Bài học kinh doanh từ tham vọng đáng sợ của 'Vua dầu mỏ' Rockefeller

Lịch sử nước Mỹ ghi nhận, Rockefeller và những bài học kinh doanh được kính nể nhưng cũng vừa khiến người khác khiếp sợ bởi những tham vọng khôn cùng.

John Davison Rockefeller được sinh ra trong một nền giáo dục nề nếp, nguyên tắc, tiết kiệm và kỷ luật từ gia đình. Từ một người làm thuê đào khoai tây dưới ánh nắng chói chang với 4 xu mỗi giờ, Rockerfeller đã trở thành một trong những người giàu có nhất thế giới.

Rockefeller là người đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dầu mở sơ khai, ông sáng lập ra công ty Standard Oil và được mệnh danh là "Vua Dầu Mỏ". Tên tuổi của Rockefeller gắn liền với việc khởi nghiệp từ tay trắng, là biểu tượng cho sự thành công của "Giấc Mơ Mỹ".

Khi còn trẻ, Rockefeller kể rằng ông có hai tham vọng là: kiếm được 100.000 USD và sống đến 100 tuổi. Rockefeller mất ngày 23/05/1937, cách sinh nhật lần thứ 100 của mình chỉ 26 tháng và để lại một tài sản ròng trị giá 1,4 tỉ USD trong khi GDP nước Mỹ lúc bấy giờ là 92 tỷ USD. (Tài sản của Bill Gates ngày 27.06.2014 là 83.3 tỷ USD)

Sự nghiệp

Năm 12 tuổi, Rockefeller đã tiết kiệm được 50 USD nhờ đào khoai tây giúp những người làng giềng hay bán kẹo. Sau đó Rockefeller cho một người nông dân gần nhà vay số tiền này với lãi suất 7% và trả trong 1 năm. Năm sau, khi người nông dân đó trả lại cho ông số tiền kèm theo lãi, Rockefeller đã rất vui sướng. Ông đã nói " Ấn tượng sâu sắc đầu tiên của tôi là, hãy để đồng tiền là nô lệ của mình chứ không biến mình thành nô lệ của đồng tiền".

Rockefeller được bố mình hướng dẫn lập những quyển số ghi chép cẩn thận lại những đồng tiền kiếm được cũng như từng xu cậu tiêu xài đi (ông đã ghi chép tiền tán tính người vợ của mình và thậm chí là tiền mua nhẫn đính hôn giành cho đám cưới). Sau này John con của ông nhở lại " Bố tôi không bao giờ muốn thanh toán một hóa đơn khi chưa biết mọi khoản trên hóa đơn có chính xác hay không. Đối với một số người, bận tâm đến những thứ nhỏ nhặt dường như là bủn xỉn keo kiệt, nhưng đối với cha tôi, đó là thể hiện của một quy tắc sống".

Năm 1863, khi mới nhận được một vài hợp đồng là nhà thầu phụ liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ, Rockefeller đã nhanh nhạy phát hiện và khẳng định đây sẽ là một miếng đất màu mỡ để có thể nhanh chóng kiếm tiền. Ông mua lại công ty ban đầu do ông thành lập chung với Clark và sau này là một số người bạn nữa với giá 72.500 USD. Khi đã trở thành người chủ duy nhất, ông bắt đầu lao vào cuộc giành giật những hợp đồng dầu mỏ dù là nhỏ nhất.

Năm 1867, Rockefeller đã mua thêm một nhà máy lọc dầu ở Cleveland thuộc bang Ohio. Đây được coi là thương vụ đầu tiên trong hàng loạt vụ sáp nhập mà Rockefeller với tham vọng bá chủ ngành công nghiệp dầu mỏ Hoa Kỳ để tạo ra công ty Standard Oil vào năm 1870 lúc ông mới 31 tuổi. Lúc bấy giờ Standard Oil chiểm khoảng 10% ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ.

Nhận thấy giá cả đầu vào thấp và thị trường đang thừa cung nên các công ty dầu mỏ nhỏ đã hạ giá dưới mức giá thành nhằm bán sản phẩm gây thiệt hại nặng cho những công ty lớn như Standard Oil. Rockefeller đã đưa ra giải pháp hợp thành một công ty lớn, kiểm soát việc lọc dầu, đưa dầu vào các kho chứa cũng như sản xuất những phụ phẩm từ quá trình lọc dầu. Nhờ tính tiết kiệm được dạy dỗ từ nhỏ mà Rockefeller đã sáng tạo ra phương pháp kinh doanh " khép kín toàn bộ" bằng cách khống chế tất cả các công đoạn và các bộ phận có liên quan đến kinh doanh, tuyệt đối tự cung tự cấp nếu điều kiện cho phép để giảm bớt chi phí và giá thành sản phẩm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh về giá bán. Rockefeller quy định giá cả phải tính tới 3 con số sau dấu phẩy và các báo cáo lãi ròng được yêu cầu cung cấp mỗi buổi sáng cho ông.

Năm 1873 gần như các công ty dầu mỏ tại Clevelanh đều bị Standard Oil mua lại, lúc bấy giờ Standard Oil đã kiểm soát 25% ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ. Việc ầm thầm kín đáo tiền hành của lại các công ty dầu mỏ ở các bang cho đến năm 1879, Standard Oil Trust đã kiểm soát 90% ngành lọc dầu Mỹ, khi đó ông 43 tuổi.

Năm 1883 lúc Rockefeller 43 tuổi, ông hợp nhất các công ty lại thành Tập đoàn Standard Oil Trust với mức vốn điều lệ 70 triệu Đô La. Ông chính thức trở thành người giàu có nhất nước Mỹ. Sau 8 năm phát triển mạnh mẽ, Standard Oil Trust sở hữu 20.000 giếng dầu, 4000 dặm đường ống, 5000 xe bồn và hơn 100.000 nhân công. Rockefeller đặc biệt đề cao người tài giỏi. Ông trả lương cao để thu hút nhân tài và thưởng cổ phần trong công ty cho họ.

Người ta bắt đầu thấy mối đe dọa và gọi Standard Oil Trust là con bạch tuộc khổng lồ vươn vòi thâu tóm và thao túng hệ thống nền kinh tế nước Mỹ.

Rockerfeller nhìn thấy một sự thật hiển nhiên đó là cạnh tranh kinh doanh diễn ra kịch liệt mà không thể kiểm soát được, vì thế sớm hay muộn, các doanh nghiệp tham gia vào cuộc chiến này để tồn tại và phát triển chỉ có duy nhất một cách: tiêu diệt đối thủ cạnh tranh bằng mọi giá, không từ bất cứ thủ đoạn nào. Sự nghiệp kinh doanh của ông đã gây nhiều tranh cãi. Ông bị các nhà báo chuyên chống tham nhũng tấn công; công ty của ông bị tòa án liên bang Mỹ buộc tội độc quyền và bị chia nhỏ vào năm 1911.

Lịch sử nước Mỹ ghi nhận, John Davison Rockefeller - được mệnh danh là người giàu nhất trong những người giàu nhất vừa được kính nể và khâm phục bởi tài làm giàu nhanh chóng, nhưng cũng vừa bị khiếp sợ bởi những tham vọng khôn cùng.

Bài học kinh doanh

1. “Bí quyết để thành công là làm tốt những điều bình thường theo cách không bình thường… Tôi luôn cố gắng biến các mối nguy thành các cơ hội” – Rockefeller chia sẻ. Từ việc điều hành hoạt động của công ty với một ngân sách eo hẹp cho đến việc mua lại các đối thủ cạnh tranh, tìm cách sử dụng các nguồn chất thải một cách hiệu quả, ông luôn để ý đến việc cắt giảm chi phí tối đa.

2. “Nếu muốn thành công, anh phải thử những hướng đi mới thay vì cứ đi vào những lối mòn đã được mọi người công nhận… Tôi nghĩ điều đó đòi hỏi lòng kiên trì” – Rockefeller khuyên nhủ. Ông không bao giờ ngại ngần làm những việc mà mình chưa bao giờ làm. Đây chính là bí quyết giúp ông luôn tiến về phía trước, ngay cả khi đang bị nghi ngờ và chỉ trích từ công chúng.

Ông cũng từng chia sẻ, lãnh đạo tốt là người có khả năng hướng dẫn cho những người trung bình biết cách phân loại công việc của những người tài giỏi.

“Tôi thà kiếm được 1% nổ lực của 100 người khác hơn là 100% từ chính nổ lực cá nhân tôi”, Rockefeller khẳng định.

3. “Con đường đi đến hạnh phúc có hai nguyên tắc rất đơn giản. Đi tìm điều làm anh quan tâm và cố để làm tốt, sau đó hãy đặt hết tâm hồn, nỗ lực, tham vọng và khả năng tự nhiên của mình vào đó” – Rockefeller bày tỏ quan điểm. Luôn có những ước mơ lớn, ông sẵn sàng theo đuổi chúng bằng mọi giá. Tham vọng của ông không bao giờ dừng lại. “Tôi có những cách làm ra tiền mà anh chưa bao giờ biết đến”, Rockefeller từng nói như vậy.

4. “Điều quan trọng nhất đối với một người trẻ tuổi là tạo cho mình một uy tín và một cá tính” – Rockefeller nói. Chính uy tín và cá tính đã giúp Rockefeller trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng động viên nhân viên làm việc tích cực và trung thành với tổ chức ngay cả trong những thời kỳ khó khăn nhất.

5. “Nếu mục đích duy nhất của anh chỉ là trở nên giàu có, anh sẽ không bao giờ đạt được điều đó”, Rockefeller chia sẻ. Mặc dù đã giàu có nhưng Rockefeller luôn nghĩ đến việc đóng góp trở lại cho xã hội một cách tốt nhất. Ông tâm niệm cho đi và làm những điều tốt hơn cho nhân loại là một nhiệm vụ của mình”.

Hoàng Minh Thái (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bai-hoc-kinh-doanh-tu-tham-vong-dang-so-vua-dau-mo-rockefeller-d117848.html