Bám sát tiến độ, tham mưu đúng, trúng, kịp thời

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQPAN, ĐVCN), hiện nay, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) đang tiếp tục tham mưu tích cực với Bộ Quốc phòng, Chính phủ xây dựng dự án luật để trình Quốc hội. Qua đó góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng, phát triển CNQPAN, ĐVCN trong tình hình mới.

Trên cơ sở kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện chương trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Quốc phòng, với vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện giúp cơ quan thường trực Ban soạn thảo dự án luật, Bộ Tham mưu Tổng cục CNQP đã tập trung nguồn lực, tích cực chuẩn bị, lên kế hoạch, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Từ giai đoạn lập hồ sơ đề nghị đến nay đã trải qua một số dấu mốc quan trọng như: Ngày 24-8-2023, tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất thông qua Hồ sơ dự án Luật CNQPAN, ĐVCN; ngày 28-11-2023, tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật với 102 lượt ý kiến đóng góp.

Đồng chí Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội khảo sát thực tế tại Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (tháng 12-2023). Ảnh: Quochoi.vn

Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội và ý kiến của đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tại các buổi hội thảo, tọa đàm, khảo sát về dự án Luật CNQPAN, ĐVCN, Tổng cục CNQP đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cùng các cơ quan liên quan tổ chức nhiều cuộc họp, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo luật.

Xác định rõ tầm quan trọng của dự án luật, với phương châm “kịp thời, chính xác, khoa học và hiệu quả”, thời gian qua, Bộ Tham mưu Tổng cục CNQP đã tham mưu, triển khai thực hiện tốt các bước tiếp theo của quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đúng tiến độ đề ra, giúp cơ quan thường trực Ban soạn thảo dự án luật khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, trình cơ quan chức năng theo đúng quy định.

Gần đây nhất, ngày 15-3-2024, tại cuộc họp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đồng chí Chủ tịch Quốc hội kết luận, đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan, đồng thời nhấn mạnh đây là dự án luật rất quan trọng, khó và phức tạp, trong khi luật gốc về phát triển công nghiệp quốc gia chưa có.

Để thực hiện tốt công tác tham mưu và đạt kết quả như hiện nay, ngoài được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục CNQP, Bộ Tham mưu đã chủ động, chú trọng thực hiện có chất lượng một số nội dung, như: Tham mưu xây dựng Báo cáo tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP và triển khai lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật CNQPAN, ĐVCN trên cơ sở kế thừa hồ sơ đề nghị xây dựng Luật CNQP, ĐVCN, bổ sung phạm vi điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp an ninh; tham mưu với chỉ huy Tổng cục CNQP thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác xây dựng dự án Luật CNQPAN, ĐVCN; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo nhằm tập trung nhân lực, trí tuệ tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập để đề xuất phương án giải quyết... Nhờ đó, các văn bản liên quan đến hồ sơ dự án luật được chuẩn bị kịp thời, có chất lượng, chặt chẽ, đồng bộ, đúng quy định.

Đồng chí Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì Tọa đàm xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Ảnh: CHÍ CÔNG

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham mưu xây dựng dự án Luật CNQPAN, ĐVCN vẫn còn một số hạn chế, như: Việc chuẩn bị một số văn bản, tài liệu chưa thực sự bảo đảm tính kịp thời; hiệu quả huy động tham gia ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo luật từ một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu; việc tham mưu hoạch định và thực hiện một số kế hoạch, giải pháp có thời điểm còn lúng túng...

Để phát huy những kết quả đã đạt được, triệt để khắc phục các hạn chế, thiếu sót nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu tổng hợp, trong thời gian tới, Bộ Tham mưu Tổng cục CNQP xác định cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể.

Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của công tác tham mưu, tổng hợp nói chung, đối với việc xây dựng dự thảo Luật CNQPAN, ĐVCN nói riêng, từ đó tự giác, tích cực nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật CNQPAN, ĐVCN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với lĩnh vực này trong thực tế hiện nay.

Cùng với đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu. Cần xây dựng được đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, nhạy bén trong xử lý các tình huống phát sinh; ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong tra cứu tài liệu phục vụ các cuộc họp chỉnh lý dự thảo luật, lưu trữ hồ sơ bảo đảm đúng quy định về bảo mật, cải cách hành chính trong xử lý công việc; tham mưu kịp thời, chất lượng với chỉ huy trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đẩy mạnh đổi mới tư duy, lề lối, phương pháp, tác phong công tác trong toàn cơ quan; tiến hành phân công nhiệm vụ bảo đảm hợp lý, đúng người, đúng việc, cụ thể về thời gian tổ chức thực hiện và từng mốc thời gian hoàn thành; nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân và tập thể trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; coi trọng công tác kiểm tra, chấn chỉnh, giúp đỡ của cấp trên đối với cấp dưới; khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục nghiên cứu và bám sát các bước tiếp theo của quá trình xây dựng Luật CNQPAN, ĐVCN; coi trọng nghiên cứu, khai thác Pháp lệnh CNQP và Pháp lệnh ĐVCN, nhất là những nội dung còn giá trị, đồng thời tham khảo thêm một số quy định của các luật khác để tham mưu hoàn thiện dự thảo luật.

Đại tá PHAN DƯƠNG MINH, Phó tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bam-sat-tien-do-tham-muu-dung-trung-kip-thoi-773225