Bài dự thi: Lắng nghe thanh âm của cuộc sống lặng lẽ

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”

Vô tình đọc được nó ở đâu đó, tôi chợt suy nghĩ về những chuyến đi của mình. Có những chuyến đi để lại nhiều xúc cảm và phá vỡ những “hàng rào” mà chúng tôi tìm mọi cách phá bỏ. Trong cuộc sống, không quan trọng là bạn đi được bao xa, đi nhanh hay đi chậm mà là bạn có dám đi hay không.

Đi bao lâu và đi bao xa? Đi có thể là bạn khởi đầu đi tới một đích mới hay bước chân tới một miền đất mới. Dù “đi” với nghĩa nào thì hãy nắm tay nhau cùng đi, bên nhau để có những giây phút vui vẻ và hiểu nhau hơn để gần nhau hơn.

Tôi không nhớ hết được những vùng đất mình đi qua nhưng rồi bến đỗ cuối cùng vẫn là quê hương. Có lẽ sai lầm lớn nhất của tôi là đã không tự mình đi hết miền đất quê mình, đi tới với những con người thuần khiết và giản đơn...

Tôi chẳng thể nhớ hết nổi những vùng đất mình bước chân qua, mỗi nơi tôi đã đến nó gần với tôi, gọi là máu thịt nhưng tôi không thể nghĩ được bên cạnh mình, ngay trước mắt mình lại có những bí mật, những điều kì diệu như thế. Ngay cạnh mình lại có những người “lạ” – theo cách nghĩ của tôi - nhưng họ giàu có về tình cảm, nồng nàn bản sắc. Tôi mến họ như những gì tôi thấy ấm áp từ họ. Chưa bao giờ tôi nghĩ bên cạnh mình lại có một vùng đất nhiều bí mật như thế. Đó là quê tôi Lũng Hoài!

Có thể bạn không tin nhưng thực ra, quyết định dẫn các bạn của tôi lên đó, chính bản thân tôi cũng chưa hiểu hết về vùng đất, tôi cũng không nghĩ mình có thể thu hoạch những điều tốt đẹp như thế, và hơn hết, tôi thấy con người chúng tôi gần với nhau hơn.

Bước chân phiêu trên những ngọn đồi trên bản người H’mông, thẫn thờ nhìn ráng chiều đỏ rồi vàng cam trong sương chiều buông xuống, cái lạnh ngấm dần mới thấm được cuộc sống có những điều mới mẻ như thế mà nhớ nhà da diết, ngẫm về cuộc sống đã qua và sắp tới. Gió núi thổi những phiến lá khô vì gió đông hanh hao, tất cả dễ dàng bùng cháy với chỉ đốm lửa nhỏ. Nơi đây, những đứa trẻ hai tuổi có thể băng qua ngách núi về nhà, những đứa trẻ sống tựa như những mầm sống tự nhiên, xấu xí nhưng đầy nhựa, bật lên và vươn thẳng.

Nhờ chuyến đi, tôi tận mắt được thấy những đứa trẻ tuy nghèo nhưng luôn lấy cái học làm căn bản, mỗi buổi sớm thức dậy từ 4 giờ sáng để vượt qua hai sườn núi dốc tới lớp cho kịp giờ, và khi được chúng tôi chia cho gói mì tôm sống mà mắt chúng ánh niềm hạnh phúc như được một món quà lớn.

Một chuyến đi cho tôi nhiều kỉ niệm, một chuyến đi với những người bạn thực sự là học cùng nhau đã ba năm nhưng dường như chúng tôi chỉ chào nhau bằng những cái gật đầu có lệ tại cửa lớp mà nay cùng một nhóm đi trải nghiệm làm một phóng sự ngắn về cuộc sống người dân tộc vùng cao. Và chúng tôi quyết định đi, đi tới một vùng đất mà chúng tôi chưa từng qua, chỉ nghe nói về nó.

Lần đầu tiên cả nhóm cùng vượt một dãy núi cao quanh co dốc đá như thế để tới được địa điểm trường học trên bản. Gặp một thầy giáo trẻ từ dưới thành phố lên, anh tròn mắt “Các em tự đi lên đây? Không đùa chứ? Lần đầu tiên anh không dám đi như các em đâu?”

Anh hỏi vậy, vì quá ngạc nhiên và cũng vì có chúng tôi đến thăm. Được lệnh của thầy trưởng phân khu trường, anh vào bản bắt gà đồi về làm cơm để thiết khách mà theo thầy gọi là “khách quý”, vì lâu lắm bản không có ai tới thăm như thế. Cơm no say, chúng tôi kéo nhau ra trò chuyện với những người dân đang lao động tại đây, sau vài phút bất đồng ngôn ngữ ban đầu, được sự thông ngôn của một số bạn học sinh nhỏ biết tiếng phổ thông, chẳng mấy chốc chúng tôi xắn tay áo lên giúp mọi người phát rẫy. Chẳng ngờ, những đứa không làm nên hồn mà được mọi người yêu quý cho cả vác mía, chúng tôi cùng họ vui vẻ ăn và trò chuyện với nhau. Họ thật giản đơn, bạn tốt với họ thì họ tốt lại, thật ấm áp.

Lần đầu tiên được nấu một bữa cơm giữa núi rừng bạt ngàn cùng với người dân trong Lũng. Lần đầu tiên được ngủ nhà sàn dân tộc H’Mông mà trò truyện thâu đêm, lắng nghe thanh âm sương rơi trên giọt gianh tí tách như mưa. Sương ở vùng cao dày lắm, mịt mùng, lạnh thấu xương cái lạnh của tháng 12. Chúng tôi lầm rầm nói chuyện tới tận sáng mà thấm bao điều.

Cùng nhau trong một chuyến đi và khi ấy chúng tôi hiểu về nhau hơn. Tôi biết rằng, cậu bạn có mái tóc luôn vuốt keo dựng ngược và khuôn mặt “lấc xấc - bất cần đời” là một người khá hóm hỉnh, gần gũi mà cũng rất thông minh, vô cùng tình cảm và ấm áp, quan tâm chúng tôi chu đáo. Tình cờ mà tôi cũng biết rằng cô gái ít nói chỉ biết học có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt và có câu chuyện đời buồn vô hạn. Và, các bạn tôi cũng biết rằng “Cậu thực ra không lạnh như vẻ bên ngoài nhỉ, cảm ơn cậu. chuyến đi cực kì thú vị, chưa bao giờ chúng tớ được học và trải nghiêm thực thụ như thế này đấy. Cảm ơn cậu!” – mọi người nói về tôi như vậy.

Trở về nhà, chúng tôi kể mãi cho nhau nghe về câu chuyện bắt con gà đồi, lớp học vài học sinh nhưng các thầy cô vẫn bám trường nơi núi rừng hoang vu, về những câu chuyện nhân đạo mà trường nhận được như “bữa cơm có thịt”... hay như câu chuyện vác mía thấm tình mà vui vẻ.

Về nhà, cậu bạn “lấc xấc” gửi ngay cho tôi tôi một MV “Nơi ấy”, kèm theo caption dễ thương “Yên Bái tôi đấy bạn hiền ạ, muốn được đi nữa, kích thích quá”. Tôi đã bật khóc, chúng tôi đã gần nhau hơn, vui và học được nhiều điều từ cuộc sống lặng thầm nơi ấy.

Nơi đó, tôi đã đến với những đứa bạn cùng thời, có những kỉ niệm không bao giờ quên. Nơi đó, chúng tôi đã bỏ lại mệt mỏi phía sau, sống thật là mình, để chúng tôi đánh dấu một thứ được gọi là “kỉ niệm” mà mãi nhớ với quãng đời sinh viên tươi đẹp.

Những miền đất bạn đã đi qua đó, bạn đã ăn gì, chơi gì, làm gì, ở đâu … những kỷ niệm khó quên, chút dư âm còn đọng lại bạn hãy viết và gửi tham gia cuộc thi ‘Nắm tay nhau đi khắp thế gian – Du lịch cùng tôi’ về hộp thư điện tử:

caccuocthi.phununews@gmail.com

Xem thêm:

Thể lệ cuộc thi viết: ‘Nắm tay nhau đi khắp thế gian – Du lịch cùng tôi’

Thái Hà

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/bai-du-thi-lang-nghe-thanh-am-cua-cuoc-song-lang-le-118606/