Bản tin Khởi nghiệp hàng tuần của Tạp chí điện tử Khám Phá (từ 8/12 - 15/12)

Tuần qua, hoạt động khởi nghiệp đã sôi động trở lại với hàng loạt các sự kiện diễn ra trên khắp cả nước.

Tại TPHCM, điểm nhấn tiếp tục là các hoạt động của SIHUB. Không dừng lại các hoạt động kết nối, tư vấn... SIHUB bắt đầu có những hỗ trợ thiết thực hơn, đặc biệt là vốn mồi, cho các đơn vị khởi nghiệp.

Đà Nẵng và lần đầu tiên Cần Thơ cũng dành sự quan tâm cho các hoạt động khởi nghiệp. Trong khi Grab đã gọi thêm được nhà đầu tư, qua đó kết thúc năm 2016 với nhiều gói đầu tư khủng.

Những gương thành công hay thất bại của các doanh nghiệp từng trải tiếp tục là bài học cho các bạn khởi nghiệp trẻ.

Hoạt động, Sự kiện đáng chú ý

Hệ sinh thái khởi nghiệp nên để các nhà khởi nghiệp dẫn dắt

Đó là khẳng định của nhà sáng lập kiêm CEO của Startup Canada Victoria Lennox trong buổi nói chuyện với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tại SIHUB, TPHCM.

Victoria Lennox cho rằng, sự thành công và tính bền vững của một hệ sinh thái khởi nghiệp phụ thuộc vào sự dẫn dắt của các nhà khởi nghiệp. Bởi vì một hệ sinh thái khởi nghiệp được gọi là hoạt động hiệu quả khi các nhà khởi nghiệp thành công và sản phẩm của hệ sinh thái cũng chính là thành công của các nhà khởi nghiệp.

Chính phủ và các tổ chức tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng người dẫn dắt phải là các nhà khởi nghiệp.

“Để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, phải để cho nhà khởi nghiệp dẫn dắt. Tôi chưa từng thấy một hệ sinh thái khởi nghiệp nào trên thế giới hoạt động hiệu quả trong thời gian dài mà không được chính các nhà khởi nghiệp dẫn dắt”, Victoria khẳng định.

Hackathon Du lịch thu hút 60 Start-up đến từ nhiều quốc gia tham dự

Sự kiện được tổ chức bởi Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) phối hợp với Văn phòng điều phối du lịch Mekong (MTCO), Sáng kiến Phát triển khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) và Trung tâm Khởi nghiệp Toàn cầu Seoul; thu hút 60 bạn trẻ là các Start-up đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, các nước Châu Âu và Châu Mỹ tham dự.

Tại sự kiện, các Start-up có dịp được kết nối giao lưu, chia sẻ thông tin và lắng nghe những trình bày về các chủ đề như: “Âm nhạc và nghệ thuật đã biến đổi thành phố như thế nào?” (do ông Micheal Hoffman - CEO Tourbrat – Start-up Hàn Quốc trình bày), “Lịch sử của tuyến đường Ollel ở đảo Jeju” (do bà Mi Jeong Park - Trưởng nhóm marketing của Ollel- Start-up Hàn Quốc trình bày), “Các thách thức Đà Nẵng gặp phải” (do Đại diện Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng trình bày) và các Start-up sẽ cùng nhau thảo luận để đưa ra giải pháp giúp giải quyết các vấn đề về du lịch mà Đà Nẵng gặp phải cũng như các thành phố khác đã giải quyết các thách thức như thế nào.

Bloomberg: Môi trường startup Việt Nam thu hút doanh nhân Việt Kiều

Lực lượng lao động có trình độ, môi trường thuận lợi cho startup, kinh tế tăng trưởng khá... tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nhân công nghệ Việt Kiều. Họ nhìn thấy một cơ hội tăng trưởng và thịnh vượng tuyệt vời tại Việt Nam.

Hãng tin Bloomberg vừa đăng tải bài viết với câu chuyện về những doanh nhân Việt Kiều quay trở lại Việt Nam đầu tư bởi nhìn thấy cơ hội tuyệt vời từ trong nước. Rất nhiều người đã thành công với những startup công nghệ được xây dựng tại Việt Nam.

Quản trị rủi ro để khởi nghiệp tích cực

“Tư duy khởi nghiệp tích cực là khi đứng trước mục tiêu nào, chúng ta lấy rủi ro để ra quyết định, chứ không phải đặt kết quả để đưa ra quyết định”, chia sẻ của Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, sáng lập An Luật Law Firm tại buổi hội thảo thứ 12 về chủ đề Tư duy khởi nghiệp do Saigon Innovation Hub phối hợp với Cộng đồng Angels 4US tổ chức Tại đây, câu chuyện “Chinh phục đỉnh núi” được Luật sư Định Thị Quỳnh Như chia sẻ như một minh chứng cho chủ đề “Tư duy khởi nghiệp”.

Luật sư Quỳnh Như đặt vấn đề, người leo núi muốn lên được đỉnh chắc chắn, họ cần phải có những vật dụng thiết yếu như rìu, lều, đèn pin, thức ăn, nước uống... “Vậy tại sao phải loay hoay, mất thì giờ vào việc tìm kiếm 5 công cụ mà người leo núi chưa chắc tìm đủ. Tại sao chúng ta không từng bước ra ngoài và thực hiện việc leo núi với những gì mình đang có”, Luật sư Quỳnh Như thẳng thắn.

Cần Thơ đặt: Hướng tới 6.000 doanh nghiệp mới đến năm 2020

Tại Hội thảo “Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016 định hướng và giải pháp cho TP.Cần Thơ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức, ông Trương Quốc Trạng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho biết, 6.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả lên 12.000 doanh nghiệp đóng góp 50-60% GRDP và giải quyết việc làm cho 250.000 lao động địa phương là những con số cụ thể trong kế hoạch khởi sự doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 mà địa phương sắp ban hành.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên địa phương cũng đề ra 9 hoạt động hỗ trợ gồm truyền thông khởi nghiệp; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp; tổ chức đào tạo về khởi nghiệp; trợ giúp tài chính, hỗ trợ lãi suất, thuế; hỗ trợ thông tin tư vấn doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại; thành lập các tổ chức tác động khởi nghiệp và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Khởi nghiệp cần những sự kiện hỗ trợ dài hơi

Tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo lần đầu tiên được tổ chức do sự phối hợp của UNICEF và SIHUB, ông James – người đang triển khai các giải pháp về nước sạch để phục vụ cộng đồng, cho biết: “Chúng ta có những bạn trẻ sáng tạo mạnh mẽ ở trong độ tuổi từ 15 – 24 tuổi, nhưng không thể kì vọng các bạn trở thành startup hết được. Cần tổ chức những buổi thảo luận, những chương trình liên quan đến công việc của các bạn, để từ đó nâng cao năng lực của mỗi người. Chúng ta cũng phải tạo cơ hội để bạn trẻ làm việc trong các dự án để thử nghiệm các khả năng, kết nối họ với các cố vấn để họ có thể phát triển mạnh hơn”.

Ông James cho rằng, Việt Nam đang có một điểm chưa tốt trong việc hỗ trợ các bạn trẻ, đó là tổ chức quá nhiều các sự kiện nhỏ lẻ. “Các sự kiện ngắn thường sẽ không đem lại nhiều hiệu quả, nên tập trung tổ chức các chương trình lớn như Hackathon, Tom VN… Trong các chương trình đó, những người cố vấn sẽ theo sát các đội trong quá trình dự thi lẫn khi ra khỏi cuộc thi”, ông James nhận định.

Khởi nghiệp tại Việt Nam, dự án tốt sẽ được tài trợ đến 100.000 USD

“Nếu muốn làm startup tại đây, các bạn nên tập trung vào các nhóm ngành như: Chế biến thực phẩm; IT, IoT; nhựa, cao su, hóa dược; cơ khí, tự động hóa. Nếu dự án có tiềm năng phát triển, các bạn sẽ được chi trả toàn bộ phí đào tạo trong vòng ba năm và được tài trợ đến 100.000 đô la cho dự án. Đã có nhiều startup của Nhật Bản, Hàn Quốc... xin được tài trợ của SIHUB”, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng đã chia sẻ với các sinh viên của Trường Đại học Griffith (Úc) khi đến tham quan học tập tại SIHUB.

Những thương vụ thành công

Năm 2016: Grab bội thu vốn đầu tư

Grab, đối thủ của dịch vụ gọi xe Uber tại Đông Nam Á, mới đây vừa chào mừng thêm một nhà đầu tư mang tên Honda. Theo công bố, Honda sẽ thực hiện đầu tư chiến lược vào Grab, tuy nhiên, mức góp vốn cụ thể là bao nhiêu thì không được tiết lộ. Trong thông cáo phát đi, hãng chỉ đơn thuần nói rằng, Honda và Grab sẽ “hợp tác ở nhiều sáng kiến khác nhau để nâng cao các lợi ích cho người dùng cũng như tái xế GrabBike".

Hồi tháng 9, Grab thu về 750 triệu USD đầu tư từ SoftBank giúp giá trị công ty đạt 3 tỷ USD. Thỏa thuận với Honda mới đây là một phần mở rộng của vòng góp vốn quy mô lớn Series F. Đây cũng là vụ đầu tư lớn thứ 2 của Grab ngay trong tháng này, sau khi hãng dịch vụ tài chính Tokyo Century hôm 1-12 công bố đổ tiền vào dịch vụ gọi xe đến từ Singapore - với số tiền cũng không được tiết lộ cụ thể.

Kinh nghiệm khởi nghiệp

Càng ít tiền thì cơ hội thành công càng cao

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, câu hỏi mà họ luôn quan tâm đến đó là “Làm sao để kiếm được tiền?” Tiền là một yếu tố chủ chốt nhưng giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư luôn có cái nhìn khác nhau về tiền. Ông Mr. Csaba Bundik nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần được kèm cặp về vấn đề đầu tư nhiều hơn là hỏi tiền. Các nhà đầu tư sẽ tư vấn giúp các doanh nghiệp những vấn đề chiến lược, từ đó có thể giúp các doanh nghiệp đi xa hơn trên con đường khởi nghiệp.

“Trong giai đoạn đầu nếu như các doanh nghiệp khởi nghiệp nắm vững được thị trường của họ thì chúng tôi sẽ đầu tư”, ông nói. “Càng ít tiền thì cơ hội thành công càng cao vì khi có nhiều tiền thì họ sẽ quên đi mục tiêu ban đầu của họ”, ông Kevin Darmawan chia sẻ.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn như thế nào?

Hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) đều phải trải qua quá trình gọi vốn (funding) từ nhà đầu tư để phát triển sản phẩm. Quá trình gọi vốn thường diễn ra qua nhiều vòng khác nhau và trước mỗi vòng cấp vốn, giá trị doanh nghiệp sẽ được định giá lại.

Câu chuyện khởi nghiệp

9x làm giàu với “cá ngủ đông”

Chuỗi rau sạch tiền tỉ của chàng trai 8x

8x bỏ học thạc sỹ Hàn Quốc, mở công ty chế tạo robot

Chàng công nhân 8x đưa mãng cầu xiêm Lai Vung xuất ngoại

P.V

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ban-tin-khoi-nghiep-hang-tuan-cua-tap-chi-dien-tu-kham-pha-tu-8-12-15-12-c7a478398.html