Báo cáo Quốc hội việc xử lý 12 dự án thua lỗ

Bộ Công thương có trách nhiệm trình dự thảo báo cáo tình hình xử lý 12 dự án thua lỗ trước ngày 30/9.

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Dự án nghìn tỉ đắp chiếu. Ảnh: TTO

Tại buổi họp, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Quốc hội về tình hình xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương. Bộ này phải trình dự thảo báo cáo tới Chính phủ trước ngày 30/9.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương tìm giải pháp, xử lý tồn đọng, vướng mắc về hợp đồng EPC trong năm 2017. Trường hợp phức tạp cho gia hạn đến hết quý I/2018.

Ngân hàng nhà nước được giao nhiệm vụ tổng hợp tình hình vay vốn cũng như các vấn đề về tái cơ câu nợ của 12 dự án này để báo cáo Thủ tướng.

Về phía Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ đề xuất việc xử lý, cơ cấu lại các khoản nợ vay của 12 dự án tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, báo cáo Thủ tướng trước 30/9.

Trước đó, Bộ Công thương đã đưa ra 3 phương án xử lý 12 dự án thua lỗ.

Trong 12 dự án, có 6 nhà máy vận hành nhưng thua lỗ, gồm 4 nhà máy phân đạm, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Công ty Thép Việt-Trung.

Ba dự án, nhà máy dừng thi công là dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Ba nhà máy dừng hoạt động là Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhiên liệu sinh học Dung Quất và Sơ sợi Đình Vũ.

Trong số này, 10 nhà máy đang hoạt động hay dừng sản xuất có lỗ luỹ kế là 16.126 tỷ đồng (tại thời điểm cuối năm 2016) và vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.956 tỷ đồng, trong đó nhiều nhà máy âm vốn chủ sở hữu.

Sau thời điểm trên, chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp triển khai kết luận của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp yếu kém, chậm tiến độ ngành công thương.

Tại đây Phó Thủ tướng đã chỉ ra 2 bệnh chung của 12 dự án ngàn tỷ yếu kém.

Theo đó, bệnh chung thứ nhất là khi lập, phê duyệt dự án thì làm rất nhanh nhưng khi tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản rất trì trệ, vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 43% so với dự toán, nhiều dự án kéo dài tới giờ chưa xong, có nhà máy xong rồi nhưng không hoạt động được.

Bệnh thứ hai là khi lập phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh thì thông số đầu vào khả quan, chi phí sản xuất thấp và giá trị đầu ra cao nhưng khi vận hành thì thông số đầu vào cao còn giá trị đầu ra thì thấp.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường ở hai điểm là tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, nhà máy.

Xử 12 dự án yếu kém: Làm không xong thì thay thế

Kiên quyết xử lý sớm các vướng mắc pháp lý của các dự án. Ưu tiên bán dự án, nhà máy cho các nhà đầu tư ngoài Nhà nước, cho phép giải thể các dự án không có khả năng, thu hồi tối đa tài sản,...”.

Giá trị của các dự án này tương ứng với 3 tỷ USD, nay đang bị chôn vùi, không đóng góp được cho nền kinh tế nên cần phải được khơi thông càng nhanh càng tốt.

“Vẫn có hướng đi cho các dự án nếu chúng ta bắt tay vào việc theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ”, ông Vương Đình Huệ nói và đề nghị các bộ, nhất là các tập đoàn, tổng công ty liên quan phải xắn tay vào việc.

“Ai không làm và làm không xong thì phải thay thế”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bao-cao-quoc-hoi-viec-xu-ly-12-du-an-thua-lo-3343218/