Bản Mông Lào Cai đón những người con đi học rồi trở về giúp dân bản

Tại Lào Cai, trong 34 đội viên dự án 600 trí thức trẻ, có những người ăn cơm, uống nước và trở thành con của đồng bào, con của núi rừng Tây Bắc. Nhưng cũng có những người...

Nhưng cũng có những người, sinh ra giữa cheo leo vực thẳm, một lòng ra đi để trở về cống hiến cho bản làng. Họ không ngại khó, ngại khổ, đổ cả mồ hôi, nước mắt… vỡ từng khoảnh đất giúp đồng bào trồng cây lúa, cây ngô. Nơi nào khó khăn, hoang sơ nhất, đều in dấu chân họ.

Đi học không có tiền đâu

“Tao chỉ thấy người ta thồ ngô, thồ thóc ra chợ bán có tiền, chứ tao chưa thấy ai đi học mà có tiền”, đấy là câu nói mà bố đã nói với chàng trai Giàng Seo Châu (SN 1986), xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai khi anh đỗ liền lúc 2 trường đại học năm 2007. Câu nói chạnh lòng khi ấy lại chính là động lực giúp Châu bước vào cánh cửa trường đại học.

Giàng Seo Châu hướng dẫn người dân chăm sóc cây đương quy

Năm 2007, cái tin Giàng Seo Châu đỗ 2 trường đại học làm nức lòng không chỉ người dân xã Mản Thẩn mà còn là niềm tự hào của toàn ngành giáo dục huyện Si Ma Cai. Tỉnh Lào Cai lần đầu tiên có một học sinh dân tộc thiểu số lập nên ... kỳ tích này. 4 năm dưới mái trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp VN) với bao khó khăn, vất vả rồi cũng qua đi.

Sau khi tốt nghiệp đại học, biết có dự án 600, Châu đã đăng ký tham gia. Anh sau được phân về làm Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn – nơi anh sinh ra và lớn lên. Với mong muốn nâng cao trình độ, kiến thức, Giàng Seo Châu tiếp tục học cao học. Cứ chiều thứ sáu, bà con trong xã lại thấy anh cán bộ trẻ thu xếp đồ đạc, bắt xe lên TP Lào Cai, rồi từ đó bắt tàu về Hà Nội học. Đến khi cầm tấm bằng thì Châu cũng là người Mông đầu tiên của huyện Si Ma Cai có trình độ thạc sỹ.

Làm giàu cho quê mẹ

Với tâm thế một người con của quê hương, Châu luôn đau đáu bài toán làm giàu cho những người dân ngay trên chính mảnh đất mình sinh ra, lớn lên. Từ suy nghĩ đó, Châu đưa cây tam thất về bản, rồi mô hình trồng rau bắp cải, mô hình nuôi giống lợn đen bản địa ở Si Ma Cai, tiếp nối là mô hình trồng cây dược liệu đương quy...

Biết được giá trị của cây tam thất, Châu lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, nhiều người. Năm 2014, anh Châu quyết định mua giống và thuê chính người bán giống từ Trung Quốc sang hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ngay lứa nụ tam thất bao tử đầu tiên, anh thu được hơn 20kg với giá tại vườn lên tới 500.000 đồng/kg. Đó là vụ thu hoạch ngoài sức mong đợi.

Mô hình trồng đương quy đang là bài toán thoát nghèo cho người dân Si Ma Cai

Ngay sau đó, anh tăng thêm diện tích trồng tam thất của gia đình lên 1ha và có thêm 3 hộ dân của xã trồng tam thất, với 4ha. Thấy mô hình hiệu quả, Châu lập dự án mở rộng trồng tam thất và xin hỗ trợ vốn cho người dân nghèo tham gia. Với kinh nghiệm và kiến thức của mình, anh đã tự nghiên cứu ươm hạt thành công, có thể cung cấp giống tại chỗ cho bà con. Nhiều gia đình đã đổi đời nhờ những sáng kiến của anh Phó Chủ tịch trẻ tuổi.

Khi dự án 600 hoàn thành, với những nỗ lực không ngừng, Châu được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn. Châu tâm sự: "Ngoài ước mơ giúp đỡ bà con trong xã thoát cảnh bữa cơm bữa ngô, tôi luôn muốn chứng minh với bố và người dân trong thôn bản quan niệm "đi học là mất chứ không được tiền" hoàn toàn sai lầm".

Tháng 2 vừa qua, Mản Thẩn là xã đầu tiên của huyện Si Ma Cai được công nhân đạt chuẩn Quốc gia NTM, Giàng Seo Châu cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi thấy quê hương ngày một đổi mới, giàu đẹp. Đến hết năm 2016, xã đã có gần 60% hộ khá, giàu, thu nhập bình quân đạt trên 22 triệu đồng/người/năm.

Ghi nhận sự đóng góp của Tráng Seo Pao, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao tặng giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014".

Một niềm vui nho nhỏ là năm 2016, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

“Vua” đường bê tông

Ở xã vùng cao Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, dù kết thúc dự án 600, không còn làm Phó Chủ tịch xã, nhưng cái tên Tráng Seo Pao vẫn được bà con nhớ tới là “vua” làm đường bê tông.

Giờ đây, đến Hoàng Thu Phố, đâu đâu cũng là những con đường bê tông kiên cố, nối thẳng tới từng thôn, bản. Đó là nhờ sự đóng góp rất lớn của chàng kỹ sư xây dựng Tráng Seo Pao, cựu đội viên dự án 600.

Tráng Seo Pao đi từng nhà “đến từng nhà, gặp từng người” tuyên truyền xây dựng NTM

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kến trúc Hà Nội, chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp, chàng thanh niên người dân tộc Mông – Tráng Seo Pao quyết định trở về công tác tại nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Pao viết đơn dự tuyển vào dự án 600 và trúng tuyển với điểm số cao, được phân công làm Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố.

Bằng những kiến thức đã học, Pao “đột phá” mạnh vào làm đường giao thông nông thôn, khơi thông sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho người dân. Pao bảo, muốn làm gì thì làm nếu không có đường giao thông đi lại thuận lợi thì cũng chẳng mang lại kết quả gì.

Nghĩ là làm, được sự ủng hộ của tập thể lãnh đạo xã cùng với nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, huyện cho chương trình xây dựng NTM, Pao đã vận dụng kiến thức chuyên ngành xây dựng để khảo sát, vạch tuyến, lên phương án thi công đường liên thôn, liên gia trong xã, với phương châm ưu tiên làm trước những tuyến đường chính, có tác dụng lan tỏa.

Để được bà con tin và ủng hộ cho công việc mình đang triển khai anh Pao “đến từng nhà, gặp từng người”, kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục mọi người tích cực tham gia chương trình xây dựng NTM. Nhờ vậy, bà con nhân dân trong xã đã đóng góp được hơn 900 mét khối đá, 500 mét khối cát và bỏ ra hàng nghìn ngày công để làm đường.

Từ đó, Hoàng Thu Phố làm được 14 km đường liên thôn, liên gia được cứng hóa bằng bê tông vững chắc, đi lại dễ dàng. Ông Hảng Seo Xóa, thôn Sỉn Chồ 2, xã Hoàng Thu Phố nhận xét: "Pao là người con của đồng bào Mông mình, được đi học đại học khi về công tác tại xã thì thường xuyên ở thôn bản, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Pao hướng dẫn bà con làm nhà cửa, phát triển kinh tế nhất là đường giao thông… Cả xã này ai cũng thương và quý nó lắm".

Ngoài làm đường giao thông, Pao còn phát triển giáo dục, nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Anh nhận thức rất rõ “có cái chữ thì mới nên người”, như bản thân đã từng nỗ lực vượt khó để tốt nghiệp đại học, mang kiến thức về phục vụ quê hương.

Anh Pao luôn nhận được sự tin yêu của người dân

Anh thường xuyên đến các trường trên địa bàn xã nói chuyện, tâm sự với các em học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số cố gắng vươn lên trong học tập sau này trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Giờ đây, kết thúc dự án, Pao xin rút lui, nhưng vẫn âm thầm đem kiến thức của mình cống hiến cho cộng đồng, mong mỏi quê hương ngày một ấm no, giàu đẹp.

Ông Hoàng Đức Chính, Phó trưởng Phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Lào Cai) cho biết, tới nay 100% đội viên của dự án 600 tại địa phương đã được bố trí vào các vị trí công chức cấp xã và viên chức cấp huyện. Tuy nhiên, một số đội viên chưa bố trí được các vị trí phù hợp với chuyên môn.

Đánh giá chung, ông Chính cho rằng, các trí thức trẻ đã thể hiện được tinh thần xung kích, chủ động, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc. Qua đó góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của ở địa phương.

KẾ TOẠI

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ban-mong-lao-cai-don-nhung-nguoi-con-di-hoc-roi-tro-ve-giup-dan-ban-post200515.html