Bài học với Mỹ sau đợt phòng thủ tên lửa của Israel

Một mối đe dọa hiện hữu là hệ thống phòng không nguy cơ bị áp đảo với lượng tên lửa lớn tên lửa tấn công. Cuộc tấn công của Iran cũng cho thấy sự thiếu hụt trong sản xuất hệ thống đánh chặn của Mỹ.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiệu quả hoạt động của lực lượng phòng không Israel, kết hợp với sự hỗ trợ từ máy bay chiến đấu và máy bay đánh chặn của Mỹ, đã vô hiệu hóa phần lớn tên lửa và phương tiện bay không người lái (UAV) của Iran trong cuộc tấn công cuối tuần trước. Nhưng các đối thủ của Mỹ đang rút kinh nghiệm sau mỗi lần giao chiến và tìm ra những điểm yếu để khai thác. Do đó, Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để đánh chặn trước các cuộc tấn công trong tương lai, theo nhận định của tờ Wall Street Journal (Mỹ).

Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lại ca ngợi sự thành công của hệ thống phòng thủ tên lửa và UAV ở Israel. Vào những năm 1980, đảng Dân chủ đã phản đối hoặc không hỗ trợ tài chính cho hệ thống phòng thủ tên lửa trong nhiều thập kỷ với lý do chúng quá đắt và quá dễ bị đánh bại bởi công nghệ mới.

Hệ thống phòng thủ của Israel đã chứng minh quan điểm này sai lầm như thế nào, thể hiện giá trị thực tế và chiến lược của chúng. Nếu hơn 300 tên lửa và UAV của Iran đánh trúng mục tiêu, Tổng thống Biden sẽ không thể tự hào như vậy, như ông đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: “Đó là một chiến thắng”. Thương vong hàng loạt từ cuộc tấn công của Iran sẽ dẫn đến leo thang quân sự trên quy mô lớn.

Thành công của hệ thống phòng không nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược của Israel với hàng thập kỷ đầu tư vào công nghệ quốc phòng. Sự hỗ trợ của Mỹ cũng rất quan trọng và đây là một ví dụ về hợp tác liên minh mang lại kết quả cho cả hai bên. Mỹ đã hỗ trợ tài chính cho hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel. Hệ thống này đã phát triển thành một thỏa thuận hợp tác sản xuất nhằm bù đắp những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Khả năng đánh chặn vào cuối tuần qua đã chứng minh năng lực phòng thủ của Israel.

Nhưng các đối thủ của Israel sẽ không ngồi yên và họ đang điều chỉnh các phương pháp và công nghệ để có thể đánh bại các hệ thống phòng không phương Tây. Một mối đe dọa hiện hữu là hệ thống phòng không có nguy cơ bị áp đảo khi bị lượng tên lửa lớn tên lửa tấn công. Israel đã đứng vững trước cuộc tấn công lớn từ Iran nhưng vẫn cần sự giúp đỡ của Mỹ và các nước khác. Không rõ liệu Israel có thể đạt được thành công tương tự nếu Hezbollah phóng hàng loạt tên lửa từ Liban và Syria trong khi Iran tấn công từ phía tây và Houthi từ Yemen.

Ngoài ra còn có câu hỏi về chi phí bất đối xứng. Sản xuất UAV rẻ và dễ vận chuyển, trong khi việc bắn hạ chúng có thể tốn kém. UAV cũng có thể tấn công theo phương pháp “bầy đàn” (tấn công đồng loạt bằng nhiều loại, số lượng lớn). Đó là lý do tại sao một quố gia như Iran lại chuyên sản xuất UAV. Iran còn là nhà cung cấp UAV cho Nga và đã cho thấy hiệu quả của loại thiết bị này ở chiến trường Ukraine. Cách tấn công “bầy đàn” UAV của Azerbaijan đã tạo nên sự khác biệt vào năm ngoái trong cuộc chiến với Armenia.

Ukraine cũng đã xây dựng dây chuyền sản xuất UAV riêng và mua UAV của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Mỹ và đồng minh phương Tây sẽ cần phải đổi mới để giải quyết vấn đề liên quan đến việc bắn hạ UAV bằng những thiết bị đánh chặn đắt hơn gấp trăm lần. Quân đội Mỹ đang thử nghiệm những công nghệ đầy hứa hẹn như vũ khí vi sóng công suất cao.

Cuộc tấn công của Iran cũng cho thấy sự thiếu hụt trong sản xuất hệ thống đánh chặn của Mỹ. Kho dự trữ của Mỹ đang khan hiếm và chính quyền Tổng thống Biden đã phải yêu cầu Nhật Bản chuyển giao một số tên lửa Patriot để Mỹ có thể duy trì đủ cho hoạt động phòng thủ của mình.

Dự luật viện trợ của Thượng viện dành cho Ukraine, Israel và các đối tác ở Thái Bình Dương bao gồm kinh phí để tăng số lượng tên lửa Patriot tiên tiến nhất lên 650 mỗi năm so với mức 550 hiện nay. Nhưng liệu 650 tên lửa có đảm bảo được khả năng phòng thủ cho Mỹ? Mỹ có thể cạn kiệt những tên lửa này chỉ trong vài tuần chiến đấu căng thẳng và con số đó là không đủ trước các mối đe dọa tên lửa đang gia tăng trên toàn thế giới.

Vì vậy, quân đội Mỹ cần nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới đồng thời sản xuất nhiều loại vũ khí hiện đại hơn. Điều đó có nghĩa là ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ phải tăng lên. Cuộc tấn công của Iran vào Israel cuối tuần trước là bài học về lý do tại sao Mỹ không bao giờ muốn rơi vào tình trạng thiếu đạn dược tự vệ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo WSJ.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/bai-hoc-voi-my-sau-dot-phong-thu-ten-lua-cua-israel-20240417163158464.htm