Bài cuối: Hoạt động bơi lội cũng bị… 'đuối nước'

Vi phạm về sử dụng đất đai và trật tự xây dựng của các bể bơi tự phát chưa được xử lý, hoạt động kinh doanh bơi lội cũng đang bị thả nổi... Và có một thực tế khác, loại hình kinh doanh đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe, từ cơ sở vật chất đến công tác quản lý, song những quy định cũng như trách nhiệm của chính quyền các cấp lại chưa rõ ràng, hoạt động bơi lội dường như cũng bị… "đuối nước".

Có nước là có dịch vụ bơi

Có mặt tại hồ Tân Xã (xã Tân Xã, Thạch Thất) vào cuối giờ chiều, nhóm phóng viên Báo Hànôịmới chứng kiến cảnh người dân, gồm đủ các lứa tuổi chen chúc dưới hồ, trên bờ, dịch vụ cho thuê phao bơi hoạt động hết công suất...

Hà Nội hiện vẫn tồn tại nhiều bãi tắm tự nhiên không có sự quản lý của cơ quan chức năng.
Ảnh: Thanh Bình

dù cách đó không xa là biển cảnh báo “Khu vực nước sâu, nguy hiểm cấm tắm”. Người dân ở đây cho biết, chuyện bơi lội ở hồ Tân Xã diễn ra từ nhiều năm nay, thu hút cả một số người dân các xã lân cận như Bình Yên, Thạch Hòa, Đồng Trúc, Bình Phú, Hữu Bằng, Chàng Sơn… Còn tại huyện Đan Phượng, cũng vì thiếu bể bơi nên đã phải quy hoạch 104 ao môi trường, kè đá, tách riêng nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường, tại xã Song Phượng và Thọ Xuân, chính quyền đã cho đổ cát xuống đáy hồ để người dân được bơi lội ở mực nước an toàn.

Khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều bãi tắm tự nhiên như ở vùng bãi sông Hồng, xã Liên Hà (huyện Đan Phượng); kênh thủy lợi chảy qua xã Duyên Thái (huyện Thường Tín); kênh Đồng Mô (huyện Thạch Thất)… Điểm chung của những bãi tắm tự nhiên này là người dân tự chịu trách nhiệm về an toàn và an ninh trật tự. Vì vậy đã có không ít trường hợp đuối nước thương tâm xảy ra. Tại bãi tắm ở vùng bãi sông Hồng của xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) trong tháng 7-2016 đã xảy ra vụ đuối nước khiến một người chết. Trong quá trình khảo sát, phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy, nhiều lãnh đạo các địa phương tại các xã Lại Thượng (Thạch Thất), Hồng Vân, Duyên Thái (Thường Tín), Cấn Hữu (Quốc Oai), Tân Lập (Đan Phượng), Bình Minh (Thanh Oai)… đã thiếu kiên quyết, vin vào nhu cầu bơi của người dân để xuê xoa trong việc xử lý các bể bơi không phép, hoạt động chui...

Bể bơi Long Long của Công ty TNHH Long Long Hà Nội tại cụm 7, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) hoạt động từ năm 2015 và thời điểm đó đã bị UBND xã Tân Lập lập biên bản vì chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể dục thể thao. Đến mùa hè năm 2016, vi phạm trên vẫn lặp lại. Phải đến ngày 27-7, bể bơi Long Long mới được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể dục thể thao do Sở Văn hóa và Thể thao cấp. Trả lời câu hỏi tại sao bể bơi hoạt động không phép từ năm 2015 nhưng không bị xử lý, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Đan Phượng giải thích: Thực tế chủ đầu tư nghĩ đơn giản cứ xây dựng xong bể bơi là có thể kinh doanh được. Bản thân họ chưa nhận thức đầy đủ việc xin cấp phép, trong khi bộ môn bơi lội lại rất phức tạp.

Tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, ông Bùi Văn Oánh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: Sau khi nắm bắt được thông tin bể bơi Đức Thành của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Đức Thành hoạt động trên địa bàn xã, UBND xã đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra. “Công ty Đức Thành đã cung cấp đầy đủ hồ sơ về bể bơi. Trách nhiệm của chính quyền địa phương là nhắc nhở bể bơi hoạt động bảo đảm an toàn, bảo đảm an ninh trật tự”. Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, bể bơi Đức Thành được cải tạo từ một nhà kho cũ, có diện tích khoảng 100m2, sử dụng nguồn nước giếng khoan qua lọc.

Nhiều địa phương “trắng” bể bơi!

Hoạt động kinh doanh bơi lội đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe và chủ đầu tư cần thực hiện nghiêm túc để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân đến tập bơi. Theo ông Nguyễn Phúc Anh, Phó phòng Thể thao quần chúng (Sở Văn hóa và Thể thao), hiện nay hoạt động kinh doanh bể bơi được điều chỉnh tại Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL ngày 10-1-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quy định rõ, bao gồm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân viên chuyên môn. Toàn bộ các cơ sở TDTT có hoạt động bơi lặn, gồm trung tâm, trường học, câu lạc bộ, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện quy định tại Thông tư 02. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng thiếu bể bơi được xây dựng cố định theo chuẩn, hiện nay nhiều huyện đã tổ chức lắp đặt bể bơi thông minh theo sự hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao.

Ngoài 10 huyện đã có bể bơi, còn lại các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Ứng Hòa, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất và Phúc Thọ chưa có; cấp xã hoàn toàn “trắng” bể bơi. Ở một số huyện đã xuất hiện bể bơi của doanh nghiệp và hộ tư nhân như Ba Vì có 6 bể, Thạch Thất (4), Gia Lâm (5), Sóc Sơn (5); Mê Linh (5)… Nói về tình trạng một số bể bơi hoạt động không phép đang tồn tại ở khu vực ngoại thành, lãnh đạo Phòng Thể thao quần chúng (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) không nắm được thông tin và cho biết chưa thấy chính quyền các địa phương báo cáo về vấn đề này.

Theo ông Vũ Cương Nghị, Phó phòng Thể thao thành tích cao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cho biết: Việc kiểm tra hoạt động bể bơi trên địa bàn thành phố là trách nhiệm của chính quyền các quận, huyện cùng phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao. Mọi hoạt động bơi lội trên địa bàn, UBND các huyện đều phải có trách nhiệm kiểm soát. Nếu phát hiện bể bơi không phép, hoạt động không đúng quy định, trách nhiệm xử lý thuộc về chính quyền cấp quận, huyện nơi bể bơi hoạt động. Cũng theo ông Nghị, chính quyền cấp xã cần phát hiện kịp thời bể bơi không phép hoạt động, trên cơ sở này phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện như Phòng Văn hóa Thông tin để kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND huyện, nếu không đúng quy định cần đình chỉ hoạt động… Trong khi đó, trả lời về việc bể bơi ở xã Duyên Thái và bể bơi ở xã Hồng Vân hoạt động khi chưa được cấp phép, đại diện Phòng Văn hóa Thông tin huyện Thường Tín lại cho hay: Phòng chỉ quản lý các điều kiện hoạt động về bơi lội sau khi các cá nhân, đơn vị được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, Phòng cũng đã phối hợp với UBND xã Hồng Vân lập biên bản, đề nghị UBND xã đình chỉ hoạt động bơi tại bể bơi này.

Việc chưa phân định trách nhiệm đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý các bể bơi tự phát của chính quyền địa phương là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều bể bơi không phép vẫn hoạt động, gây nên tình trạng lộn xộn trong công tác quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng thời gian qua và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về sức khỏe, thậm chí tính mạng cho người dân, nhất là trẻ nhỏ dịp nghỉ hè.

Thiện Mỹ - Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/843383/bai-cuoi-hoat-dong-boi-loi-cung-bi%E2%80%A6-duoi-nuoc