Báo chí cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thể hiện, mô hình hoạt động

Tối 21-6, kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XI - năm 2016.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư chúc mừng các tác giả Báo SGGP đoạt giải Báo chí TPHCM lần thứ 35 Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm…

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết, sau 11 lần tổ chức, điểm nổi bật ở mùa giải năm nay là các tác phẩm có chất lượng khá đồng đều, không có sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Đặc biệt, trong nhóm thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in) và tin, phóng sự, ký sự (báo hình) đã xuất hiện nhiều tác phẩm từ các cơ quan báo chí địa phương được Hội đồng Giải báo chí quốc gia đánh giá tốt. Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI nhận được 1.637 tác phẩm báo chí từ 214 đơn vị và cá nhân. Hội đồng sơ khảo đã chọn 139 tác phẩm vào chấm chung khảo. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, tính chiến đấu cao, có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết quả chấm chung khảo, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã quyết định sẽ trao giải cho 95 tác phẩm. Trong đó có 7 giải A, 24 giải B, 39 giải C và 25 giải Khuyến khích.

Tác giả Ái Chân, Vân Anh, Hồng Hiệp (từ phải sang) giao lưu tại buổi lễ trao giải báo chí. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo cả nước, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo và nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao giải lần này.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, thời gian tới sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được đẩy mạnh; thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước sẽ ngày càng được nâng cao. Điều đó đặt ra cho báo chí nước nhà những yêu cầu, nhiệm vụ mới với trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Để báo chí nước nhà tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, Chủ tịch nước yêu cầu báo chí các cấp phải tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng hơn chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tham gia giám sát, phản biện xã hội; đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; đẩy mạnh việc phát hiện, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội; chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại những âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thể hiện, mô hình hoạt động, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm an toàn hệ thống và an ninh thông tin, bắt kịp xu thế của thế giới trong công nghệ làm báo.

Sáng 21-6, Hội Nhà báo TPHCM tổ chức lễ Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017) và trao giải báo chí TPHCM lần thứ 35, năm 2017.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP; Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP; các đồng chí nguyên lãnh đạo TP qua các thời kỳ; cùng các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực báo chí...

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thân Thị Thư gửi lời chúc mừng, động viên đến cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đồng chí khẳng định, trải qua chặng đường xây dựng và bảo vệ đất nước, nhiều thế hệ nhà báo đã dùng ngòi bút sắc bén phản ánh sinh động nhịp đập cuộc sống; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phản bác luận điệu sai trái… Báo chí TPHCM đã và đang lớn mạnh toàn diện, tập hợp đầy đủ loại hình báo chí, từ truyền thống đến hiện đại. TP tự hào về đội ngũ hơn 1.800 nhà báo đang từng bước hoàn thiện, phát triển về mọi mặt. Đồng chí Thân Thị Thư, cho rằng, những tác phẩm báo chí được vinh danh là minh chứng rõ nét nhất cho sự trưởng thành, vững vàng của những người làm báo. “Báo chí luôn nhận nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang. Trong thời gian tới, đội ngũ người làm báo cần chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng tuyên truyền, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội. Tác phẩm báo chí phải mang hơi thở cuộc sống, góp phần định hướng dư luận, hướng đến lợi ích nhân dân và đất nước. Đảng bộ và nhân dân TPHCM mong mỏi những người làm báo không ngừng trau dồi nghiệp vụ, bản lĩnh. Từ đó, lực lượng báo chí góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ TP”, đồng chí Thân Thị Thư nhấn mạnh.

Giải báo chí TPHCM lần thứ 35 với chủ đề “Đưa Nghị quyết Đảng đi vào cuộc sống” thu hút 20 cơ quan báo chí với 239 tác phẩm dự thi. Lần này, Hội Nhà báo TPHCM trao giải cho 70 tác phẩm thuộc 5 nhóm thể loại báo chí, gồm: 5 giải nhất, 12 giải nhì, 21 giải ba và 32 giải khuyến khích. Đại diện ban tổ chức, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Mã Diệu Cương, nhận xét: Tất cả tác phẩm dự giải luôn bám sát nội dung phản ánh, cổ vũ việc đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn; biểu dương nhân tố mới. Không chỉ vậy, không ít tác phẩm phản ánh trung thực cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí… Nhiều tác phẩm dự giải có sức lan tỏa rộng, tạo hiệu ứng xã hội và gây ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Nhìn chung, chất lượng tác phẩm dự thi năm nay tốt và đồng đều hơn những năm trước. Trong đó, nhóm thể loại chính luận và phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh có phần nổi trội với nhiều tác phẩm dự thi chất lượng cao.

Chiều 21-6, Hội Nhà báo TP Cần Thơ tổ chức buổi họp mặt với các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn, đồng thời tổng kết giải báo chí Phan Ngọc Hiển lần thứ XI năm 2016-2017. Theo đó, cuộc thi báo chí lần này có 160 tác phẩm của 66 tác giả và 47 nhóm tác giả. Các tác phẩm dự thi năm nay phản ánh đa dạng các mặt của đời sống xã hội, kinh tế, phát triển nông nghiệp ở Cần Thơ và ĐBSCL… Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba ở thể loại báo in; 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba ở thể loại báo hình; trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba ở thể loại báo nói, cho các tác giả đoạt giải.

Dịp này, TP Cần Thơ phát động cuộc thi báo chí Phan Ngọc Hiển năm 2017-2018, với chủ đề “Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế”.

Sáng cùng ngày, lãnh đạo Thành ủy TP Cần Thơ và các ngành chức năng của TP Cần Thơ đã đến thăm và chúc mừng VPĐD Báo SGGP tại ĐBSCL nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6). Lãnh đạo Thành ủy TP Cần Thơ đánh giá cao VPĐD Báo SGGP tại ĐBSCL đã có nhiều tin, bài tuyên truyền tích cực về các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ. TP Cần Thơ mong muốn Báo SGGP tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền nhiều hơn nữa trong thời gian tới, nhằm đưa những thông tin tích cực của Cần Thơ đến với các nhà đầu tư trong và nước…

Nhóm PV

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/bao-chi-can-tiep-tuc-doi-moi-noi-dung-phuong-thuc-the-hien-mo-hinh-hoat-dong-451457.html