trợ ban đầu về ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động kỹ thuật như các DN được hỗ trợ kinh doanh, dịch vụ để quyết tâm đầu tư lâu dài vào nông nghiệp. Các địa phương cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, để giúp các DN đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Về cơ chế, Nhà nước nên hỗ trợ hạ tầng, đất đai, thuế… đối với các DN liên kết trực tiếp với nông dân và DN chế biến sử dụng công nghệ cao; có chính sách ưu đãi tín dụng cho DN sản xuất máy móc, vật tư đầu vào, giống,… để khuyến khích phát triển phục vụ sản xuất. Các bộ, ngành rà soát lại các chính sách khuyến khích cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch cho phù hợp thực tế sản xuất và chế biến gạo; tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4-11-2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng đến năm 2020 DN xuất khẩu gạo phải có hợp đồng gắn với vùng nguyên liệu ít nhất 50% lượng gạo xuất khẩu, đến năm 2030 là 100%. DN có vùng nguyên liệu cần được ưu tiên mua tạm trữ lúa gạo, thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nhà nước và các hỗ trợ khác mới cho hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu ban hành chính sách về quản lý thương lái theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh và phải liên kết chặt chẽ với DN xuất khẩu.

Được biết, trong thời gian tới Nhà nước và liên bộ sẽ nghiên cứu lập Quỹ Hỗ trợ ngành lúa gạo bằng cách trích một phần nguồn thu xuất khẩu gạo để lập Quỹ và đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ trực tiếp nông dân trồng lúa trong trường hợp gặp rủi ro thiên tai. Đồng thời, tái cơ cấu và cổ phần hóa các DN nhà nước kinh doanh gạo, trong đó trọng tâm là Công ty Lương thực miền Nam và Công ty Lương thực miền Bắc, bên cạnh đó là đổi mới Hiệp hội Lương thực theo hướng mở rộng thành viên hiệp hội để đại diện đầy đủ cho các thành phần tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, với mục đích đưa hạt gạo Việt Nam đứng vững trong nước và bền vững ở thị trường ngoài nước.

Đào Huyền - Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/857786/bai-cuoi-day-manh-tai-co-cau-va-xay-dung-co-che-ho-tro