Bao cao su và tình dục, vấn đề khó nói trong Olympic

Bên cạnh huy chương và những kỷ lục mới, tình dục luôn là vấn đề được truyền thông chú ý trong mỗi kỳ Thế vận hội Olympic.

Ngay từ trước khi lễ khai mạc Olympic Rio 2016 chính thức diễn ra thì Thế vận hội đã xác lập một kỷ lục mới: 450.000 chiếc bao cao su đã được phát tại ngôi làng vận động viên tại Rio de Janeiro.

Bên ngoài ngôi làng vận động viên của Olympic Rio 2016.

Năm 2016, có 10.500 vận động viên tham gia Thế vận hội Rio, điều đó có nghĩa là trung bình mỗi vận động viên sẽ được phát 42 chiếc bao cao su, thậm chí trước đó Australia, Anh và một vài quốc gia khác còn yêu cầu được cấp thêm bao cao su. Thế vận hội London từng được mệnh danh là “Thế vận hội đậm chất tình dục” nhất lịch sử với 150.000 bao cao su được phát ra, nhưng nay Olympic Rio 2016 đã soán ngôi vị này.

Trong lịch sử các kỳ Thế vận hội, vấn đề tình dục của các vận động viên và bao cao su đã khiến tốn khá nhiều giấy mực của báo chí, dù đây không phải là vấn đề quá mới mẻ.

Olympic Seoul năm 1988 đánh dấu lần đầu tiên bao cao su xuất hiện trong các kỳ thế vận hội. Ban tổ chức đã phát 8.500 chiếc bao cao su tới tận tay các vận động viên. Trong thời gian diễn ra giải đấu, rất nhiều chiếc bao cao su đã qua sử dụng được phát hiện nằm la liệt trên mái nhà khiến ban tổ chức phải ra lệnh cấm quan hệ tình dục nơi công cộng.

Bốn năm sau, tại Thế vận hội Barcelona năm 1992, số bao cao su được phát ra cao gấp 10 lần, tức 90.000 chiếc, nhưng con số này giảm xuống còn 15.000 chiếc tại Olympic Atlanta diễn ra ở Mỹ năm 1996. Còn trong Olympic Sydney 2000, ban tổ chức đã phải cấp thêm 20.000 chiếc bao cao su cho vận động viên, sau khi đã phát 70.000 chiếc trước đó. Và tại Olympic Athens 2004 ở Hy Lạp, 130.000 chiếc bao cao su đã được phát ra.

“Câu chuyện này luôn là đề tài thu hút giới truyền thông”, David Culbert, một cựu vận động viên Olympic và cũng là một bình luận viên của kênh Channel Seven nói.

Culbert cũng là một chuyên gia quan hệ công chúng và truyền thông tại công ty truyền thông Jump Media. Ông khá ngạc nhiên về quyết định của Ủy ban Olympic Australia khi cấp thêm khoảng 1.000 bao cao su vào “núi” cao su đã được chuẩn bị sẵn ở làng vận động viên, với tuyên bố rằng việc làm này nhằm tăng cường phòng chống virus Zika.

“Đó hoàn toàn là một chiến lược tiếp thị. Họ nói làm vậy để chống virus Zika. Làm ơn. Nhưng tôi hơi thất vọng vì bản thân là một người làm truyền thông mà không nghĩ ra được ý tưởng đó”.

Tuy nhiên, Culbert cho rằng những câu chuyện tình dục xuất hiện trong các kỳ Thế vận hội có phần bị nói quá.

“Tôi nghĩ rằng những câu chuyện đó có đôi phần không chính xác. Mặc dù tôi biết chắc là điều đó có tồn tại. Tôi chắc chắn là Fabio (vận động viên) sẽ quan tâm đến thành tích hơn là những chuyện họ trải qua tại Olympic, nhưng đối với nhiều người đó là những khoảnh khắc đáng nhớ trong sự nghiệp thể thao của họ”.

Trong khi nhiều vận động viên duy trì quan điểm rằng “những gì xảy ra ở trong làng thì chỉ nên giữ ở trong làng” thì số khác lại rất cởi mở, vui vẻ chia sẻ về những khoảnh khắc và trải nghiệm đã qua tại các kỳ Olympics.

Những chiếc bao cao su được phát miễn phí tại Olympic Rio.

Việc phát bao cao su tại các kỳ thế vận hội phản ánh một thực tế về chuyện tình dục của các vận động viên. Trong Thế vận hội Sochi 2014, việc sử dụng ứng dụng hẹn hò Tinder trong ngôi làng Olympic được vận động viên trượt ván tuyết người Mỹ Jamie Anderson mô tả là “lên một cấp độ cao hơn”. Có hơn 100.000 chiếc bao cao su được cung cấp ở đây. Anderson cho biết cô đã phải xóa tài khoản của mình vì nó “gây mất tập trung”. Và cô đã được đền đáp bằng một chiếc huy chương vàng.

Nếu Sochi được mệnh danh là Thế vận hội Tinder thì Olympic London lại thuộc về ứng dụng hẹn hò Grindr dành cho người đồng tính. Tờ Mirror (Anh) dẫn lời một “người dân London” cho biết ứng dụng này đã bị sập ngay sau khi các vận động viên tới đây. “Có thể do quá nhiều vận động viên truy cập để gặp đồng đội của mình hoặc là họ vào ứng dụng để tìm kiếm một người sống tại địa phương”, người này nói.

Có một vài vận động viên, đặc biệt là từ đội Mỹ, họ khá thoải mái khi nói chuyện về tình dục. Thủ môn đội bóng đá nữ Mỹ Hope Solo nói trên kênh truyền hình ESPN rằng cô đã thấy các vận động viên “quan hệ” ngay trong ngày khai mạc.

Nhìn chung, câu chuyện tình dục và bao cao su chưa bao giờ là vấn đề cũ tại các kỳ Olympic. Đây luôn là đề tài nhiều người quan tâm và cũng là sự thật có phần trần trụi đối với những người hâm mộ thể thao mỗi khi tới Thế vận hội.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bao-cao-su-va-tinh-duc-van-de-kho-noi-trong-olympic-a254076.html