Bài học cuộc sống đầy suy ngẫm từ câu chuyện bác nông dân và cái giếng

Bạn có trí thông minh, đó là một lợi thế nhưng nếu không biết sử dụng đúng cách nó sẽ khiến bạn “tự mình hại mình”. Câu chuyện sau đây sẽ cho bạn những suy ngẫm về cuộc sống.

Câu chuyện thua và thắng

Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay.

Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời: “Hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không?”

Hòa thượng hỏi lại: “Cược thế nào?”

“Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu”, – cậu thiếu niên trả lời.

Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán: “Con bướm trong tay cháu chết rồi.”

Cậu thiếu niên cười lớn đáp: “Ngài đoán sai rồi.” Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên.

Hòa thượng nói: “Được, gánh củi này thuộc về cháu.” Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi.

Cậu thiếu niên không biết vì sao hòa thượng lại có thể vui vẻ đến như vậy nhưng nhìn gánh củi trước mặt, cậu ta cũng không để tâm lắm mà vui vẻ gánh gánh củi về nhà.

Nhìn thấy con về, người cha liền hỏi số củi đó ở đâu ra, cậu mới đem chuyện kể lại cho cha nghe.

Nghe hết câu chuyện của con trai, đột nhiên ông giơ tay tát con một cái, giọng giận dữ: “Con ơi là con! Con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Ngay cả khi con đã thua, con cũng không hề biết mình đã thua đấy.”

Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu ta gánh bó củi lên vai, hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa.

Nhìn thấy vị hòa thượng nọ, người cha liền cất tiếng: “Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ.”

Hòa thượng gật đầu, mỉm cười nhưng không nói gì.

Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên sau một khoảng thời gian băn khoăn cuối cùng cũng đã nói ra những nghi vấn trong lòng.

Người cha thở dài, nói: “Vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Con cho rằng vị hòa thượng đó không biết con tính toán gì sao?

Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết.”

Câu chuyện có thể rất đơn giản nhưng đó là bài học cho chúng ta trong cuộc sống. Thắng, thua, thành, bại là những chuyện thường xuyên giày vò cuộc sống của con người. Có những lúc chúng ta tự cho rằng mình đã thắng nhưng trên thực tế, có khi chúng ta đã thua nhiều hơn mà chẳng hay.

Người đàn ông thông minh và cái giếng

Ở làng nọ có một người đàn ông thông minh sở hữu một cái giếng nhưng anh ta không dùng gì đến nó nên quyết định bán cho bác nông dân gần nhà. Một hôm, khi đi ngang qua thấy bác nông dân đang múc nước từ giếng lên để nấu ăn, tưới hoa màu, nuôi gia súc…, gã thông minh lập tức ngăn lại và không cho phép bác nông dân múc nước từ giếng lên.

“Tôi chỉ bán cho ông cái giếng, tôi không bán nước cho ông. Vì thế, ông không thể lấy nước từ cái giếng này được”, gã thông minh lên tiếng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bác nông dân rất buồn mà không biết phải làm sao. Giếng thì mình đã mua rồi, nhưng đúng là mình không trả tiền mua nước từ cái giếng. Giờ giếng có đầy nước mà không được dùng, trong khi cả gia đình mình, hoa màu và gia súc đều cần đến nguồn nước sạch từ cái giếng này.

Nghĩ mãi không biết làm thế nào để giải quyết với người đàn ông kia, bác nông dân quyết định mang lên trình quan huyện xét xử, mong lấy lại công bằng. Lên cửa quan, bác nông dân tường thuật lại đầu đuôi câu chuyện, không giấu giếm bất cứ điều gì, hòng mong lấy lại được công bằng cho gia đình mình.

Quan huyện gọi người đàn ông thông minh kia lên và hỏi: “Tại sao ngươi không cho ông ta dùng nước trong giếng? Chẳng phải ngươi đã bán cái giếng đó rồi sao?”

“Dạ, bẩm quan. Con chỉ bán cái giếng cho ông này, chứ con không bán nước trong giếng. Do đó, ông ta không có quyền lấy nước của nhà con. Giờ nếu muốn lấy nước, ông ta phải trả thêm tiền mua nước chứ” – người đàn ông đáp, chắc bẩm lý lẽ đã thuộc về tay mình.

Quan huyện nhìn người đàn ông, khẽ mỉm cười và trả lời: “Ồ, ngươi nói rất có lý. Thế nhưng, khi ngươi đã bán cái giếng cho người nông dân này, cái giếng đã thuộc quyền sở hữu của anh ta; còn nước trong giếng vẫn thuộc sở hữu của ngươi. Vậy thì ngươi không có quyền được để nước dự trữ trong giếng của người nông dân nữa”.

“Bây giờ chỉ có 2 lựa chọn: Một là ngươi phải trả tiền cho bác nông dân để thuê cái giếng dự trữ nước. Hai là ngươi phải mang toàn bộ nước ra khỏi cái giếng ngay lập tức”, quan tòa ngẩng lên nhìn gã thông minh và khẳng định đanh thép.

Gã thông minh cúi đầu buồn bã, không biết làm gì để biện minh cho hành động của mình nữa. Anh ta đã bị chính trí thông minh của mình hại rồi.

Thế mới nói, trong cuộc sống, dù bạn thông minh đến đâu cũng sẽ luôn có những người khác thông minh hơn bạn. Đó là lý do con người sinh ra luôn phải học hỏi không ngừng, dù là lúc ở tuổi thanh niên hay khi đã về già. Vậy nên đừng để trí thông minh sẽ phản tác dụng và khiến bạn “tự mình hại mình” nếu không biết sử dụng đúng cách nhé.

(Tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/doi-song/bai-hoc-cuoc-song-day-suy-ngam-tu-cau-chuyen-bac-nong-dan-va-cai-gieng-a201204.html