Bàn cách dạy nhạc truyền thống cho giới trẻ người Việt xa xứ

Đại hội Âm nhạc truyền thống Việt Nam khai mạc tại Pháp ngày 20-7 đã giới thiệu và thảo luận các chuyên đề về âm nhạc dân tộc ba miền.

GS Ngọc Dung (Mỹ) và Nguyễn Thị Thanh (Việt Nam) đã trình bày về âm nhạc truyền thống miền Bắc; GS Phương Oanh (Pháp), nghệ sĩ Kim Uyên (Canada) và nghệ sĩ Hồ Thụy Trang (Pháp) trình bày về âm nhạc truyền thống miền Trung; NSND Phương Bảo (Việt Nam), GS Nguyễn Thanh, Thanh Lê giới thiệu về âm nhạc truyền thống miền Nam. Hơn 180 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của 9 đoàn âm nhạc dân tộc tại các quốc gia: Mỹ, Pháp, Anh, Na Uy, Việt Nam đã tham dự và tạo không khí tranh luận sôi nổi.

Chương trình hòa nhạc bế mạc Đại hội âm nhạc truyền thống VN lần 4 tại Pháp tối 22-7

Ngày thứ hai của đại hội diễn ra chung kết cuộc thi tuyển chọn ngón đàn tranh xuất sắc với sự tranh tài của 6 thí sinh (hệ đào tạo 5 năm và 3 năm). Các nghệ sĩ tham dự đều xúc động rơi nước mắt khi nghe câu chuyện về thí sinh Lan Anh bị khiếm thị từ nhỏ, học đàn tranh rất giỏi tại trường dòng Bình Tân, TP HCM. Lần đầu tiên em được sang Pháp nhờ các nhà hảo tâm tài trợ. "Em không nhìn thấy cuộc sống nhưng ngón đàn của em lại chất chứa nhiều cảm xúc, thể hiện niềm khát khao được sống, cống hiến cho âm nhạc dân tộc" - GS Phương Oanh, học trò của cố GS-TS Trần Văn Khê tại Pháp, xúc động.

Nghệ sĩ Hồng Việt Hải (Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt) biểu diễn đàn tranh tại Đại hội Âm nhạc truyền thống Việt Nam thế giới tại Pháp

Cùng mang về giải nhất (hệ 5 năm) của cuộc thi tuyển chọn ngón đàn tranh xuất sắc là Quỳnh Nhi và La Na. Quỳnh Nhi tâm sự: "Việc được tìm hiểu và nghiên cứu về âm nhạc dân tộc chuẩn mực từ những kỳ đại hội như thế này là hết sức quý giá đối với thế hệ trẻ chúng em".

Một trong những mục tiêu mà Đại hội Âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Pháp lần này hướng tới là tìm ra chuẩn mực cho công tác đào tạo từ xa, nhắm đến cộng đồng trẻ người Việt Nam trên thế giới, nhằm trang bị kiến thức về âm nhạc dân tộc và khơi gợi ý thức tìm về văn hóa cội nguồn. GS Phương Oanh, người đã hơn 40 năm đứng trên bục giảng âm nhạc dân tộc Việt Nam, khẳng định: "Dạy cho giới trẻ về âm nhạc dân tộc ngày nay có sự hỗ trợ hiệu quả của công nghệ. Học viên ở khắp nơi trên thế giới có thể học qua mạng một cách tốt nhất. Quan trọng là chúng ta có chú tâm và kiên trì với công việc truyền thụ này hay không".

Theo GS Nguyễn Mai đến từ Mỹ, việc đào tạo âm nhạc truyền thống Việt Nam ở các nước khó khăn hơn tại Việt Nam, giáo trình phải được cập nhật thường xuyên . "Vì vậy, rất cần có sự tham gia của nhiều giáo sư tâm huyết từ trong nước trong việc bổ sung, nâng cao giáo trình đào tạo" - GS Mai mong mỏi.

GS nhạc sĩ Phương Oanh tri ân các giáo sư nhạc sĩ từ VN và nhiều quốc gia đến Pháp tham dự Đại hội Âm nhạc truyền thống VN lần thứ 4

Tin-ảnh: T.Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/ban-cach-day-nhac-truyen-thong-cho-gioi-tre-nguoi-viet-xa-xu-20170722205847868.htm