'Bài toán trước mắt chúng ta là phải hàn gắn một đất nước bị phân cực...'

Đã 1 tuần trôi qua kể từ khi cử tri vương quốc Anh quyết định sẽ rời đi khỏi liên minh châu Âu (EU), tạo ra một cú sốc lớn không chỉ trong nước mà còn trên bình diện quốc tế.

Tôi đã học tập, sinh sống và làm việc tại vương quốc Anh 7 năm và sẽ tiếp tục điều này trong thời gian dài tới. Vì vậy, kết quả hôm thứ 6 vừa rồi không chỉ thu hút tôi trên phương diện một người phân tích chính trị nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc học tập, công việc sau này và cả môi trường xã hội của bản thân.

Sự thất vọng và phần nào đó là tức giận là điều đầu tiên được nghĩ đến khi càng về gần sáng thứ Sáu ngày 24/6 (giờ Anh), phe ủng hộ rời khỏi EU liên tiếp có được những kết quả có lợi.

Và sự thất vọng đó lên đến đỉnh điểm khi gần 5h thì tất cả các đầu báo lớn và kênh bình luận đều chắc chắn một kết quả sẽ làm thay đổi lịch sử của vương quốc Anh và khối EU.

Ngay khi kết quả cuối cùng được công bố thì những thống kê tổng hợp cũng được đưa ra. Trên 70% tỉ lệ người dưới 25 tuổi bỏ phiếu cho phe ở, con số ở chiều ngược lại là 60% số người trên 65 tuổi bỏ phiếu muốn rời đi.

Trong cuộc điện thoại ngay sau khi con số thống kê này được đưa ra, bạn tôi ở Staffordshire gọi điện và cay đắng nói "chúng ta là thế hệ bị lãng quên rồi". Một người bạn nữa ở Liverpool thì mỉa mai "khi còn bé, ông bà hay bảo nếu cháu không nghe lời thì sẽ bị phạt đấy. Hóa ra hình phạt là đây".

Và còn rất nhiều câu chuyện và cuộc hội thoại nữa với chủ đề chung là tương lai của những người trẻ, của những người đã được lợi rất nhiều từ EU mà giờ đây những thứ đó có nguy cơ bị lấy đi nếu Thủ tướng mới (vào tháng 10) quyết định thực hiện theo ý kiến của cử tri vương quốc Anh và khởi động chính thức quá trình rời EU.

Hơn 4 triệu người đã kí vào một cuộc vận động để có một cuộc tranh cầu dân ý lần 2. Tôi chỉ muốn đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu như điều ngược lại tức là phe ở chiến thắng sít sao? Dân chủ có thể không đưa ra điều bạn luôn muốn nhưng cử tri vương quốc Anh đã lên tiếng và tiếng nói của họ cần phải được nghe.

Một sự thật không bàn cãi là chiến dịch cho cuộc trưng cầu dân ý của 2 phe lần này đã chia rẽ và phân cực vương quốc Anh. Những xung khắc âm ỉ của những giá trị đối lập giữa người già và người trẻ, người có học thức và người ít học, người ở nông thôn và thành thị đã bị phơi bày trong hơn 3 tháng vừa qua.

Những phát ngôn gây sốc, những tấm áp phích cổ động phản cảm và thậm chí là cả cái chết của nghị sĩ Jo Cox dưới tay một kẻ cực đoan cánh hữu là điểm nổi bật của 3 tháng vận động tranh cử của cả 2 phe. Rất ít khi được thấy những câu tranh luận mang tính xây dựng mà chỉ là những lời đe dọa về viễn cảnh "ngày tận thế" của cả phe đi và ở.

Cựu Thủ tướng Gordon Brown viết trên tờ Guardian là kết quả trưng cầu dân ý này, ở cốt lõi, là về sự toàn cầu hóa với những người hưởng lợi từ nó và những người bị lãng quên.

Đây là một quan sát làm tôi nhớ lại thời còn làm sinh viên đã tham gia tình nguyện ở Rochdale, phía bắc Manchester. Rochdale là một thị trấn vệ tinh của Manchester, cách Manchester chỉ 30 phút chạy xe nhưng 2 nơi như là 2 thế giới.

Nếu như trung tâm Manchester là một đô thị tràn đầy sức sống, nổi tiếng về sự đa chủng tộc với công dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về giao lưu và sinh sống, với những địa điểm câu lạc bộ mở cửa đến tận sáng hôm sau thì Rochdale là một vùng ảm đạm.

Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Anh thì Rochdale là một trong những vùng thụt lùi nhất ở vương quốc theo chỉ số kinh tế và giáo dục. Việc làm không có, cơ hội ít, những người dân ở Rochdale chỉ còn nhớ về thời hoàng kim của vùng công nghiệp phía Tây Bắc trước những năm 1980, khi cố thủ tướng Margaret Thatcher tư nhân hóa nền công nghiệp sản xuất ở Anh để chuyển sang nền kinh tế dịch vụ.

Những thành phố như Manchester, London nhanh chóng trở thành trung tâm dịch vụ tài chính của châu Âu thu hút nguồn lao động từ EU và khắp nơi trên thế giới. Những nơi như Rochdale, thì ngược lại. Phần lớn nhân công tay nghề trung bình trong ngành than, ngành sắt bỗng dung mất việc và không thể tìm cho mình công việc nào khác để nuôi gia đình.

Sự thất vọng về mất việc làm lâu dần bị kích động bởi những số liệu và lập luận dối trá của phe đi đã biến thành sự tức giận với những người lao động nhập cư. Và người dân Rochdale đã ủng hộ rời khỏi EU với con số áp đảo 60%.

"Bài toán trước mắt chúng ta là phải hàn gắn một đất nước bị phân cực. Chúng ta phải tìm cách xóa bỏ hoặc làm mờ đi sự bất bình đẳng của toàn cầu hóa để cho những lợi ích của nó không chỉ được cảm nhận bởi một bộ phận nhất định mà tất cả mọi người". Đó là những câu kết của ông Gordon Brown.

Nếu như không giải quyết được bài toán này và những vùng như Rochdale vẫn bị tụt lại so với đô thị lớn thì dù bằng một phép kì diệu nào đó, vương quốc Anh không ra khỏi EU thì đây vẫn sẽ là một thất bại của toàn đất nước.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/bai-toan-truoc-mat-chung-ta-la-phai-han-gan-mot-dat-nuoc-bi-phan-cuc-post168530.html