Bán ôtô trên giấy của Honda ôtô Tây Hồ: Honda có thể bị kiện ra tòa

Liên quan đến vụ “bán ô tô trên giấy của Honda ô tô Tây Hồ”, luật sư cho biết, nếu các bên không thể thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có quyền kiện ra tòa, đề nghị tòa án xem xét, giải quyết.

Mới đây, tòa soạn đã nhận được phản ánh của anh Lê Tiến Đức (Long Biên, Hà Nội) về việc ký hợp đồng mua xe ô tô tại Honda ô tô Tây Hồ (địa chỉ tại số 197A Nghi Tàm, Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, Hà Nội) vào ngày 1/9, nhưng chỉ 4 ngày sau (tức chiều 5/9), nhân viên của Honda ô tô Tây Hồ lại báo cho anh Đức rằng đã hết xe, không giao xe được và nhắn anh sang lấy tiền đặt cọc về.

Điều này khiến anh Đức hết sức bức xúc và thất vọng về cách làm việc của một đại lý lớn thuộc hãng xe ô tô Honda. Sự việc đã được báo phản ánh trong bài: "Honda ô tô Tây Hồ: Khách hàng đặt cọc mua xe hơi trên giấy?".

Honda ô tô Tây Hồ.

Được biết, sau khi sự việc xảy ra, Honda Tây Hồ đã đưa ra cho anh Đức một lựa chọn khác là anh phải thêm tiền để lấy bản cap cấp hơn (bản TG) nhưng anh Đức không đồng ý vì nhu cầu bản thân, anh chỉ sử dụng bản thường.

Liên quan đến sự việc nêu trên, PV đã liên hệ với Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty luật TNHH Bắc Nam, để hiểu rõ hơn về trách nhiệm của bên bán là Honda ô tô Tây Hồ đối với khách hàng trong trường hợp hủy hợp đồng như vậy.

Cam kết của nhân viên Honda ô tô Tây Hồ với anh Lê Tiến Đức.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều cho biết: Dưới góc độ pháp lý, đặt cọc là một trong những hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong đó, một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 328. Đặt cọc

1.Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2.Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Như vậy, căn cứ vào Hợp đồng mua bán xe ô tô đã ký, đối chiếu với các quy định pháp luật nêu trên thì bên nhận đặt cọc (Honda ô tô Tây Hồ) đã ký hợp đồng, đã nhận tiền đặt cọc như thỏa thuận nhưng lại từ chối giao xe vì hết xe thì phải trả lại bên đặt cọc khoản tiền đã nhận, phải chịu phạt 1 lần cọc và bồi thường thiệt hại thực tế xảy ra nếu bên mua xe chứng minh được các thiệt hại đó.

Hợp đồng mua bán xe ô tô của anh Đức với Honda ô tô Tây Hồ.

Để giải quyết tranh chấp, Honda ô tô Tây Hồ và khách hàng sẽ thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Nếu các bên không thể thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án, nơi bị đơn có trụ sở để đề nghị tòa án xem xét, giải quyết tranh chấp bằng một vụ án dân sự theo quy định pháp luật.

Vậy căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015 thì bên bán là Honda ô tô Tây Hồ phải trả cho anh Đức tiền anh đã đặt cọc cộng thêm một khoản bằng với khoản anh đã đặt cọc cộng thêm những thiệt hại thực tế xảy ra nếu anh Đức chứng minh được các thiệt hại đó.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Vũ Sơn

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ban-oto-tren-giay-cua-honda-oto-tay-ho-honda-co-the-bi-kien-ra-toa-p53948.html