Bán sưa 200 tuổi: Đình Đông Cốc còn bao nhiêu cây sưa quý?

Ngoài cây sưa 200 tuổi vừa được bán cho đại gia gỗ Đồng Kỵ, đình làng Đông Cốc (Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh), còn có một cây sưa 400 tuổi và rất nhiều sưa lớn nhỏ khác.

Những ai từng đặt chân đến đình làng Đông Cốc hẳn ấn tượng bởi khung cảnh thiên nhiên trù phú. Toàn bộ khuôn viên rộng cả ngàn mét vuông ngoài những mái ngói, sân đình thì được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây cối. Trong đó, phần lớn là những cây sưa đỏ quý hiếm biến đình Đông Cốc như thể một rừng sưa thu nhỏ.

Nơi đây, ngoài cây sưa 200 tuổi vừa được chặt hạ bán cho đại gia gỗ Đồng Kỵ, còn đến cả chục cây sưa lớn nhỏ mọc phân bố quanh khuôn viên đình.

Cây sưa 400 năm tuổi che mát cả sân đình Đông Cốc.

Có cây 50 năm tuổi, có cây cỡ 10 năm tuổi, và những cây dưới 10 năm tuổi thì nhiều vô kể. Đặc biệt, tại đây hiện còn 1 cây sưa 400 năm tuổi to tỏa bóng che cả sân đình. Đây là cây sưa quý, được dân làng bảo vệ như một tài sản vô giá, trường tồn cùng mảnh đất và con người nơi này.

Do được bảo vệ nghiêm ngặt với hệ thống tường và cổng sắt xung quanh, với sự túc trực thường xuyên của các cụ trong ban Quản lý nên vào những thời điểm giá gỗ sưa đắt đỏ, nạn "sưa tặc" hoành hành nhiều nơi, những cây "vàng" trong đình làng Đông Cốc vẫn hiên ngang đứng vững.

Cụ từ trông chùa bên cạnh gốc sưa 200 tuổi ở đình Đông Cốc thời điểm cây mới được đem ra đấu giá - (Ảnh: Nhất Nam).

Cụ từ trong chùa Đông Cốc từng chia sẻ với PV rằng, từ khi ông sinh ra, cây sưa 200 và 400 năm tuổi đã có rồi. Qua thời gian, cảnh quan đình, chùa, xóm làng đã thay đổi nhưng những cây sưa vẫn còn đó.

Theo cụ từ, vào những năm giá gỗ sưa đắt đỏ, có rất nhiều đại gia gỗ đến đây hỏi mua sưa nhưng đều bị từ chối. Cho đến một đêm mùa đông vào khoảng 10 năm về trước, cây sưa 400 năm tuổi này bị bão gió quật đổ gãy một cành lớn. Cành sưa sau đó cũng được đánh đổi lấy việc tu sửa đình làng.

Cũng theo cụ từ và một số người dân địa phương, đây là cây sưa quý hiếm. Vào mỗi độ rụng quả, có rất nhiều người đến đây mua quả sưa về ươm giống. Khi sưa rụng quả, các cụ bô lão trông đình lại nhặt nhạnh, ươm giống bán cho du khách thập phương ghé qua đình và dùng toàn bộ số tiền đó để mua hương, nhang phục vụ đình, chùa.

Lãnh đạo xã Hà Mãn cho hay, sau khi bán cây sưa 200 tuổi, số tiền đấu giá được chia cho dân trong làng, mỗi khẩu 10 triệu đồng coi như là “lộc trời” cùng hưởng và được người dân đồng tình. Số tiền còn lại dùng để tu bổ những công trình phúc lợi trong thôn.

Vị lãnh đạo xã cũng cho biết, trong khuôn viên đình Đông Cốc hiện còn rất nhiều cây sưa nhưng giá trị còn hơn cả cây sưa 400 tuổi.

Nhất Nam

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ban-cu-sua-200-tuoi-dinh-dong-coc-con-bao-nhieu-cay-sua-quy-a320137.html