Bạn có là cha mẹ "mát tay"?

(Lam me) - Bạn có nghĩ cách dạy con của mình là tốt nhất? Kỹ năng “trồng người” của bạn thực chất đang ở mức độ nào?

Bài trắc nghiệm dưới đây có thể sẽ giúp ích cho bạn.

* Lưu ý: hãy chọn câu trả lời đúng nhất với bạn, không cần lưu ý câu trả lời đó tốt hay xấu.

1. Bạn cho tiền con thế nào:

a. Con thật sự cần gì bạn sẽ mua cho chứ ít cho tiền.
b. Con xin bao nhiêu cho bao nhiêu.
c. Chỉ cho những khoản thật sự cần thiết sau khi đã hỏi mục đích sử dụng.
d. Vô định, lúc này lúc khác.

2. Khi con có kết quả tiến bộ trong học tập, bạn sẽ:

a. Ngạc nhiên vui mừng: “Trời ơi ngàn năm một thuở!” hoặc khen vài câu.
b. Không làm gì cả.
c. Nấu một bữa ăn ấm cúng, mừng con tiến bộ.
d. Thưởng quà, cho đi chơi, du lịch…

Để trẻ cảm nhận tình yêu thương thật sự mới là một “kênh” giáo dục có sức mạnh tuyệt vời - Ảnh minh họa

3. Bạn hứa cuối tuần dẫn con đi picnic nhưng sắp đến ngày lại bận việc đột xuất, bạn sẽ:

a. Hẹn con buổi khác.
b. Tìm cách giải quyết công việc để giữ lời hứa với con.
c. Giải thích cho con hiểu về công việc và hỏi ý quyết định của con.
d. Bảo với con bạn bận và đi công việc của mình.

4. Con xin chơi game, vợ/chồng bạn cho phép, còn bạn thì không, bạn sẽ:

a. Cương quyết theo ý mình, không cho con chơi
b. Cãi nhau với vợ/chồng xem ai đúng ai sai.
c. Cho con chơi nhưng hạn chế thời gian.
d. Tạm để con theo ý vợ/chồng, tránh tranh cãi, sau đó trò chuyện với vợ/chồng để thống nhất cách dạy con.

5. Nếu biết con có viết nhật ký, bạn sẽ:

a. Tìm cách xem để nếu phát hiện có điều gì sai trái sẽ mang ra răn dạy.
b. Không xem, tìm cách khác để con tự bộc lộ.
c. Xem trộm, nếu phát hiện con có vấn đề thì giáo dục khéo để con không phát hiện.
d. Không làm gì cả.

6. Con cái ít chịu tâm sự với bạn, bạn sẽ:

a. Cố gắng thường xuyên gạn hỏi.
b. Buồn, lo lắng nhưng không làm gì cả.
c. Điều tra từ bạn bè của con.
d. Bạn tự tìm cách cởi mở với con trước để mở đường cho con có thể cởi mở tâm sự với mình.

7. Nếu con bạn nhõng nhẽo đòi quà hoặc dùng khổ nhục kế (tuyệt thực, nghỉ học…) để đòi hỏi đáp ứng nhu cầu, bạn sẽ:

a. Dỗ dành, hứa mua cho con
b. “Đá bóng” sang vợ/chồng giải quyết
c. Đánh đòn, la mắng
d. Không đáp ứng và kiên trì đấu tranh với con đến cùng.

8. Khi con bất lịch sự trước mặt khách, bạn sẽ:

a. Mắng con và yêu cầu con xin lỗi.
b. Bảo con vào phòng rồi tự mình xin lỗi khách, sau đó nói chuyện riêng với con sau.
c. Im lặng, không làm gì cả kẻo mất vui
d. Tỏ vẻ khó chịu và trách con một chút.

Ảnh minh họa (Nguồn:Internet).

Tính điểm:

Tra điểm từng câu theo bảng dưới đây, sau đó tính điểm tổng.

Đáp án
Câu 1 Câu 2 Câu 3 Câu 4 Câu 5 Câu 6 Câu 7 Câu 8
A 0 1 1 1 0 2 2 2
B 1 0 2 0 3 1 0 3
C 2 3 3 2 2 0 3 0
D 3 2 0 3 1 3 1 1

Đáp án:

0 - 6 điểm: Thật sự rất đáng lo ngại, có lúc bạn “bỏ rơi” con mình, có lúc lại quá khắt khe với trẻ. Cách ứng xử của bạn sẽ làm con trở nên chán ghét cha mẹ và ngày càng xa lánh bạn hơn. Rất buồn khi phải nói rằng cách dạy con của bạn hoàn toàn sai lầm.

Điều bạn cần làm là “xây sửa” lại những “lỗ hổng” bạn đã vô tình hình thành nơi con trẻ. Và không uổng phí chút nào nếu bạn dành chút thời gian để đến những lớp học kỹ năng hay đọc những quyển sách hướng dẫn cách giáo dục con.

7 - 12 điểm: Bạn quan tâm đến con, tuy nhiên cách thể hiện sự quan tâm của bạn chưa “tới” hoặc còn nhiều “hạt sạn”. Chính điều đó vô tình làm hư con cái. Đặt mình vào vị trí của con để rút ngắn khoảng cách lứa tuổi là phương thuốc bạn rất cần để bồi bổ cho cách giáo dục con mình.

Ngoài ra, hãy dành nhiều thời gian hơn cho con, cởi mở nhiều hơn một chút và “xỏ chân vào giày của trẻ” mỗi lần ứng xử để hiểu con bạn sẽ trở nên thế nào nếu bạn ứng xử như thế, bạn nhé!

13 - 18 điểm: Linh hoạt và thông minh là những từ nói về “tay nghề” dạy con của bạn. Bạn luôn tìm cách “đi trước” trong suy nghĩ để tìm xem ứng xử thế nào tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên, hạn chế của bạn chính là ở chiều sâu của cách ứng xử.

Mềm dẻo và tinh tế hơn chính là điều bạn cần, bởi hiện tại cách dạy con của bạn cũng chưa thật sự mang đến hiệu quả như mong muốn.

19 - 24 điểm: Bạn rất khéo léo và “mát tay” trong phương pháp giáo dục con. Bạn là ông bố/bà mẹ rất tâm lý, linh hoạt trong ứng xử, mang đến những kết quả tích cực khi giáo dục con. Đứa trẻ thật may mắn khi có được một đấng sinh thành như bạn.

Tuy nhiên, cố gắng tránh để đừng sa vào “kỹ thuật” quá bạn nhé! Để trẻ cảm nhận được tình yêu thương thật sự mới là “kênh” giáo dục có sức mạnh tuyệt vời.

NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU
(khoa tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)

Nguồn 24H: http://www.eva.vn/lam-me/ban-co-la-cha-me-mat-tay-c10a81355.html