Ban hành 10 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng đầu năm 2016

Trong tháng 01/2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 08 Nghị định của Chính phủ và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể:

1. Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Nghị định được ban hành để phù hợp với các luật mới được ban hành; đảm bảo thực hiện đúng các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, cũng như để ngành Bảo hiểm xã hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Nghị định gồm 11 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo Nghị định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, gồm có: (1) Ở Trung ương là Bảo hiểm xã hội Việt Nam; (2) Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (3) Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Trung ương gồm có 15 đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc và 09 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Nghị định số 01/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/02/2016.

2. Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ.

Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Nghị định số 58/2010/NĐ-CP; phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, Luật Bảo hiểm xã hội; đáp ứng đòi yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Nghị định gồm 27 điều (kèm theo 02 phụ lục), quy định chi tiết, biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ về: Tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; số lượng Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp hoạt động của Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương; con dấu của Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương; nguồn kinh phí; cấp xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh; điều kiện thành lập Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; phân cấp quản lý Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, đơn vị dân quân tự vệ; chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ; hỗ trợ phương tiện, kinh phí đi lại cho dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ.

Nghị định áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Việt Nam; cá nhân, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cư trú và hoạt động tại Việt Nam liên quan đến dân quân tự vệ.

Nghị định quy định cụ thể về quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; quyết định công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của dân quân tự vệ; điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; trình tự, thủ tục thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp; thẩm quyền thành lập, giải thể đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp; điều kiện thành lập Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh; số lượng Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương; cơ chế hoạt động của Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương; phân cấp quản lý Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, đơn vị dân quân tự vệ; con dấu của Ban chỉ huy quân sự; trang phục, sao mũ, phù hiệu của dân quân tự vệ; tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị nơi làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã; phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị; chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền ăn, công tác phí, trợ cấp của Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; phụ cấp của Thôn đội trưởng; hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại cho dân quân tự vệ; chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự; chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; chế độ, chính sách đối với dân quân chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm, bị chết; chế độ, chính sách đối với dân quân chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội khi thực hiện nhiệm vụ bị tai nạn, bị chết; chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ bị chết, hy sinh, bị thương; chế độ báo, tạp chí; nguồn kinh phí chi cho dân quân tự vệ; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định số 03/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/02/2016.

3. Nghị định số 04/2016/NĐ-CP ngày 06/01/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo thực hiện quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đồng bộ với cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể hóa quy định của Luật Đất đai năm 2013; khắc phục những hạn chế trong quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần đẩy nhanh tiến độ xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, đồng thời khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản nhà nước tạo nguồn thu cho đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ.

Nghị định gồm 02 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, cụ thể như sau: Sửa đổi, bổ sung Điều 37; bổ sung Điều 37a; sửa đổi, bổ sung Điều 38, 39, 45 của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP.

Nghị định số 04/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/02/2016.

4. Nghị định số 05/2016/NĐ-CP ngày 01/01/2016 quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân.

Nghị định gồm 07 điều, quy định chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân.

Nghị định này áp dụng đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ gồm: Bố đẻ, mẹ đẻ; bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ.

Nghị định quy định cụ thể về chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất; thủ tục hồ sơ, trách nhiệm và trình tự thực hiện; kinh phí thực hiện; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
Nghị định số 05/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/03/2016.

5. Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập; đảm bảo phù hợp với bối cảnh, thực trạng quan hệ xã hội đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của pháp luật; đáp ứng được yêu cầu thực tế mới nảy sinh của công tác quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.

Nghị định gồm 06 chương, 32 điều, quy định chi tiết việc quản lý nội dung thông tin, chất lượng, giá, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam; thu xem kênh chương trình truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh tại Việt Nam.

Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động quản lý nội dung thông tin, chất lượng, giá, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam; hoạt động thu xem kênh chương trình truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh tại Việt Nam.

Nghị định quy định cụ thể về phân loại dịch vụ phát thanh, truyền hình; chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình; quản lý nhà nước về dịch vụ phát thanh, truyền hình; quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; quản lý nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình; quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, báo cáo nghiệp vụ và giá dịch vụ; thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định số 06/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/3/2016.

6. Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định được ban hành nhằm thực hiện đúng cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, quy định của Luật Thương mại và phù hợp với tiến trình đàm phán, ký kết các Điều ước quốc tế của Việt Nam và thực tiễn phát triển thương mại quốc tế; bảo đảm bảo phù hợp và thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; khắc phục những tổn tại, bất cập của Nghị định số 72/2006/NĐ-CP và bổ sung những quy định mới để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Nghị định gồm 06 chương, 47 điều, quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về việc thành lập, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định áp dụng đối với thương nhân nước ngoài, Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (Văn phòng đại diện, Chi nhánh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này).

Nghị định quy định cụ thể về quyền thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; nghĩa vụ của thương nhân nước ngoài đối với hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh; thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; quy định về việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, giấy phép thành lập chi nhánh; hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện, Chi nhánh; chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện, Chi nhánh; quản lý Nhà nước đối với hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.

Nghị định số 07/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/3/2016.

7. Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân.

Nghị định được ban hành để phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; khắc phục các bất cập của Nghị định số 107/2004/NĐ-CP vàVăn bản số 975/HD-BNV ngày 04 tháng 5 năm 2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn bầu cử thành viên Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 – 2009.

Nghị định gồm 04 chương, 18 điều, quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường, thị trấn.

Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc xác định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; ủy viên Ủy ban nhân dân; nguyên tắc bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân; cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; đề nghị điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân; cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân; số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định số 08/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/3/2016.

8. Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Nghị định được ban hành để quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; phù hợp trong điều kiện hiện nay, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng bữa ăn, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nghị định gồm 04 chương, 11 điều, quy định về vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm, thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Nghị định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vi chất dinh dưỡng; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng dùng trong nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (không áp dụng đối với cơ sở xuất khẩu thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và cá nhân làm nghề sản xuất muối thủ công).

Nghị định quy định cụ thể về mục đích tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm; thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng; trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định số 09/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/3/2016.

9. Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Quyết định này áp dụng đối với: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiệt hại do thiên tai theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định này; Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy trình hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.
Quyết định quy định cụ thể về căn cứ hỗ trợ; quy trình hỗ trợ; nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ kinh phí; hỗ trợ thiệt hại do nắng nóng, hạn hán; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.

Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ 05/3/2016.

10. Quyết định số 02/2015/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Quyết định được ban hành nhằm khắc phục một số khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Quyết định gồm 09 điều, quy định về điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm; trình tự công bố dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, nhóm B, nhóm C; điều kiện, trình tự công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế; hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Quyết định số 02/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ 15/3/2016.

Viết Chung

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ban-hanh-10-van-ban-quy-pham-phap-luat-trong-thang-dau-nam-2016.html