Bản quyền của thư pháp

(TNTT&GT) Xung quanh chuyện thư pháp còn lắm đường đi ngoằn ngoèo… như rắn. Nhưng đau đầu nhất vẫn là chuyện mượn thư pháp qua mặt bản quyền rất khó phân biệt rạch ròi

Giảm thông điệp tác phẩm Điều rắc rối này xuất phát từ việc chưa minh định rõ ở đâu là giới hạn minh bạch của một tác phẩm nghệ thuật và một thư pháp nghệ thuật. Khi sử dụng một tác phẩm thơ chẳng hạn, qua thư pháp vô tình đã biến thành một tác phẩm thư pháp. Ông H, giám đốc một công ty sách cho biết: “Gần đây chúng tôi cũng nhận được nhiều sự gợi ý của một hai nhà viết thư pháp thực hiện các tác phẩm thơ của các nhà thơ đương đại. Dưới cách nhìn của tôi đây là sự kết hợp khá hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Sách phát hành cũng có thể có độc giả. Nhưng điều vướng mắc là không biết các nhà thơ khi có tác phẩm được chọn viết có đồng ý hay không? Nên tôi chọn phương án gợi ý cho các tác giả cứ nộp nhà xuất bản. Nếu có được giấy phép chúng tôi sẵn sàng đầu tư…”. Không hẳn là thư pháp nhưng lịch thơ Nguyễn Duy với chính lối viết của ông đã một thời hút khách, gây sốt trong những mùa lịch trước đây. Cách viết của Nguyễn Duy có gọi là thư pháp hay không là điều thú vị đáng bàn. Có điều, nhà thơ chưa bao giờ lập ngôn cho chữ mình là thư pháp. Những câu thơ đồng quê được viết bằng lối chữ thảo chân thật, “tròn vành rõ chữ” vẫn dung chứa một ý niệm sâu thẳm nào đó mênh mang về quê nhà. Và rõ ràng nhà thơ đã thuyết phục rất nhiều người đến với lịch thư của ông. Thi sĩ Bùi Giáng có tập thơ Mưa nguồn được thư pháp hóa Nhà thơ Trương Nam Hương gần đây cũng có thơ được chọn đưa lên lịch. Anh không quan tâm đến vấn đề chữ hay thư pháp. “Bài thơ đã là thông điệp. Tôi thích vì đưa lên lịch nhiều người sẽ thuộc nó”. Nhưng cũng có ý kiến khác: “Tôi rất phiền lòng khi thơ tôi bị đưa lên thư pháp thể hiện mà người viết không hỏi ý kiến tôi. Đó là chưa kể với lối viết tô vẽ, lòe loẹt, tinh thần hiện đại của bài thơ bị giảm đi rất nhiều. Nói chung, thơ viết thư pháp là phản tác dụng…”. Lập lờ bản quyền thư pháp Gần đây dư luận để ý đến việc tác phẩm Mưa nguồn của nhà thơ Bùi Giáng bị thư pháp hóa và ngang nhiên xuất bản. Theo anh Nguyễn Thanh Hoài, người được ủy quyền của chính “Trung niên thi sĩ” được phép xuất bản tác phẩm ông sau khi mất (có văn bản, bút tích, chữ ký, chứng từ...) thì việc đó là vi phạm bản quyền. “Thật ra tôi cũng chỉ cần người yêu thơ Bùi Giáng gặp tôi, hay chí ít gọi một cú điện thoại báo cho gia đình là đủ”, anh Hoài nói, “Nhưng rất tiếc, người thực hiện cuốn sách đó vốn là chỗ quen biết đã không làm như vậy!”. Việc thực hiện toàn bộ tập thơ trên 120 trang bằng chữ viết tay quả là công phu. Trả về cho thơ cách thưởng thức “dân dã” ý vị, có nét riêng nhưng không vì thế mà qua mặt bản quyền. Đi sâu vào tập thơ, lạm bàn một chút, nếu gọi là thư pháp thì quá oan uổng vì rõ ràng tác giả thực hiện chỉ dụng công chép lại ngay ngắn, ngang hàng thẳng lối như kiểu học trò “vở sạch chữ đẹp”. Những câu:“Cổng ban sơ hạnh ngân dài/Cổng xe còn vọng điệu tài tử qua” tuyệt vời như thế, tinh như thế nhưng dưới trò “biến chữ” của nhà thư pháp trông ngô nghê và buồn cười. Những chữ g, h, i…được “cách tân” khi đá vung lên, lúc ngoặt sâu xuống tùy tiện… Phân định rõ ràng bản quyền liên quan đến thư pháp còn nhiều điều bàn cãi, khi mọi thứ vẫn chưa được quy định cụ thể bằng văn bản pháp luật. Tranh luận về thư pháp: Nhà thư pháp Nguyễn Thiên Chương Sau nhiều năm học viết chữ, tự tìm kiếm một con đường đi riêng của mình thì đến lúc tôi buộc phải im lặng. Nhiều bạn bè và các nhà báo hỏi vì sao? Xin được trả lời từ góc độ cá nhân, theo tôi, không có cái gọi là thư pháp Việt. Việt Nam chưa bao giờ có một nền tảng về thư pháp hay những gì gần như thế. Có thể trước đó với chữ Nho, chữ Hán chúng ta có những danh trạng nhưng từ sau chữ quốc ngữ thì gần như đánh mất khái niệm đó. Loạn chữ hay loạn pháp là điều tất yếu bởi tất cả không bắt đầu xuất phát từ nền tảng có căn bản. Tôi không hiểu các lớp đề ra chuyện dạy thư pháp là dạy cái gì? Giáo trình ở đâu? Pháp nào là pháp thực sự có giá trị với chữ nghĩa? Viết vung vảy, buông tuồng, bí hiểm thỏa mãn đánh đố cá nhân khó dẫn đến những tranh luận vì cái chung. Xin đơn cử một ví dụ, khi nói chuyện về âm nhạc, ít ra bạn có thể thuyết phục người khác ở cái là nhạc lý, ký âm còn bàn về thư pháp Việt thì chúng ta có cái gì để bàn? Những pháp nào? Hay mạnh ai nấy vỗ ngực xưng tên? Họa sĩ Ngọc Tình (Gallery 91 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) Rất nhiều họa sĩ VN viết thư pháp và làm tranh thư pháp rất đẹp. Tất nhiên, phải hiểu chữ “thư pháp” theo nghĩa rộng. Thực tế cũng có rất nhiều khách nước ngoài yêu thích tranh thư pháp VN. Mỗi khi kiếm hàng lưu niệm họ vẫn chọn thư pháp. Một người bạn thân của tôi là họa sĩ Võ Bình dạy cho các em mồ côi. Nhiều em viết chữ ngộ nghĩnh, rất đẹp, trông như một bức tranh. Giáo sư Trần Văn Khê rất thích những bức tranh này và gọi “thư pháp thiếu nhi”. Bởi rõ ràng các em có một cách nghĩ, cách vẽ không giống ai. Khi nhìn vào đó thấy cuộc sống tươi mới chuyển động. Đặt lại chuyện nền tảng thư pháp là cần thiết. Nhưng đôi khi những gì hôm nay ngày mai sẽ thấy là nền tảng? Nhà thư pháp Triều Nguyên Viết thư pháp với tôi là một thú vui. Nó cũng giống như làm thơ, trước hết là làm cho riêng mình. Sau đó tặng bạn bè tâm giao. Với góc nhìn cá nhân, tôi thấy không có gì to tát. Có thể những bức thư pháp tôi viết khó có thể vừa lòng tất cả mọi người nhưng chỉ cần một người đồng điệu đã là tri kỷ. Thư pháp gần với thơ và nâng thơ lên một bậc. Xem thư pháp dễ rung động với vần điệu, tình ý lòng người… Nghệ nhân thạch ảnh Lê Nguyên Vỹ Tôi cho rằng bí quyết của thư pháp là tinh giản, tối giản. Viết nhiều chữ là “loạn” không thể gọi là thư pháp được. Tôi thường đưa lên đá những lời hát thật cô đọng. Đôi khi chỉ một từ. Tôi nghĩ, các nhà viết thư pháp cần nắm vững ngoài nội hàm quy ước, khi viết người nghệ sĩ đã chuyển tải tài năng mình. Nghệ thuật thư pháp tương nhu đậm nhạt. Thủ pháp cương cường thăng hoa biểu hiện mỗi sắc thái riêng trên ngôn ngữ anh viết. Làm sao phát triển và giữ riêng biệt sắc thái đó… Cảnh Hưng (thực hiện) Đông Dương

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201022/20100527084647.aspx