Bán vốn ở 10 "ông lớn", ngân sách có thể thu 150.000 tỉ đồng

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau khi bán hết số vốn nhà nước nằm ở 10 doanh nghiệp lớn theo kế hoạch đã phê duyệt của chính phủ bước đầu sẽ thu về cho ngân sách khoảng 150.000 tỉ đồng (tương đương 6,7 tỉ đô la Mỹ), theo báo cáo của HSBC.

Diễn biến tăng trưởng tín dụng nhanh gần đây gây ra lo ngại mới về lạm phát.

Báo cáo vừa phát hành về kinh tế vĩ mô Việt Nam hôm nay 30-9 của bộ phận nghiên cứu ngân hàng HSBC đã đề cập đến việc này như một nỗ lực của chính phủ nhằm đưa kinh tế Việt Nam đi đúng hướng.

SCIC được chỉ thị tiếp tục bán cổ phần của 10 doanh nghiệp Nhà nước (và các doanh nghiệp khác nữa) trong một nỗ lực thúc đẩy thị trường chứng khoán và thu hẹp thâm hụt ngân sách. Trong các công ty này đáng chú ý có Vinamilk - công ty niêm yết lớn nhất của Việt Nam, Tổng công ty Bia Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Habeco)…

Nhưng, tác giả báo cáo cho rằng thông tin nghèo nàn của các công ty này là một vấn đề lớn, cản trở đến tiến trình bán cổ phần nhà nước.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đang cân nhắc sử dụng "phương pháp dựng sổ" trong việc bán cổ phần Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước. “Phương pháp dựng sổ" là một quá trình theo đó giá bán tại một doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu IPO được xác định bởi một cuộc khảo sát của các nhà thầu tiềm năng.

Các tác giả nhận định, Việt Nam cố gắng đẩy nhanh quá trình bán các công ty nhà nước vì chính phủ cần tiền để kiểm soát thâm hụt ngân sách và giảm nợ công nặng nề. Trong nỗ lực thoái vốn lớn này, chính phủ cũng loại bỏ trần sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định.

Ở góc nhìn khác, với việc lĩnh vực sản xuất vẫn đang tạo dấu ấn, xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn đang phát triển, nguồn vốn FDI tiếp tục chảy đều đặn vào nền kinh tế, kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhìn chung vẫn đi đúng hướng mặc dù còn một số thách thức lớn.

Cũng theo báo cáo, còn một vài điều quan ngại bao trùm lên nền kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, lạm phát và áp lực giá cả ngày càng tăng. Việt Nam đặt ra mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2016 dưới 5%. Tháng 9 ghi nhận chỉ số lạm phát ở mức 3,3%. Tuy nhiên, lạm phát tăng vẫn là rủi ro tiềm ẩn trong bối cảnh thời tiết và các điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi có thể đẩy giá thực phẩm lên cao. Hơn nữa, giá xăng tăng trở lại cũng sẽ tác động đến nền kinh tế, châm ngòi cho lạm phát tăng.

“Các chi phí được quy định cho một số ngành dịch vụ quan trọng như giáo dục và y tế cũng có nhiều khả năng leo thang trong vài tháng tới. Tín dụng tăng trưởng mạnh cũng sẽ tạo thêm áp lực cho lạm phát. Chính vì vậy, cơ hội để nới lỏng tiền tệ thêm nữa sẽ bị giới hạn trong thời gian này”, trích từ báo cáo.

Thứ hai, chính sách tài khóa căng thẳng đang là khó khăn lớn. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thâm hụt ngân sách đến ngày 15-8-2016 đã ở khoảng 111.500 tỉ đồng, tương đương với khoảng 44% dự toán cả năm. Và áp lực về thâm hụt ngân sách có thể sẽ tăng trong những tháng còn lại khi đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ gia tăng. Mặt khác, nguồn thu ngân sách từ dầu thô và các DNNN đang giảm sút do giá nhiên liệu thấp và quá trình thoái vốn cổ phần của nhà nước trong các DNNN. Chưa hết, Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa quyết định tăng mức lương tối thiểu trung bình hàng tháng thêm 7,3% cho người lao động trên toàn quốc bắt đầu từ năm 2017. Mặc dù đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ năm 1997 và có vẻ là một sự thỏa hiệp giữa đề xuất tăng 5% của người sử dụng lao động và 11% của người lao động, nhưng mức tăng trung bình này vẫn còn cao hơn mức lạm phát hiện tại và vì vậy có thể sẽ thúc đẩy lần tăng giá thứ hai.

Song song với việc bán vốn trong các "ông lớn", Bộ Tài chính cũng cam kết cải thiện việc thu ngân sách trong những tháng còn lại của năm bằng cách thắt chặt quản lý thuế. Ví dụ như Bộ Tài chính đã áp mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt mới từ ngày 1-7-2016, trong đó đánh mức thuế cao hơn đối với ô tô sang trọng, điều này sẽ khiến doanh thu bán hàng của dòng thương hiệu xe hơi cao cấp tại Việt Nam giảm sút. Ngoài ra, trong một nỗ lực để kiềm chế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng và khuyến khích việc sử dụng các loại xe mới tiết kiệm năng lượng, một nghị định mới đã được ban hành yêu cầu các nhà kinh doanh ô tô phải trả cho Chính phủ thêm 1.500-2.000 đô la Mỹ tiền thuế để mang xe đã qua sử dụng vào Việt Nam.

Tháng 10-2015, Chính phủ đã có công văn số 1787/TTg-ĐMDN yêu cầu SCIC xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn mà nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn, gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (50,7% vốn nhà nước); Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (40,36% vốn nhà nước); Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (46,6% vốn nhà nước); Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (37,1% vốn nhà nước); Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (47,6% vốn nhà nước); Công ty Nhựa Bình Minh (29,6% vốn nhà nước); Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (45,1% vốn nhà nước); Công ty cổ phần FPT (6% vốn nhà nước); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (45,1% vốn nhà nước); Công ty viễn thông FPT (50,17% vốn nhà nước).

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152097/ban-von-o-10-ong-lon-ngan-sach-co-the-thu-150000-ti-dong.html/