Bảng Anh tăng mạnh nhất từ Brexit, chia tay là đúng

Thị trường tiền tệ của Anh dần ổn định trở lại sau cú sốc mất giá của đổng bảng cho thấy Brexit là sự chuyển mình cần thiết với nước Anh...

Theo thông tin mới nhất từ thị trường tài chính London, giá trị đồng bảng Anh (GBP) đã tăng vọt so với USD sau khi Thủ tướng Anh Theresa May cho biết những nhà làm luật của nước Anh sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận cuối cùng để rời khỏi khối thị trường chung châu Âu.

Đồng bảng có phiên tăng giá trị mạnh nhất kể từ khi người Anh chọn rời khỏi EU hồi tháng 6/2016.

Tính đến 1h30 chiều ngày 17/1 (theo giờ London), GBP tăng 2,3%, lên mức 1 GBP đổi 1,2318 USD, thậm chí có lúc chạm mốc 1 GBP đổi 1,2347 USD, theo Reuters.

Cho dù giá trị đổng bảng vẫn còn giảm tới hơn 17% kể từ cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, giới phân tích và các định chế tài chính quốc tế đã có nhiều nhận định tích cực về kinh tế Anh thời hậu Brexit.

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố ngày 16/1, IMF đánh giá sức cầu tại Vương quốc Anh sau cuộc trưng cầu ý dân đã tăng mạnh hơn so với dự báo và nhờ đó mà nền kinh tế Anh sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 1,5% trong năm 2017, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo ban đầu của tổ chức này.

Thị trường tiền tệ Anh đã trở lại với cơ chế điều tiết bình thường với thị trường tiền thệ thế giới sau Brexit

Nhờ đâu mà kinh tế Anh lại có những hiệu ứng tích cực như vậy? Phía sau việc tăng giá trị của đồng bảng là gì?

Chính phủ Anh đã có chính sách điều hành kinh tế vĩ mô chuẩn xác thời hậu Brexit

Vào ngày 24/6/2016, khi giá trị đồng bảng rơi xuống tới mức thấp nhất trong vòng 30 năm, sau khi Brexit trở thành hiện thực, đã có rất nhiều dự báo về một sự suy thoái của kinh tế nước Anh, thị trường tài chính Anh bị cho là sẽ có nhiều hỗn loạn sau cú sốc đó. Thực tế đó là sự thách thức với việc điều hành của chính phủ mới ở Anh thời hậu Brexit.

Sau khi cân nhắc, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0,25% vào tháng 8/2016 và đẩy mạnh việc mua trái phiếu chính phủ.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney cho rằng hành động của BoE đã góp phần ngăn chặn khả năng suy thoái với kinh tế Anh.

Diễn biến thực tế cho thấy đó là quyết định đúng lúc của BoE. Cần biết rằng cắt giảm lãi suất là biện pháp kinh tế - tài chính thường được các chính phủ đưa ra khi kinh tế suy thoái hay có dấu hiệu báo hiệu suy thoái sau những sự kiện lớn về kinh tế - chinh trị - xã hội hay theo chu kỳ phát triển kinh tế, hoặc bị tác động bởi hiệu ứng bất lợi lan truyền từ một thực thể nào đó.

Cắt giảm lãi suất sẽ tạo ra ba hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. Thứ nhất, dễ dàng huy động hay tập trung nguồn vốn xã hội cho phát triển kinh tế. Bởi lẽ lãi suất thấp khiến cho lãi tiết kiệm không còn hấp dẫn, vốn sẽ được ưu tiên cho hoạt động sản xuất – kinh doanh hay các hoạt động kinh tế dịch vụ khác để gia tăng lợi ích.

Thứ hai, kích thích đầu tư hay mở rộng sản xuất – kinh doanh, bởi lãi suất thấp khiến đầu vào của sản phẩm giảm nên làm tăng tỷ suất lợi nhuận, điều này khiến cho hoạt động kinh tế sôi động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, giảm rủi ro trong sản xuất - kinh doanh, bởi lãi suất giảm sẽ tăng độ an toàn cho hệ số vốn đầu tư : R = nợ vay + lãi vay/tổng vốn đầu tư + lợi nhuận.

Ba hiệu ứng tích cực đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa tăng trưởng và đảm bảo ổn định cho thị trường tiền tệ, mà cụ thể là sức mạnh đồng tiền quốc gia được giữ vững vì nền tảng giá trị của nó là tổng sản phẩm xã hội gia tăng về quy mô và sức mạnh. Điều đó cho thấy, việc cắt giảm lãi suất thời hậu Brexit là quyết định chuẩn xác, thể hiện sự quyết liệt của chính phủ Anh.

Quyết định chuẩn xác đó của Ngân hàng Trung ương Anh đã giúp cho kinh tế - tài chính của nước Anh nhanh chóng vượt qua những cú sốc do Brexit gây ra cho nước Anh. Quyết định của BoE đã giúp hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả bởi những cú sốc ấy với thị trường tiền tệ của nước Anh. BoE đã biến hiệu ứng sốc thành hiệu ứng của một sự xáo trộn có thể kiểm soát.

Brexit là sự chuyển mình cần thiết với nước Anh

Khi nước Anh chia rẽ, chính trường Anh xáo trộn, đồng bảng Anh mất giá, thị trường chứng khoán Anh mất điểm thì đã có rất nhiều phân tích, nhận định rằng người Anh phải trả giá cho quyết định sai lầm của mình, cựu Thủ tướng Cameron phải trả giá bằng cả sự nghiệp cho “nước cờ liều” của mình.

Tuy nhiên, cá nhân người viết vẫn luôn cho rằng, hậu quả của Brexit không khủng khiếp như người ta gán ghép cho nó. Brexit không phải là lựa chọn sai lầm của người đa số người dân nước Anh, cho dù cảm giác sau một đêm thức dậy thấy mình không còn là công dân EU đã khiến cho nhiều người dân Anh cảm thấy hụt hẫng nên có điểm rơi tâm trạng trăn trở, nuối tiếc.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/bang-anh-tang-manh-nhat-tu-brexit-chia-tay-la-dung-3327394/