Băn khoăn khi dán nhãn phim theo độ tuổi

Sau nhiều năm nghiên cứu và chỉnh sửa đề án dán nhãn phim chiếu rạp, từ ngày 1-1-2017, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông báo áp dụng bảng phân loại với bốn mức khác nhau cho các bộ phim được cấp phép phát hành: P (dành cho mọi độ tuổi), C13 (cấm khán giả dưới 13 tuổi), C16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi) và C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi). Quy định này được đánh giá là cần thiết với kỳ vọng sẽ mang lại sự an toàn cho nhà làm phim lẫn khán giả, song qua hai tháng triển khai, việc phân loại phim vẫn còn nhiều điểm khiến dư luận băn khoăn.

Cảnh trong phim Nàng tiên có năm nhà (dán nhãn C16).

Khó khăn với phim dán nhãn

Mùa phim Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, việc dán nhãn phân loại phim theo độ tuổi đã khiến một số nhà sản xuất phim lẫn khán giả lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”. Các bộ phim Việt Nam ra rạp dịp Tết phần lớn đều là phim hài, phục vụ các đối tượng với nhiều độ tuổi trong một gia đình, lồng ghép bài học nhẹ nhàng về tình cảm con người. Song các phim này đều được dán nhãn giới hạn độ tuổi, chẳng hạn như: Rừng xanh kỳ lạ truyện, Lục Vân Tiên, Tuyệt đỉnh Kungfu nhãn C13; Nàng tiên có năm nhà, Chạy đi rồi tính nhãn C16. Theo nhiều nhà sản xuất, phim Tết không phải chỉ phục vụ từng đối tượng riêng rẽ mà là các thành viên trong gia đình với nhiều độ tuổi, cho nên phải có không khí sum họp, vui vẻ; không có cảnh bạo lực, khỏa thân, không có yếu tố tôn giáo, chính trị, lời thoại không dung tục… Vì vậy, nếu phim bị dán nhãn C13 thì khó có thể cả gia đình đi xem cùng nhau.

Cũng chiếu vào dịp Tết, bộ phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 lại gây tranh cãi bởi tuy được phân loại P nhưng vẫn có nhiều trường đoạn đánh đấm, tra tấn, diễn viên tạo hình hở hang, lời thoại khêu gợi, thô thiển… được chiếu cho mọi đối tượng, trong đó có cả trẻ em. Trong khi đó, tại Mỹ và một số nước khác, phim này được dán nhãn PG13 (khuyến cáo nội dung không thích hợp với trẻ em dưới 13 tuổi). Mặc dù đại diện Hội đồng duyệt phim quốc gia và Cục Điện ảnh đều đã có ý kiến chính thức, song nhiều nhà sản xuất và phát hành trong nước cho rằng câu trả lời chưa thỏa đáng. Bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng sản xuất Rừng xanh kỳ lạ truyện cho biết, phim không hề có cảnh hở hang phản cảm hay bạo lực thì không biết phải sửa thế nào mới được thay từ nhãn C13 sang nhãn P?

Trên một phương diện khác, hệ thống phân loại phim theo độ tuổi vốn được nhiều khán giả kỳ vọng sẽ giúp các phim nghệ thuật, nhạy cảm hoặc phim “bom tấn” nước ngoài ra rạp được trọn vẹn, không bị cắt xén bởi đã có sự phân chia rõ ràng đối tượng người xem. Tuy nhiên, thực tế là một loạt phim dán nhãn C16 và C18 phát hành thời gian qua vẫn gặp nhiều trắc trở, thay đổi liên tục giờ công chiếu do các bước kiểm duyệt kéo dài và không thống nhất. Có phim cấm khán giả dưới 18 tuổi, song nội dung vẫn bị cắt gọt khá nhiều so với nguyên gốc, như John Wick 2 (tạm dịch: Sát thủ Giôn Uých 2), Fifty shades Darker (tạm dịch: 50 sắc thái Đen)...

Theo bảng tiêu chí được Cục Điện ảnh công bố, phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng (mức P) không chấp nhận: hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh uy hiếp, đe dọa người khác; thể hiện hoạt động tình dục, sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện; thể hiện cảnh kinh dị, ngôn ngữ thô tục... Phim C13 là những phim phản ánh những vấn đề khiến nhận thức, cảm xúc của khán giả ở lứa tuổi dưới 13 bị lệch lạc, tâm lý bị xáo trộn hoặc rơi vào tình trạng lo sợ, bi quan, buồn chán. Phim C16 phản ánh sâu hơn những vấn đề của người trưởng thành, liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm nhưng không phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý của khán giả dưới 16 tuổi. Phim C18 phản ánh những vấn đề nêu trên nhưng không phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý của khán giả dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, như thế nào là “hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh bạo lực, tình dục…” hay “mức độ vừa phải và phù hợp nội dung phim” thì vẫn là những câu hỏi mở. Đây cũng là khó khăn không nhỏ với đơn vị kiểm duyệt bởi tiêu chí như vậy dễ bị đánh giá là chung chung, cảm tính và chưa có tính thống nhất, khách quan.

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm

Trước những bức xúc của nhiều đơn vị sản xuất trong nước cho rằng, mùa phim Tết vừa qua bị thất thu do dán nhãn thiếu công bằng, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia khẳng định: Hội đồng duyệt phim không phân biệt phim trong nước hay phim nước ngoài mà chỉ căn cứ vào hình thức và nội dung thể hiện. Với bảng tiêu chí phân loại phim mới vừa áp dụng từ năm 2017 thì hội đồng vẫn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Cụ thể hơn, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Điện ảnh cho biết, quy trình duyệt phim không hề đơn giản. Thành phần Hội đồng gồm 11 thành viên là các đại diện lãnh đạo cấp vụ của Ban Tuyên giáo T.Ư, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các chuyên gia trong ngành điện ảnh như biên kịch, đạo diễn, lý luận phê bình, phát hành phổ biến phim. Sau khi xem phim, hội đồng sẽ thảo luận và tranh luận (nếu có vấn đề) dưới sự chủ trì của chủ tịch hội đồng và ghi vào hai phiếu đánh giá đối với mỗi phim: phiếu thẩm định và phiếu phân loại. Căn cứ vào ý kiến tư vấn của cả hội đồng (với mức độ thống nhất là 100%), lãnh đạo Cục Điện ảnh sẽ ra quyết định cho phép hoặc không cho phép phổ biến, và phổ biến tới khán giả ở độ tuổi nào. Bà Ngô Phương Lan cũng cho rằng, việc cấp phép phổ biến phim tại rạp được thực hiện theo Luật Điện ảnh. Phim được cấp phép là phim không vi phạm “Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh” quy định tại Điều 11 Luật Điện ảnh và Điều 9 Nghị định 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh. Nếu Hội đồng duyệt phim để lọt những phim có cảnh vi phạm thì chính hội đồng cũng sẽ vi phạm luật. Bởi vậy, phim nào vi phạm thì nhà sản xuất, nhà phát hành có thể xin rút không phổ biến tại Việt Nam hoặc tự chỉnh sửa cho đúng luật mới được chấp nhận phát hành.

Tất nhiên, chất lượng phim mới là yếu tố then chốt quyết định doanh thu, chẳng hạn như phim Nàng tiên có năm nhà dán nhãn C16 vẫn thu được khoảng 19 tỷ đồng, dẫn đầu bảng phim Việt Nam dịp Tết vừa qua. Nhiều nhà làm phim Việt Nam khẳng định họ không sợ quy định kiểm duyệt khắt khe mà chỉ lo lắng việc phân loại không rõ ràng, không thuyết phục. Nhiều nền điện ảnh hàng đầu thế giới đã đưa ra tiêu chí rất cụ thể và nghiêm ngặt để phân loại phim. Thí dụ như ở Mỹ, có cảnh hôn thì dán nhãn PG13 (khuyến cáo nội dung không thích hợp với khán giả dưới 13 tuổi, nên có sự giám sát của cha mẹ); có cảnh chửi thề hay khỏa thân nhưng không rõ ràng thì xếp R (hạn chế khán giả dưới 16 tuổi); có cảnh quay sinh hoạt giường chiếu thì NC17 (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi), lại còn quy định cụ thể các cảnh này được tính bằng giây, từ nào là chửi tục, lộ bộ phận “nhạy cảm” đến đâu… Như vậy, khán giả có thể chọn lựa đúng phim được xem, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà làm phim định hướng sản xuất, khiến thị trường có sự cạnh tranh công bằng.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh, anh Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD (Hội Điện ảnh Việt Nam), nhận xét: Hệ thống phân loại độ tuổi của Cục Điện ảnh là bước đi cần thiết, dù hơi muộn. Bảng phân loại phim theo độ tuổi mới được đưa vào áp dụng, vì vậy công chúng cần cho Hội đồng duyệt phim Quốc gia thêm thời gian để hoàn thiện. Mặt khác, bên cạnh việc dán nhãn thì nhiều hệ thống phân loại phim theo độ tuổi trên thế giới còn có thêm những cảnh báo mang tính tư vấn, giải thích để người xem hiểu trước khi quyết định.

Có thể thấy, việc dán nhãn phim không phải nhân tố quyết định thành công của bộ phim, nhưng có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ quá trình sản xuất, phát hành và thưởng thức của người xem. Để các nhà sản xuất có thể cho ra đời những bộ phim nghiêm túc và chất lượng mà người xem không phải băn khoăn khi lựa chọn phim…, đòi hỏi cơ quan quản lý tiếp tục điều chỉnh, bổ sung hệ thống phân loại phim theo độ tuổi, sao cho công bằng, chính xác, khách quan, phù hợp với thực tế làm phim cũng như tâm lý, nhu cầu của khán giả.

MỸ HẠNH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/32357302-ban-khoan-khi-dan-nhan-phim-theo-do-tuoi.html