Bài toán “khó” cần lời giải của lãnh đạo “giỏi”

Do chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng gần 30 xưởng băm dăm gỗ không phép, dấy lên tình trạng báo động phá vỡ quy hoạch, thất thu thuế, ô nhiễm môi trường, cạnh tranh mua bán không lành mạnh... Sau khi bị công luận phanh phui, việc dẹp bỏ các cơ sở này như thế nào là một bài toán “khó” cần lời giải của những lãnh đạo “giỏi”.

Theo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền thì các cơ sở gỗ dăm trái phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải tháo dỡ máy móc, dừng sản xuất trước ngày 15/7/2016. Ảnh: Văn Thanh

Cần quy hoạch để ưu tiên chế biến sâu

Trong khi các cơ sở trái phép mở ra ở các huyện chỉ quan tâm đến lĩnh vực băm dăm xuất khẩu để kiếm lời, làm khuấy đảo thị trường, tranh mua, tranh bán keo non, mất an ninh trật tự, ngược lại, một số doanh nghiệp có bản lĩnh, tâm huyết trong lĩnh vực lâm sản lại đầu tư có chiều sâu, thu mua gỗ lớn, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nội địa và xuất đi nước ngoài góp phần mang về nguồn thu cho Nhà nước, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo tìm hiểu của PV, một cơ sở chỉ băm dăm, không chế biến sâu chỉ phải đầu tư dàn máy băm dăm vài trăm triệu đồng là có thể hoạt động băm chặt hết công suất, trung bình chế biến 250 - 300 tấn/ngày. Các cơ sở này khi băm chặt đều không biết đến keo to, keo nhỏ, non hay già đều bỏ chung cùng một hệ thống để băm. Vì thế, giá trị thu về rất thấp, không giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động.

Ông Đỗ Văn Hùng, một hộ dân trồng keo lâu năm ở xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân phân tích: Chu kỳ của một lứa keo trung bình 6 - 7 năm là cho thu hoạch gỗ. Gỗ này gọi là “gỗ lớn” dùng cho các doanh nghiệp chế biến sâu, làm ra được nhiều sản phẩm như ván lát sàn, đóng trần, palel xuất khẩu, thùng đựng hoa quả mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn. Tuy nhiên, gần đây việc các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ dăm không phép, có phép mọc ra, không có nguồn nguyên liệu nên việc tranh thu mua keo non 3 - 4 năm, keo già 6 - 7 năm lẫn lộn để thực hiện việc băm dăm xuất khẩu, làm thị trường hỗn loạn. Người trồng keo vì cái lợi trước mắt, keo chưa đủ năm đã bán, làm phá vỡ quy hoạch, chất lượng keo kém, giá trị thấp, mất công trồng, đầu tư cây giống để quay vòng tái sản xuất, vô hình chung người trồng bị thiệt mà không nhận ra. “Hiện nay, trung bình một 1ha cây keo 3 - 4 năm tuổi bán được 35 - 40 triệu đồng; 1ha cây keo 6 - 7 năm tuổi bán được 80 - 85 triệu đồng; 1ha cây keo 9 - 10 năm tuổi bán được 150 - 170 triệu đồng. Nếu như không có các xưởng băm dăm thì không bao giờ có việc thu mua keo 3 - 4 năm tuổi, mà chỉ có keo từ 6 - 10 năm tuổi các cơ sở chế biến mới thu mua để xẻ, chế biến các sản phẩm có lợi cho xã hội mà thôi”, ông Hùng cho biết.

Còn ông Phạm Đình Thắng, Giám đốc Doanh nghiệp Nhất Duy, một trong những cơ sở chế biến lâm sản từ gỗ keo có tiếng ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn, chia sẻ: Khoảng tháng 9/2009, nắm bắt được nhu cầu của thị trường về gỗ keo làm palel xuất khẩu, ông đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, thu mua gỗ keo lớn từ 6 - 10 năm ở các huyện lân cận về xẻ, chế biến palet xuất khẩu sang Hàn Quốc. Nhờ quan tâm đến công nghệ chế biến sâu, ông đã mở rộng thêm1 cơ sở sản xuất ở khu công nghiệp Dân Lực - Dân Lý. Trung bình 1 tháng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu được khoảng 1.000 khối gỗ đã xẻ thành palet, tận dụng đầu thừa, cành ngọn để băm dăm, đóng thuế cho Nhà nước có năm đến 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động có thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch huyện chỉ đạo dừng cấp điện 4 cơ sở gỗ dăm trái phép

Sau khi thành lập đoàn, tiến hành kiểm tra, xác định các vi phạm, lập biên bản, đình chỉ hoạt động ở các cơ sở băm dăm gỗ trái phép, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy Phạm Viết Hoài đã có Văn bản số 389 ngày 9/5/2016 gửi Điện lực Cẩm Thủy tạm dừng hợp đồng cung cấp điện cho 4 cơ sở gỗ dăm trái phép trên địa bàn theo Điều 7, Thông tư 30/2013/TT-BCT ngày 14/11/2013 của Bộ Công thương “quy định về điều kiện, trình tự ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm luật pháp theo quy định”.

Gần đây nhiều nhà máy, xưởng sản xuất lấy danh nghĩa là sản xuất lâm sản mọc tự phát, thực chất là chỉ băm dăm gỗ, không nằm trong quy hoạch, không chế biến sâu xuất hiện ở khắp nơi. Các cở sở này tranh mua keo non dẫn đến thiếu, cạn kiệt nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến sâu. Về lợi ích, nếu 1 tấn gỗ keo từ 6 - 10 năm tuổi chế biến thô, chủ doanh nghiệp phải trả cho người lao động thêm khoảng 300 nghìn đồng so với đưa đi băm dăm. Do đó, nếu Nhà nước quản lý chặt chẽ, quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu, xử lý nghiêm các cơ sở băm dăm gỗ keo trái phép thì trật tự rừng mới được lặp lại. Còn không thì chẳng biết các doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm cây keo sẽ đi về đâu. “Ngành nghề trồng, chế biến gỗ keo ở Thanh Hóa hiện đang là một bài toán khó, đang rất cần lời giải của một lãnh đạo giỏi”, ông Thắng kiến nghị.

Tỉnh chỉ đạo các huyện kiểm điểm sai phạm

Trước sự lộn xộn, mất an ninh trật tự giữa các cơ sở gỗ dăm có phép và không phép, tiếp thu những ý kiến phản ánh của công luận, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triệu tập họp các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường và các huyện để chấn chỉnh, đưa ra các giải pháp khắc phục những bất cập và tiến tới xóa bỏ các nhà máy gỗ dăm trái phép. Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân, cộng đồng các doanh nghiệp về quản lý bảo vệ rừng hiện có, đẩy mạnh công tác trồng rừng gỗ lớn, kéo dài chu kỳ trồng rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu hút các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng gia dụng, các sản phẩm đồ gỗ cao cấp.

Văn bản của Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy yêu cầu Điện lực tạm dừng cấp điện cho 4 cơ sở gỗ dăm trái phép trên địa bàn.Ảnh: Văn Thanh

Đối với 26 nhà máy, cơ sở băm dăm gỗ trái phép, không được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư phải dừng mọi hoạt động thu mua nguyên liệu và sản xuất dăm gỗ, chủ động tháo dỡ nhà xưởng, máy móc thiết bị trước ngày 15/7/2016. Đối với 5 cơ sở vượt công suất phải điều chỉnh ngay quy mô công suất theo đúng nội dung, quy mô được duyệt. 7 công ty chưa hoàn thành dự án theo nội dung đã được chấp thuận phải hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2016.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến 2025, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến, khuyến khích việc cấp chứng chỉ rừng (FSC). Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các cơ sở chế biến lâm sản, tham mưu thu hồi các cơ sở sử dụng đất sai mục đích, chậm hoàn thành dự án theo quy định.

Đối với các huyện có cơ sở sản xuất, chế biến gỗ dăm trái phép phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ những sai phạm trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng. Theo đó, căn cứ các quy định của pháp luật có hình thức xử lý nghiêm cá nhân, tập thể, cá nhân liên quan theo thẩm quyền hoặc đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo tỉnh, các ngành liên quan trước ngày 31/5/2016.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin đến bạn đọc khi có tình tiết mới.

Văn Thanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/bai-toan-kho-can-loi-giai-cua-lanh-dao-gioi_t114c7n103899