Bản án triệt hết mọi đường kiện tụng của dân

TAND tỉnh Sóc Trăng vừa ra một bản án khiến người dân mất quyền kiện đòi giấy chủ quyền nhà do ngân hàng đang giữ.

Giữa tháng 1-2017, bà Trần Thị Kim Hiếu (ngụ Sóc Trăng) nhận được bản án số 05/2017/DS-PT của TAND tỉnh Sóc Trăng về vụ án bà kiện Ngân hàng (NH) Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng (gọi tắt là BIDV Sóc Trăng). Bản án phúc thẩm này tuyên hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án với lý do các yêu cầu của bà đều đã hết thời hiệu khởi kiện.

Với bản án này, xem như từ nay bà Hiếu sẽ không thể khởi kiện được để đòi lại các giấy chủ quyền nhà đất mà BIDV Sóc Trăng đang giữ.

Dân bảo để vay, ngân hàng nói bảo lãnh

Trong khi đó, qua nhiều phiên tòa cũng như trên hồ sơ liên quan thể hiện rõ việc NH BIDV giữ các giấy tờ chủ quyền nhà đất của bà Hiếu có nhiều điều đáng bàn.

Cụ thể, vào năm 2007, bà Hiếu và BIDV Sóc Trăng lập hợp đồng thế chấp tài sản là hai giấy chủ quyền nhà đất của bà Hiếu. Theo bà Hiếu thì hợp đồng thế chấp này nhằm bảo đảm để NH cho bà vay tiền. Thế nhưng NH làm hợp đồng thế chấp xong mà không giải ngân cho bà vay, đồng thời báo là thế chấp để bảo lãnh tiền vay cho người thứ ba.

Theo BIDV Sóc Trăng thì hợp đồng thế chấp này nhằm mục đích khác, đó là bảo lãnh trách nhiệm trả nợ cho ông Chánh, anh ruột của bà Hiếu, đang thiếu nợ NH nhiều tỉ đồng. Bằng chứng mà BIDV Sóc Trăng đưa ra tại các phiên tòa liên quan là hợp đồng thế chấp tài sản số 0158/07/HĐ ngày 21-12-2007. Trong đó, nội dung thể hiện vợ chồng bà Hiếu đồng ý thế chấp tài sản này nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho ông Chánh. Hai bên có ký tên trên hợp đồng.

Phía bà Hiếu thì cho rằng bà tin tưởng NH nên đã ký trước khi xem, không ngờ NH lập nội dung khác. Lập luận của bà đưa ra là BIDV có các mẫu hợp đồng riêng cho thế chấp để vay tiền và thế chấp để bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ của bên thứ ba. Hợp đồng 0158 là hợp đồng thế chấp để vay tiền chứ không phải thế chấp để bảo lãnh cho bên thứ ba.

Thửa đất của bà Trần Thị Kim Hiếu đã bán cho người khác nhưng do ngân hàng giữ giấy nên chưa sang tên được. Ảnh: TRẦN VŨ

Ngân hàng giữ giấy, dân mất quyền kiện đòi

Năm 2012, BIDV Sóc Trăng khởi kiện ông Chánh đòi tòa tuyên phát mại các tài sản thế chấp của ông Chánh và cả tài sản bảo lãnh của bà Hiếu. TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu của NH ở phần phát mại tài sản của bà Hiếu.

Tháng 11-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử hủy án sơ thẩm phần tuyên liên quan đến tài sản của bà Hiếu, giao TAND tỉnh Sóc Trăng xử lại từ đầu. Lý do hủy là tòa sơ thẩm tuyên hợp đồng 0158 vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả pháp lý là buộc NH trả giấy chủ quyền lại cho bà Hiếu.

Tuy nhiên, khi TAND tỉnh Sóc Trăng chưa xét xử sơ thẩm lại thì BIDV Sóc Trăng rút đơn khởi kiện (vào tháng 11-2015). Vậy là BIDV Sóc Trăng không thể phát mại tài sản của bà Hiếu để thu nợ ông Chánh, cũng không chịu khởi kiện và không trả các giấy chủ quyền cho bà Hiếu.

Để đòi lại các giấy chủ quyền này, năm 2016 bà Hiếu khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản, yêu cầu tòa hủy hợp đồng thế chấp 0158 và buộc BIDV Sóc Trăng trả lại các giấy tờ cho mình.

TAND TP Sóc Trăng xử buộc BIDV Sóc Trăng trả lại các giấy tờ chủ quyền nhà đất cho bà Hiếu như yêu cầu của bà. Bản án này bị phía bị đơn kháng cáo. Và rồi ngày 11-1-2017, TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án với lý do yêu cầu của bà Hiếu đã hết thời hiệu khởi kiện như đã nói.

Thửa đất của bà Hiếu đã bán cho người khác nhưng do ngân hàng giữ giấy nên chưa sang tên được. Ảnh: Trần Vũ

Tòa không để dân mất quyền khởi kiện

Chúng tôi đã gặp thẩm phán Thái Rết, Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng - chủ tọa phiên tòa và là người ký bản án phúc thẩm nói trên. Ông Rết cho rằng theo quy chế phát ngôn thì ông không được phép có ý kiến gì trước khi có ý kiến cho phép của chánh án.

Chúng tôi đã gặp và trao đổi với ông Trần Hùng Dũng, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng. Ông Dũng đồng quan điểm với chúng tôi rằng về nguyên tắc tòa án không để một người dân nào mất quyền khiếu kiện chính đáng của mình. Với bản án dân sự số 05/2017/DS-PT, ông Dũng cũng xác định là bà Hiếu sẽ không thể khởi kiện được nữa trong vụ tranh chấp đòi lại hai giấy chủ quyền của mình mà NH đang giữ. Bà Hiếu cũng không thể tố cáo NH chiếm giữ tài sản của mình theo luật hình sự vì tội danh chiếm giữ tài sản trái phép được quy định cho cá nhân, trong khi NH là tổ chức.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu lại vụ án này để giúp bà Hiếu một con đường thực hiện quyền khiếu kiện đối với hai giấy chủ quyền nói trên. Tuy nhiên, chúng tôi cần một tuần để nghiên cứu toàn bộ hồ sơ các vụ án liên quan” - ông Dũng nói. Tuy nhiên, ngày 5-4, khi PV liên lạc lại, ông Dũng nói: “Tôi cần một tuần nữa để tìm hiểu mới trả lời cho báo được”.

Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Hải, Giám đốc NH BIDV Sóc Trăng, từ chối hẹn gặp chúng tôi để trao đổi về hai giấy chủ quyền của bà Hiếu. “Tôi bận nhiều việc quá, chưa sắp xếp gặp báo chí được” - ông Hải nói.

Thất hứa do bị ngân hàng giữ giấy chủ quyền

Bà Trần Thị Kim Hiếu cho biết một trong hai tài sản mà BIDV Sóc Trăng đang giữ giấy chủ quyền bà đã bán cho người khác. Bà cứ tưởng NH sẽ trả giấy cho bà nên bà đã hứa với người mua sẽ làm giấy tờ trước năm 2016. “Nay tôi không thực hiện được lời hứa với người mua nên tôi rất áy náy, đó là chưa nói có khi tôi còn bị tố cáo là lừa đảo cũng không chừng” - bà Hiếu buồn bã nói.

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/an-toa-khien-dan-mat-quyen-kien-doi-giay-do-693782.html