Bài dự thi: Bốn mùa xứ Lạng

Có lẽ trên bản đồ của đại đa số dân phượt, Xứ Lạng chỉ còn là một chấm nhỏ vào đỉnh Mẫu Sơn mà quên đi nhiều địa danh từng lừng lẫy trong câu ca dao và những trang sử hào hùng của dân tộc.

Từ Hà Nội, ngược theo quốc lộ 1 khoảng 154 km bạn sẽ tới thành phố Lạng Sơn. Con đường nằm giữa hai bên xanh thẳm đại ngàn, thấp thoáng bóng áo chàm cheo leo trên vách núi. Mùa xuân hoa mơ hoa mận nở như rắc tuyết trên tấm thảm xanh nõn nà, tháng năm tháng sáu vải thiều đỏ rực trong nắng mới, tháng bảy người Đồng Bành gánh những cà lồ đựng đầy na ngọt ngào xuống chợ.

Qua Bắc Giang, đến cây số 105 tính từ trung tâm Hà Nội, bạn sẽ nghe lơ xe nhắc khách xuống Chi Lăng, đó chính là nơi có ải Chi Lăng oai hùng trấn yểm cho kinh đô Thăng Long một thuở trước sự lâm le thôn tính của giặc phương Bắc.

Ải Chi Lăng trên quốc lộ 1A, nơi Liễu Thăng dẫn một vạn quân Minh lọt vào ổ phục kích núi Mã Yên rồi bị nghĩa sỹ Lam Sơn chém đầu trong chuỗi chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang lịch sử năm 1427.

Ải Chi Lăng được bao bọc bởi dãy núi đá Kai Kinh phía Tây và dãy núi Bảo Đài phía Đông, có hệ thống hang động đẹp như Hang Gió, Quỷ Môn Quan...

Thêm vài khúc quanh là ta sẽ đi trong ngạt ngào hương hồi Văn Quan, tới thành phố Lạng Sơn.

Nơi thành phố miền biên viễn này, đến phường Chi Lăng ghé tai bên những viên gạch vồ của bức tường Thành cổ, lặng nghe trong lắng đọng thời gian còn âm vang tiếng đại bác vang rền, tiếng quân reo bi tráng từ bao vương triều phong kiến xa xưa vọng về. Trải qua nhiều thế kỷ, nó đã từng là một kiến trúc quy mô trấn giữ, phòng thủ quân sự nơi cửa ngõ đất nước. Từ sau chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979 đến nay, các cơ quan cao nhất của tỉnh Lạng Sơn như Tỉnh ủy, Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều được đặt trong bức tường Thành cổ này.

Khẩu đại bác vẫn còn ở cửa Nam Thành cổ.

Từ tuyến đầu Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng luôn luôn là một dấu mốc xác định chủ quyền và lãnh thổ. Đứng trên cầu Kỳ Cùng bạn sẽ thấy cột cờ Phai Vệ hiên ngang tung bay giữa mây trời.

Cột cờ trên di tích núi Phai Vệ.

Tới phường Tam Thanh, đặt những bước chân lên rêu phong hoang hoải của phế thành "nghịch vương" nhà Mạc, một căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo từ Ải Bắc xuống phía Nam do Mạc Kính Cung xây dựng vào thế kỷ XVI để chống lại sự truy đuổi gắt gao của triều đình Lê - Trịnh.

Phía bên kia núi là chùa và hang động Tam Thanh - Nhị Thanh từng có trong ca dao ta đã thuộc lòng từ lúc ê a đánh vần tập đọc. Tôi ngỡ ngàng khi nhìn những nhũ đá buông rèm trước mắt mình. Tới đây tôi sẽ đi Sơn Đoòng, còn hiện tại tôi đang thắc mắc sao động Tam Thanh không kém gì Phong Nha, Kẻ Bàng, mà so về lượng khách du lịch viếng thăm hàng năm thì thật là một trời một vực.

Trên đường đi cửa khẩu Chi Ma, tới địa phận xã Hữu Khánh huyện Bình Lộc ta sẽ gặp những ngôi làng đẹp như cổ tích, những nếp nhà tường trình nâu trầm trong nắng kéo dài suốt 3 km dọc hai bên đường. Một điều độc đáo là tường bằng đất sét mà nhiều ngôi nhà hai tầng vẫn vững chãi đã vài chục đến trên cả trăm năm nay.

Những nếp nhà trình tường ở xã Hữu Khánh

Chùa Tân Thanh có lẽ là ngôi chùa đầu tiên tôi thấy tất cả đều sử dụng chữ quốc ngữ kể cả trên các văn bia. Tôi hoan nghênh tư tưởng mới này như một dấu ấn cho sự không phụ thuộc về văn hóa của Phật giáo Việt Nam. Nó cũng sẽ là một minh chứng về chủ quyền của dân tộc nơi đây cho muôn đời con cháu chúng ta sau này.

Đến khu du kích Bắc Sơn huyền thoại và tìm hiểu về văn hóa Mai Pha - Bắc Sơn. Bây giờ bà con Bắc Sơn trồng nhiều quýt và mới có thêm những vườn nho rất ngon.

Quýt Bắc Sơn xuống phố.

Khoảng từ giữa tháng 9 đến hết tháng 10, đi Lạng Sơn bạn nhớ tới Trấn Yên để ngắm những cánh đồng hoa tam giác mạch lãng mạn và tuyệt vời không kém gì ở Hà Giang.

Hoa tam giác mạch ở Lạng Sơn mới được bà con trồng vài năm trở lại đây. Hoa nở trước mùa tam giác mạch Hà Giang khoảng gần một tháng.

Và tất nhiên không thể không nhắc đến khu du lịch Mẫu Sơn nổi tiếng. Tới đó mùa hè bạn sẽ được tắm nước suối Long Đầu trong vắt, được ăn trái đào Mẫu Sơn thơm ngon, giòn ngọt. Vào các bản làng quanh đó vào bất cứ lúc nào, bạn sẽ được mời món thịt treo gác bếp với rượu Mẫu Sơn trứ danh thần sầu.

Một năm trước, ngày 23/01/2016 tôi may mắn đang ở thành phố Lạng Sơn, khoảng hơn 10 giờ trưa nhận cú điện thoại của anh bạn Tùng Nguyễn thông báo tuyết đang rơi ở chợ Kỳ Lừa, chúng tôi nhanh chóng lên đường khi các phượt thủ ở xa còn chưa kịp làm tắc nghẽn con đường độc đạo lên đỉnh Mẫu Sơn.

Anh bạn Tùng Nguyễn của tôi.

Cảm giác tuyệt diệu.

Người Lạng Sơn nồng nhiệt, các món ăn Lạng Sơn ngon đậm đà. Có lẽ do thời tiết ở đây thường mát mẻ hơn dưới xuôi nên đồ ăn đặc trưng là đậm vị và hơi béo, nhưng tuyệt ngon. Món vịt quay ngon tiếng tăm, món khau nhục của người Tày nghĩ đến đã chảy nước miếng, món lạp xường Lạng Sơn thơm nức mũi...

Đặc biệt nhất là đồ nướng, có lẽ tôi chưa thấy đồ nướng ở đâu ngon như ở Lạng Sơn, dù là trong một nhà hàng cao cấp hay những quán nhậu vỉa hè. Nếu bạn thích ăn trong một không gian lãng mạn và không lo bị mùi nướng bám hết vào tóc tai, quần áo, bạn có thể tới Đèn lồng quán nằm ngay chân cầu Kỳ Cùng mới để thưởng thức đầy đủ các món nướng tuyệt vời của Lạng Sơn.

Nói về Lạng Sơn, thật thiếu sót nếu không đi mua sắm. Những khu chợ nổi tiếng như chợ cửa khẩu Tân Thanh, chợ trung tâm Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa hàng hóa ngập tràn. Sau nhiều lần đi chợ thì tôi rút ra một kinh nghiệm là đồ mặc ấm và chăn mùa đông rất đáng mua vì vô cùng rẻ và đẹp. Không nên mua đồ điện tử ở đây vì có thể chưa kịp dùng đã hỏng. Đồ điện Trung Quốc có thương hiệu Midea cũng tin tưởng được. Tôi rất thích đi chợ đêm Kỳ Lừa, vì hai lý do.

Tuyết rơi ở chợ Kỳ Lừa được các bạn trẻ nặn thành người tuyết.

Thứ nhất là thú mặc cả, vô cùng ly kỳ và hấp dẫn. Tôi thường chỉ trả giá từ một phần tư giá người bán đưa ra, nâng dần đến cao nhất khoảng một phần ba thì chốt giá.

Lý do thứ hai nằm ở nét duyên của món coóng phù trong cái giá lạnh của mùa đông vùng cao. Với 10 nghìn đồng bạn sẽ được chị bán hàng đon đả mời ngồi, hơ đôi tay gần nồi nước đang sôi trên bếp cho ấm và nhìn chị vui vẻ thả những viên bánh xinh xắn vào đó. Bánh đã được nặn sẵn, nhân chè đậu xanh hoặc vừng rang xay nhỏ trộn nước cốt dừa.

Màu trắng là nguyên bột nếp, màu đỏ là trộn bột gấc, màu xanh là nước ép lá riềng, màu vàng của dành dành, màu tím của lá cẩm. Sau vài phút nhào lộn trong nồi, bánh được vớt ra bát, chị bán hàng sẽ chan một loại nước dùng ngọt đậm thơm sực mùi gừng, rắc mấy hạt lạc và vài cọng dừa nạo vào. Hít hà...tuyệt!

Lâu nay du lịch Lạng Sơn như bị bỏ quên, gần đây hình như chính quyền đã có kế hoạch khôi phục lại thế mạnh tiềm năng này của tỉnh. Cầu Kỳ Cùng cũ đã được dỡ bỏ, sẽ xây dựng cáp treo lên đỉnh Mẫu Sơn, di dời lại bố cục hành chính...

Sẽ đẹp hơn, bề thế hơn, sẽ chuyên nghiệp hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc sẽ bớt đi sự hoang sơ nguyên thủy.

Mình đi Lạng Sơn ngay thôi, để còn nghe tiếng khèn của người bản xuống chợ xuân, ăn bánh ngải với người Tày trong những nếp nhà trình tường nồng nàn hương rượu ngô đang nấu, ngồi nhặt lá gai với cụ bà bên bậc cửa và ngắm những người phụ nữ chuẩn bị xống áo đi hội hát then. Xuân đến rồi mình sắm lễ đi đền chùa xứ Lạng.

Mình đi Lạng Sơn ngay thôi!

Những miền đất bạn đã đi qua đó, bạn đã ăn gì, chơi gì, làm gì, ở đâu … những kỷ niệm khó quên, chút dư âm còn đọng lại bạn hãy viết và gửi tham gia cuộc thi ‘Nắm tay nhau đi khắp thế gian – Du lịch cùng tôi’ về hộp thư điện tử:

caccuocthi.phununews@gmail.com

Xem thêm:

Thể lệ cuộc thi viết: ‘Nắm tay nhau đi khắp thế gian – Du lịch cùng tôi’

Nguyễn Quyên

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/bai-du-thi-bon-mua-xu-lang-125849/