Bằng sáng chế về giống đe dọa an ninh lương thực?

Đó là điều nghi ngại của các cá nhân và công ty tạo giống nhỏ trước xu hướng gia tăng nhanh chóng số bằng sáng chế trong lĩnh vực giống cây trồng.

Thậm chí cả các tính trạng như màu sắc, sự xoăn của lá... cũng được bảo hộ độc quyền, khiến không ai ngoài chủ sở hữu được phép sử dụng các cây có tính trạng đó để làm giống.

Số bằng sáng chế về giống tăng nhanh

Ông Frank Morton nghiên cứu giống rau diếp từ những năm 1980. Từ đó đến nay, công ty ông cung cấp 114 giống rau diếp, trong đó có Outredgeous - giống cây đầu tiên được các phi hành gia của NASA trồng và ăn trong không gian năm 2016.

Trong 20 năm đầu của sự nghiệp nghiên cứu giống cây trồng, ông Morton chỉ bị hạn chế bởi chính khả năng của bản thân. Tuy nhiên, đến đầu những năm 2000, ông nhận thấy mình không thể dùng nhiều loại rau để làm giống bởi chúng đã được cấp bằng sáng chế. Điều đáng nói là bằng sáng chế không chỉ được cấp cho các loại rau diếp mới tạo ra mà còn cho cả những đặc điểm tính trạng cụ thể của chúng như màu sắc, sự xoăn của lá, sức đề kháng đối với các loại bệnh...

Số bằng sáng chế như vậy tăng lên trong những năm gần đây và đang “xâm chiếm” hàng loạt cây nông sản, từ ngô đến càrốt. Đây là một xu thế khiến nông dân, các nhà môi trường và chuyên gia an ninh lương thực... quan ngại khi nghĩ về tương lai của ngành sản xuất lương thực.

Hiện công việc nghiên cứu rau diếp của Morton mất nhiều thời gian hơn. Ông luôn phải thận trọng để tránh bất cứ điều gì bị giới hạn bởi các bằng sở hữu trí tuệ. “Về cơ bản, đó là chuyện chúng ta phải tuân theo; nhưng nó đã phá vỡ truyền thống của việc nhân giống. Tôi nghĩ rằng đang có quá nhiều bằng sáng chế rau diếp và nếu họ lên tiếng, không ai có thể lai giống rau diếp mới vì tất cả các đặc điểm đều đã được đăng ký bản quyền” - ông Morton nói.

Claire Luby - Giám đốc điều hành của Tổ chức Sáng kiến hạt giống nguồn mở (OSSI), người có bằng tiến sỹ với luận án về sự biến đổi di truyền và sự sẵn có của càrốt - phát hiện ra rằng khoảng 1/3 số vật liệu giống càrốt đã được bảo hộ khiến nó trở nên không thể sử dụng hoặc gây khó khăn cho người gây giống. Bà Luby tin rằng các loại nông sản vốn được sản xuất và mua bán nhiều như ngô bị ảnh hưởng nặng nề hơn rau diếp hay càrốt.

Một nhà khoa học châu Âu đang nghiên cứu lai tạo cây chuối trong phòng thí nghiệm.
Ảnh: EurActiv.

Kích thích hay kìm hãm đổi mới sáng tạo?

Nhiều nhà tạo giống cho rằng khi vật liệu nhân giống cây trồng bị hạn chế bởi các quyền sở hữu trí tuệ, tương lai của việc cung cấp lương thực sẽ bị tổn thương vì nguồn gene bị thu hẹp. “Việc kiểm soát hạt giống và khả năng nhân giống mới là vấn đề thuộc cả về an ninh lương thực và môi trường. Chúng ta không có chủ quyền về lương thực cho đến khi chúng ta có chủ quyền về hạt giống” - Jack Kloppenburg - Đại học Wisconsin-Madison, thành viên hội đồng của OSSI - nói.

Các công ty lớn về hạt giống lại có lý lẽ khác. Carly Scaduto - người phát ngôn của Monsanto - cho biết họ nhận thức được tầm quan trọng của sự đa dạng di truyền và điều này rất quan trọng trong hoạt động của công ty. Tuy nhiên, đại diện Monsanto không cho rằng sở hữu trí tuệ ngăn chặn các nỗ lực nhân giống khác.

“Bằng sáng chế và sự bảo hộ các bằng sáng chế về giống truyền cảm hứng cho sự đổi mới sáng tạo. Về cơ bản, nó tạo ra một bản đồ cho phép bất cứ người nào thực hiện điều tương tự khi hết hạn bảo hộ. Đôi khi bằng sáng chế chính là chỉ dẫn để hướng người khác đi tới đích bằng các phương pháp khác. Bởi vậy, bảo hộ không phải là cản trở mà ngược lại, nó tạo điều kiện bằng cách đưa thêm nhiều tài liệu và bí quyết cho cộng đồng”.

Tuy nhiên, ông Morton cho rằng chờ 20 năm để bằng sáng chế hết hiệu lực không phải là cách khuyến khích đổi mới sáng tạo và chờ lâu như vậy để được phép tạo ra các loại cây trồng có thể thích nghi với môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu là khó có thể chấp nhận.

Theo Morton, nguồn gene luôn thuộc về cộng đồng và nó nên tiếp tục là một lợi ích chung. “Khái niệm về bằng sáng chế cho một đặc điểm tính trạng là có vấn đề. Không phải con người mà chính thực vật tạo ra nó, còn các nhà tạo giống vẫn chưa thể biết cách thức cây trồng làm điều đó như thế nào” - ông Morton nói.

Các nhà nhân giống cây trồng đang có xu thế liên kết với nhau chống lại điều họ coi là sự kiểm soát của các công ty lớn như Monsanto. Giải pháp của họ là cung cấp bản quyền hạt giống miễn phí cho các nhà tạo giống khác sử dụng. Các tổ chức nguồn mở về hạt giống như OSSI, Agrecol, Hivos... đã ra đời với mục đích đảm bảo rằng một số giống cây trồng và gene được miễn phí về sở hữu trí tuệ và sẵn sàng để cộng đồng gây giống vĩnh viễn.

Nhiều cá nhân, công ty thuộc các tổ chức này cam kết cho phép cộng đồng sử dụng những hạt giống mà họ sản xuất để lai tạo trong tương lai.

Lương Ngọc (Theo Greenbiz)

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/bang-sang-che-ve-giong-de-doa-an-ninh-luong-thuc/20170831024935985p1c160.htm