Bánh Ngải - Đặc sản của người Tày

(VOV) - Từ Thủ đô Hà Nội, theo Quốc lộ 1A, bạn chỉ mất gần 3 giờ để tới huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Đến đây, bạn có thể hòa mình vào không khí nhộn nhịp của phiên chợ quê nằm bên dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng và đặc biệt thưởng thức món bánh ngải nổi tiếng ở vùng quê này

Bánh ngải có màu xanh, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày. Tuy nhiên, với sự khéo léo và thông minh của mình, người phụ nữ dân tộc Tày đã kết hợp gạo nếp với cây ngải cứu để tạo ra một loại bánh vừa thơm ngon, lại có khả năng chữa được nhiều bệnh. Làm bánh ngải không khó nhưng đòi hỏi lắm công phu. Công phu từ khâu chọn gạo, chọn đường, chọn ngải, đến khâu ra bánh. Bánh ngải kén gạo, không phải bất kỳ loại gạo nào cũng làm được bánh. Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn lúa nếp nương và không được lẫn gạo tẻ. Đường để chấm bánh cũng phải là đường phên (một loại đường thẻ, miếng to chừng bàn tay) có màu vàng, ngọt và không có sạn. Ngải cứu phải chọn lá non, tươi đem rửa thật sạch, cho vào nồi nấu chín rồi vắt thật cạn nước. Gạo làm bánh được ngâm từ tối hôm trước, vo, xóc kỹ đem trộn đều với lá ngải cứu (tỉ lệ 400g ngải cứu/1kg gạo nếp) rồi đồ thành xôi vừa độ dẻo, khi lên hơi phải tưới thêm một lần nước, có vậy đến khi giã bánh mới dẻo. Xôi đồ chín, phải giã ngay lúc còn nóng để bánh mềm, mịn và dẻo. Khâu giã bánh là nặng nhất, do vậy phải huy động tới những người đàn ông lực lưỡng trong nhà. Họ phải giã liên tục, đều tay trong vòng nửa giờ. Sau khi xôi được giã nhuyễn, các bà, các mẹ sẽ nhanh tay múc ra mâm để nặn bánh. Những chiếc bánh nóng hổi được phết một lớp mỡ để giữ độ bóng, dẻo, thơm và để chúng không dính vào nhau. Khâu tiếp theo đơn giản hơn một chút, nhưng cũng rất quan trọng đó là làm đồ ăn kèm cùng bánh. Đường phên được cạo nhỏ ra đem trộn với hạt kê đã được rang vừa thơm và giã nhỏ. Đây chính là bí quyết tạo ra hương vị riêng cho bánh của mỗi gia đình. Bánh ngải thuộc món bánh chay, tuy được làm từ gạo nếp nhưng rất dễ ăn, mát, không ngấy. Bánh có mùi thơm, dẻo của gạo nếp, vị của lá ngải, vị ngọt của đường và mùi thơm lừng của hạt kê hòa quyện vào nhau. Nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Ngoài ra, bánh ngải còn có khả năng chữa được một số bệnh vì lá cây ngải cứu (còn gọi là ngải diệp) có vị đắng, cay, tính hơi ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, cầm máu… Bánh ngải trước đây chỉ được làm trong các dịp mừng lúa mới hay các ngày lễ Tết của người Tày. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, bánh ngải đã được bày bán một cách rộng rãi tại chợ phiên trong huyện. Đến đây, nếu muốn bạn cũng có thể tự tay mình nặn ra những chiếc bánh xinh xắn để kỷ niệm một chuyến đi đầy thú vị./. Hoàng Văn Hương

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/banh-ngai--dac-san-cua-nguoi-tay/20109/153748.vov