Bài toán an ninh tại Afghanistan

Tình hình an ninh bất ổn tại Afghanistan tiếp tục là vấn đề nóng, gây "đau đầu" không chỉ cho giới chức nước sở tại, mà còn đối với Mỹ và lực lượng đồng minh. Nhiều biện pháp mạnh đã và đang được áp dụng nhằm xoay chuyển tình hình, song đến nay, các nước vẫn chưa thể tìm được lời giải hữu hiệu cho bài toán an ninh hóc búa ở quốc gia Nam Á này.

Hội nghị Tiến trình Kabul do Afghanistan tổ chức hôm 6-6 vừa qua quy tụ đại diện của hơn 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế lớn, như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên hiệp châu Âu (EU) tham gia, nhằm tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, thúc đẩy tiến trình hòa bình và hòa giải dân tộc tại Afghanistan. Các nước tiếp tục ủng hộ tiến trình hòa bình do chính người Afghanistan vạch ra, trong đó khuyến khích Taliban tham gia đàm phán và tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng kéo dài tại đất nước. Đại diện của Anh đánh giá, hội nghị này là dấu mốc quan trọng để mỗi bên và mỗi quốc gia trong khu vực chứng tỏ sự ủng hộ đích thực đối với khát vọng hòa bình mạnh mẽ từ phía Afghanistan. Tổng thống nước chủ nhà A. Ghani một lần nữa kêu gọi Taliban ngồi vào bàn đàm phán, coi đó là "hy vọng cuối cùng" để chấm dứt 16 năm nổi dậy của lực lượng phiến quân này. Tuy nhiên, vẫn như mọi khi, Taliban đã thẳng thừng từ chối lời mời của Chính phủ, khăng khăng yêu sách đòi chính quyền Kabul rút hết các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan. Đáng báo động, lực lượng này còn nã rốc-két vào thủ đô Kabul giữa lúc đang diễn ra hội nghị. Trước đó vài ngày, thủ đô Kabul bị rung chuyển bởi vụ đánh bom đẫm máu nhất kể từ năm 2001 nhằm vào khu ngoại giao đoàn và cơ quan chính phủ, làm ít nhất 150 người chết và hơn 450 người bị thương. Thêm một lần nữa, các nỗ lực nối lại hòa đàm tại Afghanistan đã thất bại.

Thái độ bất hợp tác và ngang ngược của Taliban phản ánh thực trạng an ninh ngày càng tồi tệ tại Afghanistan, qua đó bộc lộ khả năng yếu kém của các lực lượng sở tại thực hiện sứ mệnh tự đảm đương tình hình an ninh đất nước kể từ khi các lực lượng nước ngoài do NATO chỉ huy rút gần hết binh sĩ chiến đấu vào năm 2014. Theo ước tính của Mỹ, các lực lượng an ninh Afghanistan hiện kiểm soát gần 60% lãnh thổ đất nước, Taliban kiểm soát 10% và 30% còn lại trong tình trạng bị tranh giành giữa các lực lượng chính phủ và phe nổi dậy. Lỗ hổng an ninh "phình" to đẩy số người bị chết và bị thương tăng kỷ lục. Năm 2016, Afghanistan chứng kiến số nạn nhân là dân thường cao nhất trong các cuộc tiến công, xung đột, tổng cộng 590 người chết và bị thương, gấp gần hai lần so năm 2015. Trong tám năm kể từ khi Liên hợp quốc lập báo cáo hằng năm, xung đột tại quốc gia Nam Á đã cướp đi sinh mạng của hơn 24.840 dân thường, làm 45.347 người bị thương, trong đó 61% trong tổng số này là do các phần tử chống chính phủ, chủ yếu là Taliban, gây ra.

Thực trạng nêu trên khiến nhiệm vụ tìm lời giải cho bài toán an ninh tại Afghanistan trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính quyền mới tại Mỹ, dưới thời Tổng thống D. Trump. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự trỗi dậy nguy hiểm của Taliban, sự xuất hiện của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các lực lượng nổi dậy cực đoan khác đang đặt chính quyền của Tổng thống D. Trump trước thế "tiến thoái lưỡng nan" như thời người tiền nhiệm B. Obama. Mỹ hiện vừa phải chuyển hướng tập trung triệt tiêu các chân rết của IS và An Kê-đa, vừa phải căng sức giúp chính quyền sở tại cầm chân Taliban đang ngày một bành trướng. Tư lệnh Chỉ huy các lực lượng NATO ở Afghanistan J. Nicholson thừa nhận, lực lượng Mỹ và NATO ở Afghanistan đang rơi vào thế bí và chiến trường Afghanistan trở thành nơi quân đội Mỹ tham chiến lâu nhất từ trước tới nay.

Trong khi Lầu năm góc đang hoàn thiện chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan cả về quân sự, ngoại giao và kinh tế, nhiều tướng lĩnh và giới chức quân sự ở Lầu năm góc đã đặt những câu hỏi lớn về mức độ can dự của Mỹ ở chiến trường khốc liệt này. Có hai luồng ý kiến nổi lên, một bên là nghi vấn về việc liệu Mỹ có nên đổ thêm người và của vào "vùng đất chết" nữa hay không, và bên kia là giả thiết nếu Mỹ rút khỏi chiến trường này thì tình hình an ninh sẽ còn sa sút đến mức nào. Tất cả các kịch bản đều chưa có lời giải thỏa đáng, trong lúc, cuộc chiến chết chóc, tang thương vẫn diễn ra và chưa biết khi nào ánh sáng của hòa bình mới vươn tới đất nước nghèo khó này.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/33134602-bai-toan-an-ninh-tai-afghanistan.html