Bản lĩnh, ý chí của một người cách mạng

Những năm 1960-1970, giai đoạn được coi là cam go nhất, quyết định nhất của cách mạng Việt Nam. Và, để đi đến ngày thắng lợi hoàn toàn; để non sông thu về một mối, những người con của dân tộc Việt Nam đã quyết tâm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Nhiều người con đất Việt đã hy sinh tuổi thanh xuân, tuổi trẻ của mình cho ý chí của dân tộc nhưng để lãnh đạo cuộc kháng chiến thành công, cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược; có sự táo bạo, quyết đoán để đưa ra những sách lược đúng đắn cho cuộc đấu tranh chính nghĩa ấy của dân tộc. Và, Tổng Bí thư Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo như thế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn tại cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5.1969, tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: T.L.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một nhận xét nêu tại một hội thảo về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: “Tôi nhớ khi đó Bộ Chính trị phân công từng đồng chí nghe riêng từng báo cáo, sau đó lại nghe chung. Riêng anh Ba (Lê Duẩn) nghe rất kỹ, không chỉ một lần. Cuối cùng, Bộ Chính trị chính thức họp và thống nhất cao với kết luận của anh Ba và sau đó đã điều chỉnh chủ trương sát hơn với thực tế chiến trường: Kiên quyết đánh trả sự lấn chiếm của địch. Nhờ đó, cục diện chiến trường thay đổi, ta giữ được thế chủ động, tiến công. Có thể nói, sự chỉ đạo của anh Ba sau Hiệp định Paris thêm một minh chứng nữa cho sự nhạy cảm tuyệt vời của anh và chỉ có thể là người từng lăn lộn ở chiến trường mới có được sự nhạy cảm đó”.

Chỉ cần đọc những dòng đánh giá này đã đủ thấy một tầm nhìn xa, trông rộng của Tổng Bí thư Lê Duẩn vào đúng cái thời mà ông có vai trò rất lớn giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Tổng Bí thư Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907, tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình nông dân dù quê gốc của ông ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Từng phải ngắt quãng việc học vì gia cảnh khó khăn và trải qua nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền phụ đỡ gia đình, nhưng chí hướng của người thanh niên Lê Duẩn đã sớm bộc lộ từ cuối những năm 20 của thế kỷ trước khi tham gia nhiều tổ chức cách mạng khác nhau.

Đến năm 1930 khi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, từng bị thực dân Pháp bắt, ra tù, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng dưới sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều cương vị công tác, đến năm 1957 ông chính thức được Bác Hồ giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng ở miền Nam.

Tại Trung ương Cục miền Nam, không chỉ lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo kháng chiến, ông còn thực hiện chính sách ruộng đất với mục tiêu “người nông dân có ruộng cày” không phải thông qua cuộc phát động tước đoạt bằng bạo lực, tiến hành đấu tố, cưỡng bức địa chủ mà bằng chủ trương và biện pháp đúng đắn, thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của Nam Bộ lúc ấy.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Tổng Bí thư Lê Duẩn là người đóng góp nhiều công lao trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất dân tộc trong suốt giai đoạn kháng Pháp, kháng Mỹ và sau này là hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Với ông, “cái gì nhịn được thì nhịn, nhưng tuyệt đối không bao giờ nhượng bộ những điều quá đáng, nguy hại cho an ninh quốc gia”.

Một con người dành cả trái tim và khối óc cho cách mạng Việt Nam, cho nhân dân; một con người luôn tự tin trước các đối thủ trên chiến trường dù ở phương Nam hay phương Bắc- một con người như thế đã truyền được lửa cách mạng cho những đồng chí, đồng đội luôn sát cánh bên ông.

Trong suốt 26 năm, với cương vị là Bí thư thứ nhất và sau đó là Tổng Bí thư, ông đã để lại nhiều di sản với lịch sử Việt Nam. Còn nhớ, ngay sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, chúng ta đã có thời điểm rơi vào cuộc khủng hoảng khó khăn về kinh tế, tưởng như không có đường ra, do bị cô lập, bị bao vây, cấm vận.

Đó cũng là thời điểm thù ngoài đã xong nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn ngay trong nội tại nền kinh tế. Giai đoạn khó khăn ấy, lượng lương thực giảm liên tục, công nghiệp bị đình trệ. Sau này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là sai lầm về mặt chính sách của chúng ta trong phát triển kinh tế.

Nhưng cũng vào thời điểm ấy, chuyện “phá rào” trong sản xuất nông nghiệp với câu chuyện khoán chui và người mở lối cho phong trào ấy, ông Kim Ngọc- Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nhận được rất nhiều sự động viên, chia sẻ từ phía ông Lê Duẩn.

Cũng chính ông đã là người đưa ra tư tưởng “chấp nhận kinh tế nhiều thành phần” vào cái thời điểm vẫn còn chưa rõ ràng lắm của xu thế đổi mới- năm 1985. Tầm nhìn ấy của ông đã từng được ví như “viên gạch lát cho con đường đổi mới”.

Con đường ấy, cuối cùng đã được Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn và suốt từ đó đến nay, những thành công của đổi mới, của phát triển đã cho thấy rõ thêm một lần nữa sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của người chiến sĩ cộng sản, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đương nhiên, trên con đường ấy chúng ta cũng đã phải trải qua biết bao vật vã, biết bao đau đớn để lớn thêm lên và mạnh hơn xưa; và cũng có những giai đoạn không tránh khỏi sự chủ quan, duy ý chí. Nhưng “sai thì sửa” và với những giai đoạn “dò đường” trong bối cảnh bị buộc phải đóng cửa về kinh tế như thế thì chỉ có sự quyết đoán, bản lĩnh của những người lãnh đạo mới giúp cho đất nước đứng vững trước cơn bĩ cực. Và, những điều ấy có lẽ là minh chứng tốt nhất cho tinh thần, khí khái, bản lĩnh của một con người cách mạng như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

H.Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/ban-linh-y-chi-cua-mot-nguoi-cach-mang/109537