Bản Tuyên ngôn độc lập kết nối toàn dân

Khi quyết định mở đầu bản Tuyên ngôn bằng những trích dẫn từ các bản văn 1776 và 1789, ông Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sự tôn trọng Washington và Paris, mà quan trọng hơn là đặt Việt Nam ngang hàng trong dòng cách mạng thế giới nối tiếp nhau.

Nhiều người nước ngoài, trong đó có người Mỹ, đã nghiên cứu rất kỹ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bản tuyên ngôn độc lập mà Người đã đọc trước hàng vạn đồng bào ở Quảng trường Ba Đình sáng 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tạp chí Khám phá xin trân trọng giới thiệu một góc nhìn của tác giả David G.Marr, trích trong cuốn sách Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh do Chương trình Đông Nam Á thuộc Đại học Cornell (New York – Mỹ) phát hành năm 1995.

Hàng vạn đồng bào dự Lễ công bố Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945.

Cách tiếp cận Tây phương này được cho là ít khả năng sẽ làm khó chịu người nghe ở buổi mít-tinh ngày 2 tháng Chín hay những người đọc sau đó, bởi hai lí do. Thứ nhất, tiếng Việt đã trải qua những thay đổi quan trọng hồi thập niên 1920 và 1930, trong lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở nước ngoài. Đã có sự giảm dần những lối nói hoa mỹ, văn vẻ, những nhịp điệu và lối hoà âm, hiệp vần cũng ít được chú tâm hơn. Ở chừng mực nào đó những thuộc tính truyền thống này đã nhường lối cho tính chuẩn xác trong cách biểu đạt và cú pháp logic.

Chúng ta không biết ông Hồ Chí Minh có dịp đọc nhiều văn liệu tiếng Việt thời đó trong lúc sống ở Liên Xô và Trung Quốc hay không, nhưng ông đã có tương tác với những thanh niên lưu vong người Việt, và ông luôn nhạy bén khi sử dụng những sắc thái trong ngôn ngữ. Ngoài việc đó ra thì có lẽ tất cả chỉ là sự tình cờ khi có sự giao thoa giữa những trải nghiệm ngôn ngữ của ông Hồ Chí Minh khi ở nước ngoài với những đổi thay bên trong đất nước.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự lựa chọn thẳng thắn về từ ngữ. Ông không đưa ra những thuật ngữ lạ cũng như không lên giọng kẻ cả với người nghe. Phải thừa nhận là những từ như bình đẳng và lâm thời, hay ngay cả từ độc lập và tự do, tất cả đều không phải cách diễn đạt truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, những thuật ngữ này đã bắt đầu được giới trí thức sử dụng lác đác từ thập niên đầu tiên của thế kỉ 20, và cho đến thập niên 1940 thì đã rất thịnh hành.

Khi quyết định mở đầu bản Tuyên ngôn bằng những trích dẫn từ các bản văn 1776 và 1789, Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sự tôn trọng Washington và Paris, mà quan trọng hơn là đặt Việt Nam ngang hàng trong dòng cách mạng thế giới nối tiếp nhau. Mặc dù nếu đề cập đến cách mạng Bolshevik 1917 sẽ không thuận lợi về mặt chính trị, nhưng các thính giả là giới trí thức vẫn có thể tự mình rút ra kết luận.

Những đoạn dẫn từ văn bản 1776 và 1789 cho phép ông Hồ Chí Minh có được cơ sở triết học và tư cách luân lí về “các quyền tự nhiên” (của con người), hoàn toàn tương phản với tính dã man và chế độ nô lệ của thực dân Pháp.

“Quyền tự nhiên” chỉ được tranh luận công khai giữa những trí thức Việt từ cuối thập niên 1920, và ý tưởng này chưa bén rễ sâu. Chính ông Hồ Chí Minh cũng không theo đuổi chủ đề quyền tự do cá nhân ngoài những trích dẫn này, thay vào đó lại chuyển tức thì sang quyền tự nhiên dành cho các dân tộc.

Giả thuyết đặt ra ở đây có lẽ rằng những quyền tự do cá nhân cần được trì hoãn lại cho đến khi đất nước Việt Nam lớn mạnh và an toàn trước những mối đe doạ của nước ngoài.

Những người đọc bản Tuyên ngôn độc lập một cách cẩn trọng hẳn sẽ chú ý đến khác biệt tinh tế giữa những điều Hồ Chí Minh nói dành cho người trong nước so với những điều dành cho người nước ngoài.

Với người Việt, nền độc lập là một sự kiện đã xong xuôi, phải được bảo vệ hoàn toàn, không thoả hiệp. Đối với quân Đồng minh, bởi vì nền độc lập của Việt Nam tương ứng với những gì các lãnh đạo Đồng minh đã cam kết tại các hội nghị quốc tế, nên nó phải được công nhận.

Nhấn mạnh của ông Hồ Chí Minh về tính chất lâm thời của chính quyền không chỉ liên quan tới nhu cầu tổ chức bầu cử quốc gia và soạn thảo hiến pháp, mà nó thể hiện cho chính quyền các quốc gia khác biết rằng, ông sẵn sàng thương thảo những thoả thuận dài hạn.

Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong ngày 2/9/1945.

Hồ Chí Minh đã mời thiếu tá Patti xuất hiện trên khán đài ở buổi lễ Độc lập chính thức, nhưng Patti quyết định chọn cách tới cùng ba đồng đội OSS khác với tư cách người quan sát, họ tự chọn chỗ đứng giữa những chức sắc địa phương ở trước khán đài.

Trong khi lắng nghe người thông ngôn liên lạc của Việt Minh cung cấp phần dịch tại chỗ về diễn văn của ông Hồ, Patti quan sát phản ứng của đám đông, nhanh chóng kết luận rằng ông Hồ “đã chạm được tới họ”.

Khi được cung cấp bản Tuyên ngôn tiếng Việt sau đó vào buổi chiều, Patti đảm bảo rằng nó sẽ được dịch và truyền đi theo sóng radio tới Côn Minh. Qua sóng radio, Patti bổ sung vào những lí giải sống động của chính mình, ví dụ như mô tả bề ngoài ông Hồ Chí Minh là “trán cao, mớ râu tóc bị cơn gió nhẹ thổi phất phơ, và ông ấy có lối truyền tải mạnh mẽ đầy cảm xúc…”.

Dù tới thời điểm đó một số cấp trên hẳn đã nghĩ Patti đã “thành dân bản xứ” rồi, nhưng họ vẫn chuyển lại một cách chính xác những báo cáo của ông về cho giám đốc OSS tại Washington. Giám đốc OSS đã tóm lược lại chúng thành những bản báo cáo nội bộ ngắn để trình lên Ngoại trưởng, nhưng vì có quá nhiều thứ để đọc nên Ngoại trưởng Mỹ có thể đã hoàn toàn không hề để ý tới chúng.

Khám Phá

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/ho-so-su-kien/ban-tuyen-ngon-doc-lap-ket-noi-toan-dan-c51a569744.html