Bảng lượng giác cổ nhất thế giới 3.700 tuổi được giải mã

Ngày 25-8, các chuyên gia khảo cổ Australia cho biết, họ đã giải mã được một bản khắc 3.700 tuổi tìm thấy tại một di tích của Babylon và cho rằng đó là bảng lượng giác cổ nhất và mang tính cách mạng vào thời đó.

Bản khắc này được các chuyên gia khảo cổ phát hiện vào đầu những năm 1900 tại một di tích của Babylon ở miền Nam Iraq. Thời điểm đó, người chịu trách nhiệm chính cho công trình nghiên cứu bản khắc này là nhà ngoại giao Edgar Banks.

Sau đó, các chuyên gia khảo cổ tới từ Đại học New South Wales đã tiếp nhận công trình nghiên cứu và tìm ra rằng, đây là một bảng lượng giác 3.700 năm tuổi và có tên là Plimpton 322.

Bảng lượng giác cổ nhất thế giới 3.700 năm tuổi có độ chính xác rất cao.

"Chúng tôi tin rằng bản khắc này có nguồn gốc từ thành cổ Sumer của Larsa từ năm 1822 đến 1762 TCN", đại diện nhóm khảo cổ cho biết.

Nghiên cứu của các nhà khảo cổ này cũng chỉ ra rằng Plimpton 322 mô tả kết cấu của tam giác vuông dựa vào tỷ lệ, chứ không phải bằng góc hay đường tròn. Bảng lượng giác có 4 cột và 15 hàng, trong đó 15 hàng này mô tả chuỗi 15 hình tam giác vuông đang giảm dần độ nghiêng.

Vào thời điểm đó, người Lưỡng Hà sử dụng bản khắc này là một công cụ tính toán để xây dựng các đền thờ, cung điện, kênh rạch hay một số công trình công cộng khác.

Hiện tại, bảng lượng giác này có thể đã lỗi thời nhưng các ứng dụng trên thực tế của nó trong khảo sát, đồ họa máy tính hay giáo dục vẫn giữ nguyên giá trị.

Trước đó, nhà thiên văn người Hy Lạp Hipparchus từ lâu đã được coi là cha đẻ của phép đo lượng giác. Tuy nhiên, bản khắc Plimpton 322 đã ra đời trước đó một thiên niên kỷ và được cho là có độ chính xác cao hơn.

Linh Đan

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cuoc-song-muon-mau-goc/bang-luong-giac-co-nhat-the-gioi-3-700-tuoi-duoc-giai-ma-455410/