Bàn cờ vùng Vịnh và tham vọng thế chân Mỹ làm 'người hòa giải' của Nga

Nga đang tích cực hoạt động ở vùng Vịnh, nhằm hóa giải những căng thẳng giữa các quốc gia trong khu vực, một động thái khiến Mỹ buộc phải sốt sắng theo.

Mỹ đẩy Saudi Arabia vào tay Nga?

Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tới thăm Saudi Arabia. Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Saudi tại Jeddah, ông Lavrov khẳng định, Qatar và các quốc gia vùng Vịnh phải nhanh chóng tham gia đối thoại, nhằm giải quyết những bất đồng hiện tại bằng biện pháp ngoại giao hòa bình.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Saudi Arabia Adel al-Jubier.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Nga kêu gọi sự đoàn kết giữa 6 quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

“Vì lợi ích của tất cả mọi người, các thành viên GCC hãy cùng đoàn kết. Bởi điều đó là rất quan trọng trong quá trình giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở khu vực”, người đứng đầu bộ Ngoại giao Nga nói.

Ngoài ra, ông Lavrov cho hay, Nga đã “khẳng định vị trí của mình thông qua việc giải quyết những bất đồng bằng đàm phán và bày tỏ trực tiếp sự quan tâm để từ đó đạt được những giải pháp hài hòa giữa mối quan tâm và lợi ích của tất cả các bên”.

Những phát biểu của ông Lavrov được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa các nước vùng Vịnh vẫn còn nhiều bế tắc. Vào ngày 5/6, Saudi cùng Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc quốc gia này tài trợ chủ nghĩa khủng bố. Qatar đã phủ nhận thông tin trên.

Dù Qatar là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực, đồng thời cũng là quốc gia mà Washington đặt căn cứ quân sự lớn nhất ở Trung Đông, nhưng tới nay, vai trò của Nhà Trắng trong việc giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh vẫn tỏ ra mờ nhạt. Mỹ đã không thành công trong việc làm trung gian hóa giải những mâu thuẫn giữa các bên. Thấy được điều đó, Qatar, Saudi và các quốc gia liên quan đang tự “vùng vẫy”, tìm hướng giải quyết cho riêng mình.

Thông qua những tuyên bố trên của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, cùng những hành động trước đó của Moscow, giới quan sát cho rằng, Nga đang muốn lao vào cuộc, tìm cách thế chân Mỹ, trở thành “người hòa giải” tại vùng Vịnh trong bối cảnh căng thẳng này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đề nghị Washington đứng ra làm trung gian hòa giải khủng hoảng vùng Vịnh.

Dường như nhận thấy những nguy cơ từ Nga, cuối tuần qua Tổng thống Mỹ Donald Trump mới lên tiếng đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Qatar và những nước láng giềng.

Washington chỉ đưa ra động thái này khi chỗ đứng của Mỹ ở khu vực đang có dấu hiệu lung lay. Nhà Trắng không muốn tầm ảnh hưởng của quốc gia này ở vùng Vịnh, hay rộng hơn là Trung Đông bị lu mờ trước cái bóng ngày càng lớn của Nga. Đồng thời, Mỹ cũng muốn thể hiện sự hỗ trợ lúc nguy cấp với đồng minh thân cận Qatar. Tuy nhiên, cho tới khi cuộc khủng hoảng đã kéo dài tới 3 tháng, Mỹ mới bắt đầu làm rõ quan điểm của mình thì ít ai dám chắc, kế hoạch mới của ông Donald Trump có thành công hay không.

Đôi bên cùng có lợi

Cũng trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Saudi Arabia, nhà ngoại giao đã bày tỏ những kỳ vọng vào sự hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

“Những tập đoàn của chúng tôi luôn quan tâm, sẵn sàng tham gia vào các dự án chung của Saudi trong ngành năng lượng, công nghiệp và những lĩnh vực hứa hẹn khác giữa hai nước”, ông Lavrov nói. Ngoại trưởng Nga cũng đồng thời nhấn mạnh, Quốc vương Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud đã bày tỏ sự hài lòng về hợp tác năng lượng giữa hai nền kinh tế.

Chưa hết, đại diện ngoại giao của hai bên còn bàn thảo tới cả vấn đề Syria, vai trò của Saudi đối với cuộc chiến 6 năm ở quốc gia Trung Đông này. Nói với người đồng cấp Saudi, ông Lavrov thậm chí tuyên bố Moscow ủng hộ những nỗ lực của Saudi nhằm hợp nhất những phe đối lập ở Syria, nhưng cũng không quên nhấn mạnh, chính người dân Syria mới có khả năng quyết định vận mệnh, tương lai đất nước.

Về phần mình, Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubier hoan nghênh những nỗ lực của Nga trong khủng hoảng Yemen và cho biết, cả hai nhất trí hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thông qua đó, giới quan sát nhận thấy triển vọng quan hệ giữa Saudi và Nga đang đi theo chiều hướng tích cực. Sự thờ ơ của Mỹ trong thời gian qua đối với vùng Vịnh đang vô tình đẩy Saudi vào vòng tay Nga. Theo lý giải của họ, điều đó không có gì là quá ngạc nhiên trong bối cảnh các bên liên quan nhất quyết không chịu thỏa hiệp và không nhượng bộ.

Nga đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian trong khủng hoảng vùng Vịnh.

Trong khi Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, UAE... duy trì những cáo buộc đối với Qatar, thì Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã vội vã nhảy vào thế chân họ bằng cách cung cấp những nguồn thực phẩm nào Qatar đang bị cô lập. Thêm vào đó, Oman cũng thay UAE cho Qatar dùng chung cảng biển.

Trước những diễn biến đó, cùng với việc chính quyền Mỹ tỏ ra thờ ơ ở vùng Vịnh, Saudi đã buộc phải tìm tới Nga để củng cố vị trí của bản thân, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ của Moscow trong quá trình giải quyết khủng hoảng. Điều đó tạo ra cục diện mới cho cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh khi hai ông lớn cùng muốn thể hiện vai trò tháo gỡ nút thắt. Các chuyên gia quan hệ quốc tế nhận xét, dù không biết Moscow và Washington đang tính toán những gì khi đi các nước cờ mới ở vùng Vịnh, nhưng hiện tại mọi nỗ lực nhằm hóa giải căng thẳng giữa các bên là đều đáng được hoan nghênh.

D.T

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ban-co-vung-vinh-va-tham-vong-the-chan-my-lam-nguoi-hoa-giai-cua-nga-a338776.html