Bạn tri kỷ của động vật hoang dã

Những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh, ông Lê Danh Cương (Hai Cương, ngụ Phường 1, TP Cà Mau) đem trăn bạch đột biến thuần dưỡng ra tắm nắng và cùng luận bàn chuyện thuần hóa trăn hoang dã thành vật nuôi kinh tế trong nhà với mấy ông bạn hưu trí. Ông cười xòa: 'Nó được thuần dưỡng nên hiền lắm! Chú trăn này đã 3 năm tuổi, mùa sinh sản của nó là từ tháng Mười âm lịch đến tháng Tư năm sau. Nó đã đẻ được 1 lứa hơn chục con'.

Ông Lê Danh Cương (bìa trái) tắm nắng cho trăn bạch đột biến.

Ông Lê Danh Cương (bìa trái) tắm nắng cho trăn bạch đột biến.

Bạn bè ví von ông Hai Cương là tri kỷ của động vật hoang dã, bởi ông không chỉ có thể thuần dưỡng, nuôi động vật hoang dã mà còn kiêm luôn vai trò bác sĩ chữa bệnh, chăm sóc chúng như chính những thành viên trong gia đình. Ðặc biệt, người đàn ông mái tóc hoa râm này còn nổi tiếng là “người dẫn dụ chim trời”, ông đã có hơn 30 năm gắn bó với những cánh chim hoang và góp nhiều công và tâm sức tạo lập hàng loạt vườn chim ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).

Ông Hai Cương tâm đắc: “Chắc là duyên, là nợ để rồi gắn bó như hơi thở cuộc sống. Cái hồi về hưu tính thôi, không đi, không làm nữa, nhưng sao thấy tiếc nuối mấy vườn đang đứng trước nguy cơ vắng chim về, tôi lại đi...”. Hiện ông đang hỗ trợ dẫn dụ và chăm sóc chim tại Vườn chim Việt Úc Hậu Giang, tỉnh Hậu Giang.

Kể về hai chữ nợ - duyên, ông Hai Cương hồi nhớ những ngày tình nguyện đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường Campuchia, những đàn chim trời đã “cứu” ông trong nhiều trận. Khi đó, ông là trinh sát, hễ nghe bầy tu hú kêu rợn lên là biết có địch tới để ông né tránh. Mỗi chiều nép mình dưới tán rừng nghe bìm bịp kêu là nhớ nhà da diết, nhớ quê, nhớ đất nước. Cũng chính bởi những ký ức sâu sắc ấy mà ông vun đắp tình yêu với chim, với động vật hoang dã như những người bạn, tri kỷ. Ðến khi chiến tranh kết thúc, khoảng năm 1982, ông Hai Cương chuyển ngành về công tác tại Nông trường dược liệu Minh Hải (tỉnh Minh Hải, nay thuộc tỉnh Cà Mau), ông như mở ra cơ duyên tìm tòi và nghiên cứu nghề ấp cá sấu, ấp trăn và chăm sóc các loài khác như khỉ, chim...

Ông Hai Cương thăm lại vườn chim tại Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phường 1, TP Cà Mau).

Ông Hai Cương thăm lại vườn chim tại Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phường 1, TP Cà Mau).

Nghe ông Hai kể đến đây, tôi chợt nhớ đã từng đọc bài viết “Người dẫn dụ chim trời” được đăng trên báo Cà Mau Online ngày 23/12/2022. Trong bài, Kỹ sư Lê Thị Liễu, người tạo dựng vườn chim tại Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (sau khi Nông trường Dược liệu Minh Hải giải thể, giao lại khu đất xây dựng Lâm viên 19/5) có nhắc đến ông Lê Danh Cương, một trong những người kề vai sát cánh với bà tạo nên danh tiếng “Tiếng chim hót trong lòng thành phố”. Và sau đó, từ những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được khi làm việc nơi đây, ông Hai Cương đã gầy dựng thành công nhiều vườn chim cho khu vực ÐBSCL.

Giữa phố thị sôi động, vườn chim trong lòng thành phố vẫn là chốn yên bình của hàng trăm ngàn chim, cò các loại.

Giữa phố thị sôi động, vườn chim trong lòng thành phố vẫn là chốn yên bình của hàng trăm ngàn chim, cò các loại.

Ông Hai cười: “Chim cũng như con người. Mình tạo niềm tin, tạo môi trường tự nhiên tốt, chim sẽ tin mình, sẽ đến rồi ở với mình”. Chẳng hạn như vườn chim ở Bạc Liêu, ông Hai Cương dẫn dụ chim trời về chật kín vườn, theo lời ông thì chẳng có bí quyết gì lớn lao mà đó chỉ đơn giản là theo dõi, để ý, điều chỉnh môi trường theo ý chim, tập cho chúng quen giờ giấc ăn và quen với tiếng mình kêu, dần xem nhau như những người bạn. Cũng như chú trăn này, ông đã thuần dưỡng được 3 năm, rất thích được ông vuốt ve, vắt vẻo trên người; ông còn có 4 chú trăn bạch đột biến khác, cũng được thuần dưỡng và nếu có thả ra thì cũng chỉ quẩn quanh trong nhà.

Ông nhẩm tính, từ Tiền Giang về Cà Mau đã có 5 vườn chim được ông gầy dựng thành công như một nét đặc trưng của thiên nhiên miền Tây; trong đó, có rất nhiều loài chim quý trong sách Ðỏ được ông chăm sóc, tạo môi trường tốt sinh sôi. Còn trong tỉnh, ngoài vườn chim giữa lòng thành phố thì ông còn tư vấn, hướng dẫn nhiều vườn chim tư nhân trên địa bàn tỉnh gìn giữ và bảo tồn. Ðơn cử là vườn cò Tư Sự, ở xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, nay đã trở thành điểm đến tham quan, du lịch thu hút đông đảo khách thập phương.

Anh Trương Minh Thắng, chủ vườn cò Tư Sự, tấm tắc: “Chú Hai tâm huyết dữ lắm! Chú đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm giúp giữ chim ở lại vườn bằng cách trồng giặm cây, lên liếp, chia khu... Ðặc biệt, chú là bác sĩ thú y nên chú còn chỉ cách chữa lành và phòng, ngừa dịch bệnh cho các loài chim. Ðối xử tốt thì dẫn dụ thành công, triết lý ấy của chú, tôi vẫn giữ y tới giờ”.

65 tuổi, ông Lê Danh Cương vẫn chưa vơi tâm huyết gầy dựng lại nhiều vườn chim của tỉnh Cà Mau, còn vẹn nguyên niềm đam mê với các loài trăn, rắn, cá sấu... Ðó không chỉ là thú điền viên mà còn là hướng đi mới về kinh tế bền vững. Ông gợi mở về mô hình nuôi trăn bạch đột biến, hiện tại ông đang làm thành công, được rất nhiều người có tiền săn đón như một thú vui tao nhã, nuôi cảnh, theo phong thủy, mang lại nhiều may mắn...

Các bé nhỏ thích thú được tham quan chuồng nuôi trăn bạch đột biến thuần dưỡng của ông Hai Cương trong khuôn khổ Tuần lễ giao lưu Sinh vật cảnh ĐBSCL do Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau tổ chức.

Các bé nhỏ thích thú được tham quan chuồng nuôi trăn bạch đột biến thuần dưỡng của ông Hai Cương trong khuôn khổ Tuần lễ giao lưu Sinh vật cảnh ĐBSCL do Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau tổ chức.

“Trăn bạch đột biến giá cao. Mỗi năm đẻ 1 lứa với 25-30 trứng, ngót nghét cũng nở gần 20 con. Ðem nuôi cỡ 2 tháng bán mỗi con 300-400 ngàn đồng, lợi nhuận quá chứ! Nếu cán bộ hưu trí, cựu chiến binh nuôi theo mô hình này lợi nhuận hơn cả nuôi heo đó! Vì đâu tốn nhiều diện tích, bởi có thể làm chuồng chồng theo lớp, rất hiệu quả”, ông Hai Cương phấn khởi.

Ông chia sẻ, đã có người ngỏ ý chia lại mấy chú trăn nhỏ ông đang nuôi với giá cao, nhưng ông chưa gật đầu. Bởi cái tâm tính cẩn thận và cái nghề bác sĩ thú y, nếu có đồng ý thì ông sẽ đến tận nhà, xem địa thế của họ rồi hướng dẫn đăng ký nuôi động vật hoang dã, thiết kế chuồng, cách chăm sóc, phối giống... làm sao đảm bảo trăn về môi trường mới điều kiện sống phải tốt, phải khỏe và sinh trưởng.

“Ðiều trăn trở hiện nay chính là cần có chính sách khuyến khích, tiếp sức các vườn chim tư nhân bảo tồn các loài chim. Bởi thực tế, tỉnh đâu còn mấy vườn... Cần phải tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về lợi ích của chim trời để chung tay bảo vệ. Vườn chim phát triển hay việc nuôi, bảo tồn động vật hoang dã còn có thể gắn với phát triển du lịch sinh thái, kéo theo đó là rất nhiều dịch vụ để người dân hái ra tiền; nhất là cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Hai Cương bộc bạch./.

Phúc An - Lê Tuấn

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ban-tri-ky-cua-dong-vat-hoang-da-a30789.html