Bài cuối: Nghịch lý 'cá bé xé cá lớn' và câu chuyện 'đổ máu' vì thương hiệu

Cùng với thực trạng sang chiết lậu và mua bán không phép, việc thu gom, chiếm dụng vỏ bình gas không chỉ là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến xảy ra cháy nổ, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng mà còn gây bất lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cùng với thực trạng sang chiết lậu và mua bán không phép, việc thu gom, chiếm dụng vỏ bình gas không chỉ là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến xảy ra cháy nổ, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng mà còn gây bất lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định phát hiện vỏ bình gas không có hóa đơn chứng từ tại huyện Tuy Phước.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định phát hiện vỏ bình gas không có hóa đơn chứng từ tại huyện Tuy Phước.

Thực tế hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh gas thu gom, chiếm giữ vỏ bình của nhau để thực hiện chiêu trò “cắt tai, mài vỏ”. Điều này là hiểm họa vô cùng lớn đối với an toàn người tiêu dùng.

Khoảng cuối tháng 1-2024, các doanh nghiệp kinh danh gas phát hiện hơn 1.000 vỏ bình gas của nhiều thương hiệu khác nhau ở một kho chứa không tên nên đã làm đơn tố cáo đến Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Kho chứa được xác định nằm tại Cụm công nghiệp Quế Cường (thuộc huyện Quế Sơn). Nhiều khả năng đây là điểm tập kết của đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, với mục đích chuyển vỏ bình đến nơi khác để cắt quai xách, mài vỏ, xóa logo thương hiệu.

Tiếp đến, ngày 11-3-2024, trên cơ sở phản ánh về hiện tượng nghi vấn chiếm dụng vỏ bình gas trái phép, Công an thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) phối hợp với Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 4 (thuộc Cục QLTT tỉnh Bình Định) khám kho hàng tại phường Bình Định (thị xã An Nhơn), phát hiện chứa 2.085 chai LPG (loại 12kg), mang các nhãn hiệu PM gas, Petrol Power CHH, Green Petrol QTH,không có hóa đơn chứng từ, hồ sơ nguồn gốc pháp lý. Cũng trong ngày này, lực lượng chức năng ở Bình Định còn phát hiện một kho hàng ở xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) chứa số lượng lớn vỏ chai LPG có dấu hiệu nghi vấn không có hóa đơn chứng từ, hồ sơ nguồn gốc pháp lý.

Trước đó (ngày 28-2-2024), Đội QLTT trường số 5 (thuộc Cục QLTT tỉnh Bình Định) khám xét nơi chứa hàng hóa tại thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), phát hiện 508 bình LPG loại 12kg các loại, mang các nhãn hiệu gas lớn không có hóa đơn chứng từ và các giấy tờ liên quan…

Tại Đà Nẵng, tháng 11-2022, Công an quận Liên Chiểu nhận được đơn trình báo về việc có dấu hiệu tập kết trái phép vỏ bình gas tại Công ty CP Thép Đà Nẵng. Qua xác minh ban đầu xác định, có 4.531kg vỏ bình gas nhiều loại được thu gom ở nhiều tỉnh, thành chở đến Đà Nẵng. Mới đây (tháng 4-2024), từ nguồn tin của quần chúng, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra một kho hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng, phát hiện có hàng trăm vỏ bình gas các loại của nhiều Cty kinh doanh gas trên thị trường miền Trung.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh LPG đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng chiếm dụng vỏ bình. Cụ thể là một số đối tượng kinh doanh không lành mạnh, tiến hành thu gom vỏ bình của các công ty khác, rồi đem về cắt chân đế có dập logo các công ty, cắt quai xách có dập chìm các chữ về thông số kỹ thuật, mài mòn chữ nổi tên các thương hiệu gas… Sau đó, các đối tượng sơn mới đổi màu và sơn logo khác, rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các Cty có vỏ bình LPG bị chiếm dụng mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng.

Thực tế, dù lực lượng QLTT và Công an mạnh tay xử lý nhưng tình trạng chiếm dụng vỏ bình vẫn tiếp tục diễn ra. Đây là hình thức kinh doanh theo kiểu “cá bé xé cá lớn”, sử dụng “chiêu bẩn” để cạnh tranh với đối thủ có tiềm lực kinh tế mạnh hơn. Các hoạt động trên ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động. Và để phát hiện được những sai phạm này là không phải chuyện dễ dàng.

Phát hiện hàng ngàn vỏ bình gas của nhiều thương hiệu không hóa đơn, chứng từ tại Cty Thiên Thai.

Phát hiện hàng ngàn vỏ bình gas của nhiều thương hiệu không hóa đơn, chứng từ tại Cty Thiên Thai.

Về phía các doanh nghiệp kinh doanh gas, để chủ động bảo vệ thương hiệu, nhiều đơn vị đã liên kết, triển khai nhiều biện pháp theo dõi, tìm hiểu và thu thập chứng cứ về các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, sau đó báo cáo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Anh - Giám đốc Cty Dầu khí Quảng Trị, trên thực tế việc điều tra, theo dõi các cơ sở chiếm dụng vỏ bình gas trái phép là rất khó. Các đối tượng sai phạm hoạt động rất tinh vi, có sẵn phương án đối phó như chở vỏ bình gas từ tỉnh này qua tỉnh khác, sử dụng kho chứa ở nơi hiểm trở, lắp camera canh phòng cẩn thận và nhanh chóng tẩu tán tang vật vi phạm nếu có nguy cơ bị phát hiện. Và việc nhân viên công ty gas theo dõi các đối tượng sai phạm bị đe dọa, dằn mặt hoặc bị đánh đập, đối mặt với hiểm nguy là câu chuyện thường ngày.

Các doanh nghiệp kinh doanh LPG trên cả nước mong muốn cơ quan chức năng có chế tài thật nghiêm khắc. Ngoài phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì cũng nên điều tra khởi tố khi có dấu hiệu vi phạm hình sự, để trừng trị những doanh nghiệp “bẩn” dùng thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh, triệt hạ các thương hiệu gas nhằm mục đích thao túng độc quyền ngành kinh doanh gas trên toàn quốc.

Đinh Nga

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bai-cuoi-nghich-ly-ca-be-xe-ca-lon-va-cau-chuyen-do-mau-vi-thuong-hieu-post294971.html