Bánh mì và giữ gìn nguồn cội

'Top 100 sandwiches in the world', bánh mì kẹp Việt Nam đã vinh dự đứng đầu trong bảng xếp hạng 100 món bánh kẹp ngon nhất thế giới năm 2024 vừa được chuyên trang ẩm thực Taste Atlas bình chọn. Và những ngày vừa qua, hàng ngàn người trong nước và quốc tế vẫn chưa quên dư vị của Lễ hội bánh mì TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 được tổ chức từ ngày 18-5. Với nhiều người, đặc biệt là những ai quan tâm tới ẩm thực Việt, dư vị của lễ hội còn hơn cả những gì vị của bánh mì Việt Nam để lại.

Trong dòng chảy văn hóa tất cả dân tộc trên thế giới, văn hóa ẩm thực có vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi đó là một trong những di sản được hình thành, lưu giữ và truyền nối qua các thế hệ của mỗi tộc người. Ẩm thực thể hiện sự đặc sắc, ở góc độ nào đó còn là trình độ văn hóa của dân tộc, là nét đẹp cả về vật chất và tinh thần, là hồn cốt của mỗi dân tộc.

Bánh mì, mặc dù du nhập từ phương Tây nhưng qua thời gian đã trở thành món ăn quen thuộc của người Việt Nam hàng trăm năm qua. Ai từng một thời gian khó, hẳn không thể nào quên những chén cơm nguội, những mẩu bánh mì bụi bặm. Dù chiếc bánh mì, mẩu bánh mì không còn là hình hài ban đầu, có khi đã được vo tròn trong lòng bàn tay, nhưng đã trở thành một phần của cuộc sống với nhiều người, từng là thứ “chia ngọt sẻ bùi” rất quý giá, dù nó đã quá nhỏ để chia cho nhau.

Để rồi hôm nay, dù không còn gian khó nữa, nhiều người vẫn không thể nào quên hương vị bánh mì quen thuộc. Nhiều người đi ăn tiệc không thiếu món ăn cao cấp, đầy đủ dinh dưỡng, vẫn gọi hoặc đem theo những chiếc bánh mì dân dã. Với nhiều người, đó là văn hóa không quên nguồn cội, không quên gốc tích và không đánh mất bản sắc của mình. Đó cũng có khi cơ thể sinh học vốn quen với bánh mì thuần khiết có lợi cho sức khỏe…

Bánh mì cũng như hơn 3.000 món ăn đặc trưng của người Việt được cả nước và trên toàn thế giới biết đến. Đó là thực tế người Việt Nam nào cũng tự hào. Thế nhưng cũng còn một thực tế khác, mặc dù ẩm thực Việt Nam đặc sắc, riêng có và được đánh giá cao, nhưng vị thế trên bản đồ ẩm thực thế giới lại chưa tương xứng. Làm thế nào để ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia là điều được cơ quan chức năng và các tổ chức du lịch, ẩm thực cả nước quan tâm, nhưng cũng chưa có lời giải thỏa đáng.

Tại Bình Phước, nơi hội tụ và sinh sống của 41 dân tộc anh em, trong đó nhiều dân tộc bản địa có lịch sử cư trú lâu đời. Cùng với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, đặc sắc, ẩm thực Bình Phước cũng có những nét đặc trưng riêng có, phong phú.

Ví như lá nhíp, đọt mây, không chỉ là sản vật quý của núi rừng Bình Phước chế biến ra những món ăn ngon mà còn là nguyên liệu chính trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Hay canh thụt và cơm lam là bộ đôi hoàn hảo của ẩm thực Bình Phước.

Các dân tộc Bình Phước, gần như đồng bào nào cũng có những món ăn đặc trưng như thế. Sự đặc sắc ấy không phải nơi nào cũng có được. Và nâng tầm sự đặc sắc đó lên tầm quốc gia hay phổ biến trong bạn bè quốc tế, còn khó khăn, còn nhiều việc phải làm hơn.

Ngày nay, những bữa tiệc với các món ăn phổ thông hay cao cấp đã trở nên phổ biến. Thế nhưng được thưởng thức các món đơn sơ với nguyên liệu chế biến từ sản vật của núi rừng Bình Phước không dễ. Bánh mì kẹp của Việt Nam cũng vậy. Dù đã đứng đầu trong bảng xếp hạng 100 món bánh kẹp ngon nhất thế giới năm 2024, nhưng nếu không gìn giữ, phát huy được thương hiệu sẽ tự mình đánh mất đi danh hiệu cũng như nguồn cội vậy.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/157871/banh-mi-va-giu-gin-nguon-coi