'Bangladesh mua tàu ngầm của Trung Quốc khiến Ấn Độ lo ngại'

Giới nghiên cứu Ấn Độ tỏ ra lo ngại trước việc nước láng giềng Bangladesh mua tàu ngầm quân sự của Trung Quốc dù Bangladesh không gặp mối đe dọa nào.

Vào ngày 14/11 Bangladesh mua của Trung Quốc 2 tàu ngầm chạy bằng điện và diesel, khiến nước láng giềng Ấn Độ quan ngại sâu sắc.

Đây sẽ là những chiếc tàu ngầm đầu tiên và duy nhất trong hải quân Bangladesh, được đưa vào hoạt động trong năm 2017.

Tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh: Trang Flickr của hải quân Mỹ.

Động thái trên tạo ra các nghi vấn bởi lẽ lãnh thổ Ấn Độ bao lấy Bangladesh ở 3 mặt và Bangladesh chỉ có một đoạn biên giới ngắn với Myanmar ở phía đông.

Trang tin Defense News đã phỏng vấn các chuyên gia về vấn đề này.

Sau khi các tranh chấp giữa Bangladesh với Ấn Độ và Myanmar được giải quyết tương ứng vào năm 2012 và 2014 thì Bangladesh không còn đưa ra yêu sách nào về lãnh thổ trên đất liền và trên biển.

Gurpreet Khurana, một đại tá hải quân Ấn Độ và là giám đốc điều hành của Quỹ Hàng hải Quốc gia nói rằng khó xác định được vì sao Bangladesh vốn không gặp bất cứ đe dọa thông thường nào về hàng hải và quân sự lại đưa tàu ngầm vào biên chế hải quân của họ.

Các tàu ngầm nói trên có năng lực chở ngư lôi và thủy lôi, mang bản chất vũ khí tiến công. Tuy nhiên, với một lực lượng hải quân quy mô nhỏ bé thì Bangladesh còn lâu mới có khả năng đương đầu với Ấn Độ trong hải chiến.

Theo các chuyên gia Ấn Độ, một cách giải thích khả dĩ là sự khiêu khích đối với an ninh hàng hải Ấn Độ.

Arun Prakash, một đô đốc nghỉ hưu của hải quân Ấn Độ phân tích: “Tàu ngầm là vũ khí tiến công chống tiếp cận trên biển. Tàu ngầm chỉ để tạo ra mối đe dọa nhằm vào Ấn Độ và làm phức tạp hóa cấu trúc an ninh hàng hải của nước này”.

Ông Prakash cũng tin rằng thương vụ mua tàu ngầm này là một bước trong chính sách dài lâu của Trung Quốc là bao vây Ấn Độ bằng các quốc gia bạn hàng của Trung Quốc và phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là các nhà sản xuất vũ khí lớn. Ấn Độ đang nỗ lực trở thành một trong các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, theo trang tin Bloomberg.

Do đó việc chiếm thị trường khu vực từ tay Ấn Độ, theo logic, sẽ là một hành vi cạnh tranh với Ấn Độ.

Bharat Karnad, một giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở ở Ấn Độ nói: “Đây là một thỏa thuận kinh tế tốt mà Dhaka không thể bỏ qua”.

Hải quân Bangladesh có lịch sử dài lâu mua vũ khí hải quân của Trung Quốc. Tuy nhiên việc mua tàu ngầm có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực – đây là nhận định của Swaran Singh, giáo sư ngoại giao và giải giáp tại Đại học Jawaharlal Nehru ở Ấn Độ.

Ông Singh nói: “Việc chuyển tàu ngầm [cho Bangladesh] có nghĩa là sự nâng cấp quan hệ quốc phòng [giữa Bangladesh và Trung Quốc]. Điều này sẽ góp phần làm cho Nam Á trở thành một khu vực có sức nóng cạnh tranh nhiều hơn, với sự hiện diện của các hệ thống vũ khí mới”.

Theo Denfense News, Ấn Độ sẽ phải nỗ lực để giành lại thị trường Bangladesh cho các nhà sản xuất vũ khí trong nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar hiện đang thăm Bangladesh để “nâng cấp hợp tác quốc phòng song phương”.

Hai nước Ấn Độ và Bangladesh không có tranh chấp lãnh thổ nhưng cũng chưa có một thỏa thuận về chia sẻ vùng biển

Probal Ghosh, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên – một tổ chức chuyên bàn luận về chính sách và chính trị ở Ấn Độ, nhận định: “Bangladesh là láng giềng của chúng tôi. Không thể coi nhẹ tầm quan trọng chiến lược của nước này dưới bất kỳ hình thức nào. Một số sự kiện như là việc Bangladehs mua tàu ngầm làm tăng đáng kể sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa 2 nước và cần có các bước đi mới để thu hẹp khoảng trống này và ngăn Bangladesh liên tục chơi lá bài Trung Quốc”./.

Trung Hiếu/VOV.VN Dịch từ Sputnik News

Nguồn VOV: http://vov.vn/quan-su-quoc-phong/bangladesh-mua-tau-ngam-cua-trung-quoc-khien-an-do-lo-ngai-572152.vov