Bài toán khó giải

(ANTĐ) - Đến sát giờ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hôm 25-3, khối kinh tế hùng mạnh này vẫn rối bời xung quanh biện pháp cứu trợ khẩn cấp dành cho Hy Lạp.

Căn bệnh của Hy Lạp đã kịch phát đến mức nghiêm trọng. Theo một cuộc khảo sát công bố ngày 15-3, nợ của các hộ gia đình ở nước này đã lên tới ít nhất 120 tỷ euro (164,46 tỷ USD) và cứ 10 hộ gia đình ở Hy Lạp thì có 6 hộ nợ ngân hàng trầm trọng và 2 trong số này không có khả năng thanh toán. Thâm hụt ngân sách nhà nước trong năm 2009 lên đến 12,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dù đã áp dụng khẩn cấp hàng loạt những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhưng thực tế cho thấy bản thân Hy Lạp không thể tự thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Vào thời điểm hiện tại, nếu không có ngay 20 tỷ USD để trả nợ đến hạn và giải quyết cuộc khủng hoảng đang xói mòn nền tảng đời sống kinh tế và chính trị, Hy Lạp có nguy cơ sụp đổ và điều đó chắc chắn sẽ gây thảm họa cho khu vực đồng euro. EU tất nhiên không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng của một nước thành viên như Hy Lạp. Nhưng kê “đơn thuốc” nào cũng như chọn “bác sĩ” nào cho “con bệnh” Hy Lạp thì lại là một cuộc tranh cãi nảy lửa. Lâu nay, mỗi khi có nền kinh tế nào rơi vào khủng hoảng, người ta lại thấy mặt của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Vai trò của tổ chức tài chính toàn cầu này trong các cuộc cứu trợ khẩn cấp đã được khẳng định. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) M. Baroso đã tuyên bố thẳng, sự giúp đỡ của IMF dành cho Hy Lạp trong hoàn cảnh này sẽ làm “bẽ mặt” khu vực đồng euro. Là “bệnh nhân” đang cần cấp cứu gấp nhưng Thủ tướng Hy Lạp G. Papandreou cũng “đổ thêm dầu vào lửa” khi bình luận: “Việc một nước thành viên khu vực đồng euro phải đi “gõ cửa” một tổ chức tài chính quốc tế là chưa từng có tiền lệ và điều này sẽ gây “bẽ bàng” cho cả khối kinh tế vốn được coi là thịnh vượng này”. Nhưng tìm được sự đồng thuận trong khối để có một quyết định chung trong chiến lược cứu trợ Hy Lạp thì EU lại đang bế tắc. Có “ông lớn” trong EU như Đức thì phản đối biện pháp cứu trợ Hy Lạp vì cho rằng điều đó sẽ tạo điều kiện để thị trường tài chính tấn công đồng euro. Bà Thủ tướng Đức A. Merkel thậm chí còn đề nghị “trục xuất” bất cứ nước thành viên vi phạm các quy định tài chính của EU ra khỏi khu vực đồng euro. Một số nước khác thì cho rằng Hy Lạp là thành viên của IMF nên có thể yêu cầu giúp đỡ trong bối cảnh có nhiều nước cũng đã hướng tới quỹ này. Có nước thì đề nghị đi kèm với các khoản cho vay là các yêu cầu ngặt nghèo với Hy Lạp, thậm chí gay gắt đến mức Hy Lạp phản ứng bằng tuyên bố thà đi vay IMF còn hơn là trông chờ vào sự trợ giúp của những người hàng xóm. Tất cả hiện đang hướng về Brussels (Bỉ), nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU. Tương lai của liên minh kinh tế này đang đặt cả vào lời giải bài toán khó Hy Lạp.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=70620&channelid=7