Bán Gang thép Thái Nguyên 8000 tỷ: Đừng để mất nhiều quá!

Trong điều kiện khó khăn hiện nay của Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 nếu có doanh nghiệp muốn mua lại thì cần cân nhắc, tránh kéo dài thêm.

Hoàn toàn không bất ngờ

Mới đây chia sẻ với báo chí, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ này đang làm việc với các đơn vị thẩm định, sau khi có kết quả định giá mới có phương án chính xác để xử lý dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 thua lỗ ngàn tỷ.

Ông Hoài khẳng định, chủ trương của Bộ Công Thương là không để nhà máy phải phá sản, song sẽ thực hiện thanh tra toàn diện dự án này.

Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng còn tiết lộ, dự án trên đang có nhiều tín hiệu lạc quan khi có 3 nhà đầu tư là các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã ngỏ ý hỏi mua lại. Đáng chú ý trong số đó có Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng ở Thái Nguyên trả giá hơn 1.500 tỷ đồng.

Trong điều kiện khó khăn của Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 nếu có doanh nghiệp muốn mua lại thì cần cân nhắc để bán. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Sáng 11/1, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, cá nhân ông không hề bất ngờ trước thông tin trên.

Theo ông Cường, Công ty Thái Hưng là doanh nghiệp tư nhân có tiềm năng về tài chính. Họ là người đầu tiên có ý định mua lại dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Đặc biệt Thái Hưng chính là đơn vị đã mua thành công nhà máy thép Việt Ý và đang có những kế hoạch cải tổ lại để sử dụng có hiệu quả dự án.

“Tôi mong muốn sớm có quyết định của nhà nước để Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 sớm thoát ra được những bế tắc hiện nay. Bởi lẽ dự án này, hiện nhà nước quyết định không đầu tư thêm. Chỉ trên cơ sở đó tìm cách bán hoặc tìm được các đối tác thích hợp để triển khai tiếp, không để bế tắc”, ông Cường nhấn mạnh.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam tin tưởng, với sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, tương lai của dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 sẽ có những chuyển biến tích cực.

Gang thép Thái Nguyên cầu cứu: Sao muốn nấu sắt vụn?

Lấy ví dự thực tế từ mô hình sản xuất của Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và thép Hòa Phát, vị chuyên gia khẳng định cần phải đẩy nhanh quá trình này để cắt lỗ, cứu sống doanh nghiệp.

“Mô hình Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 rất giống mô hình của Hòa Phát vì cùng trang thiết bị, máy móc của Trung Quốc. Thế nhưng đối với Gang thép Thái Nguyên do là doanh nghiệp nhà nước nên tất cả những cái khi phát sinh, trượt giá thì không vượt qua được. Vì những thủ tục xét duyệt về tăng vốn đầu tư hay thay đổi trong tính toán đầu tư thường kéo dài. Bất cứ thay đổi nào về đầu tư đều phải trình bẩm, xét duyệt lại. Khi kéo dài dự án thì càng trượt giá. Rồi đến các khoản vay vốn đến kỳ phải trả lãi. Việc này đã khiến dự án bị đẩy lên gấp đôi giá trị ban đầu.

Trong khi đó đối với doanh nghiệp tư nhân như Hòa Phát, họ quyết được ngay. Họ tranh thủ thời gian và đi vào sản xuất ngay được, không để kéo dài. Vì thế Hòa Phát không bị cái đội giá khủng khiếp như Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Đó là điểm khác nhau giữa 2 hình thức đầu tư.

Do vậy nếu Thái Hưng mua, tôi tin là Gang thép Thái Nguyên sẽ khôi phục được. Chỉ cần thay đổi lại tổ chức sản xuất, quản trị kinh doanh lại, sắp xếp nhân lực lại thì họ sẽ giải quyết được”, ông Cường nêu quan điểm.

Cần chờ đánh giá kết luận dự án

Cùng đưa ra ý kiến, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đánh giá đây là một trong những tín hiệu tốt đối với Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

“Nếu bây giờ có công ty tư nhân ở Thái Nguyên muốn mua thì chắc chắn họ nắm rõ tình hình của Gang thép Thái Nguyên rồi. Tôi nghĩ điều này cũng tốt”, ông Hồ nói.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đang có chỉ đạo rà soát lại các dự án thua lỗ ngàn tỷ, trong đó có gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Vì vậy các bên cần chờ đợi kết luận của quá trình này để xem dự án có tiếp tục được không? Nếu tiếp tục thì phải giải quyết như thế nào? Nếu không tiếp tục được thì cho dừng lại.

“Đương nhiên dự án Gang thép Thái Nguyên có vấn đề phải đánh giá lại tài sản và tất cả những gì có liên quan đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thời gian vừa qua, trách nhiệm của những vấn đề liên quan đến đầu tư và quản lý ra sao.

Tôi nghĩ giải quyết việc này phải có những sự đánh giá như vậy mới quyết định được. Còn đương nhiên theo chủ quan của tôi, một dự án đang thoi thóp như Gang thép Thái Nguyên thì nhiều khả năng phải dừng lại. Khả năng làm tiếp thì nhà nước cũng không có vốn.

Với công suất phôi thép như nhà máy Gang thép Thái Nguyên thì không có hiệu quả cao được. Bởi lẽ Thái Nguyên đi từ lò cao, từ quặng Quý Sa, quặng Thái Nguyên khả năng đó theo tôi là ít triển vọng. Do đó nếu như dừng lại, đánh giá được tài sản và bán được thì tôi nghĩ nên ủng hộ”, ông Hồ nhấn mạnh.

Thận trọng để tránh thất thoát tài sản nhà nước

Tiếp tục phân tích, ông Phạm Chí Cường cho rằng, điều quan trọng đối với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đó là định giá tài sản thực sự của doanh nghiệp.

Theo ông Cường, cần mời các đơn vị trong nước có kinh nghiệm tiến hành thẩm định dự án rồi đưa ra kết quả định giá chính xác nhất đối với Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Đặc biệt khi thẩm định, ông Cường cho rằng các đơn vị cũng không nên xét nét quá. Bởi vì bán Gang thép Thái Nguyên hiện nay đã rất khó khăn. Nếu chúng ta cứ chần chừ và kéo dài thì cuối cùng cũng không có lợi.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ban-gang-thep-thai-nguyen-8000-ty-dung-de-mat-nhieu-qua-3326952/