Báo chí quốc tế đánh giá những nét mới trong Báo cáo quốc phòng (QDR) 2010 so với QDR 2006

(ĐCSVN) - Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức công bố Báo cáo Quốc phòng (QDR) 2010 (được thực hiện 4 năm một lần). Theo đó, Cục Đối ngoại Lục quân, trực thuộc Văn phòng Phó Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ phụ trách tình báo đã tổ chức cuộc họp công bố QDR 2010 và đánh giá về những nét mới trong QDR 2010 so với các QDR trước, nhất là với QDR 2006.

QPR 2010 đặt trọng tâm vào điều chỉnh các ưu tiên và nguồn lực đang ngày càng hạn hẹp nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cũng như chiến lược và định hướng cho quân đội Mỹ 20 năm tới trong môi trường chiến lược đang có nhiều thay đổi nhanh chóng và khó lường. Về môi trường chiến lược toàn cầu, QDR 2010 nhận định, tình hình chiến lược hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với đánh giá trong QDR 2006. Môi trường an ninh quốc tế đã trở nên phức tạp, bất ổn và diễn biến nhanh chóng; quyền lực ngày càng được phân bổ rộng hơn. Sự nổi lên của các thế lực mới, đặc biệt là Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân sức mạnh toàn cầu. Tuy vẫn là chủ thể mạnh nhất toàn cầu, những Mỹ phải dựa vào quan hệ với các đồng minh và đối tác chủ chốt mới có thể duy trì sự ổn định và hòa bình trên thế giới. Toàn cầu hóa đã đẩy nhanh hơn quá trình “san phẳng” thế giới, tạo điều kiện cho các chủ thể, tác nhân có được công nghệ tiên tiến và thông tin một cách nhanh chóng. Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tiếp tục hủy hoại an ninh quốc tế, làm phức tạp thêm các nỗ lực duy trì hòa bình và ngăn chặn chạy đua vũ trang. Ngoài ra, sự cạnh tranh tài nguyên và năng lượng, quá trình đô thị hóa ở các vùng duyên hải, tác động của biến đổi khí hậu, sự xuất hiện các dịch bệnh mới, căng thẳng văn hóa và sắc tộc ngày càng khiến môi trường an ninh thêm phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột. Về các mối đe dọa đối với nước Mỹ, QDR 2006 chủ yếu tập trung vào mối đe dọa chiến tranh thông thường trên quy mô lớn với Trung Quốc và nguy cơ nổ ra xung đột ở Eo biển Đài Loan. Trong khi đó, QDR 2010 xác định hai mối đe dọa lớn nhất với nước Mỹ hiện nay: (1) Mỹ đang trong thời chiến, phải tiến hành cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu (2) Các không gian chung (gồm vùng biển, không trung, vũ trụ và không gian mạng) gắn liền với lợi ích sống còn của Mỹ, đồng minh, đối tác và bạn bè của Mỹ cũng như của cả thế giới đang bị đe dọa, tranh chấp và thách thức bởi các thế lực mới nổi, nhất là Trung Quốc. Trong khi đó, an ninh quốc gia Mỹ phụ thuộc vào khả năng nhanh chóng triển khai lực lượng và thiết bị hậu cần trên phạm vi toàn cầu của quân đội Mỹ. QDR 2010 xác định, quân đội Mỹ phải có tiềm lực vượt trội để bảo vệ lợi ích của Mỹ trong các không gian chung và hệ thống quốc tế bao gồm các quan hệ đồng minh, đối tác và thể chế đa phương mà Mỹ đã tạo dựng và duy trì trong 60 năm qua. Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất có khả năng triển khai và duy trì hoạt động quy mô lớn trên phạm vi toàn cầu. Về mục tiêu, nhiệm vụ của quân đội Mỹ, QDR cho rằng, khác với 25 năm qua, Lầu năm góc không còn xây dựng Quân đội Mỹ để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và chiến thắng đồng thời hai cuộc chiến thông thường ở hai địa điểm khác nhau. Thay vào đó, Mỹ đang chuẩn bị đối phó với nhiều cuộc xung đột với các hình thái khác nhau. QDR 2010 xác định rõ Mỹ cần đạt được 4 mục tiêu sau: Thứ nhất, giành chiến thắng trong các cuộc chiến hiện nay ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu nhằm phá vỡ, đập tan và đánh bại lực lượng An Kê-đa; loại bỏ những nơi ẩn náu an toàn của chúng tại Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan và phá vỡ các mạng lưới khủng bố trên toàn cầu. Trong ngắn và trung hạn, Mỹ có kế hoạch duy trì một lực lượng đáng kể tại Áp-ga-ni-xtan; rút dần quân khỏi I-rắc nhưng tiếp tục nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ cho lực lượng an ninh I-rắc. Về trung hạn và dài hạn, Mỹ cần đáp ứng các yêu cầu tác chiến kéo dài ở Áp-ga-ni-xtan và một số nơi khác trên thế giới để đánh bại An Kê-đa và các mạng lưới của chúng. Thứ hai, ngăn chặn và răn đe xung đột: Mỹ sẽ sử dụng tổng hợp các công cụ ngoại giao, phát triển, quốc phòng, tình báo, thực thi luật pháp và kinh tế để phối hợp với các đồng minh, đối tác, bạn bè để duy trì và tăng cường ổn định trên thế giới và không gian lợi ích chung. Sức mạnh răn đe của Mỹ dựa trên tiềm lực của Hải, Lục, Không quân. Mỹ sẵn sàng đối phó với thách thức tổng lực của các nhóm nhà nước hay phi nhà nước. Sức mạnh của quân đội Mỹ sẽ được tăng cường bởi các tiềm lực mạng và vũ trụ, hệ thống tên lửa đạn đạo và chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, cơ sở hạ tầng hùng mạnh và lực lượng bố trí trên phạm vi toàn cầu. Các hoạt động ngăn chặn và răn đe xung đột của quân đội Mỹ sẽ tập trung vào đảm bảo phòng thủ chiều sâu cho nước Mỹ. Thứ ba, sẵn sàng đánh bại các kẻ thù và thành công trong mọi tình huống. Nếu răn đe thất bại và kẻ thù thách thức lợi ích của Mỹ bằng đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, quân đội Mỹ phải sẵn sàng đáp trả. Ngoài ra, Mỹ cũng cần sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống khẩn cấp từ ứng phó với thiên tai, đánh bại một cuộc xâm lược đến tái thiết các quốc gia bị đố vỡ. Hoạt động quân sự của Mỹ trong 8 năm qua chủ yếu đặt trọng tâm vào lực lượng trên bộ, nhưng trong tương lai, quân đội Mỹ cần chuẩn bị cho các chiến dịch trên không và trên biển kéo dài. Thứ tư, duy trì và tăng cường lực lượng. Nhằm đảm bảo duy trì tỷ lệ và nhịp độ triển khai quân cao đến các khu vực xung đột, Bộ Quốc phòng Mỹ đặt ưu tiên đầu tư và quan tâm cao nhất đến yếu tố con người tham gia chiến đấu cả về thể chất, tâm lý và tinh thần. QDR 2010 cân đối lại các nguồn lực, đặt ưu tiên hơn cho tác chiến chống khủng bố, chống bạo loạn, phi đối xứng và trong các tình huống khẩn cấp. Trước hết, QDR 2010 nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường các loại vũ khí cho các loại hình tác chiến trên không như máy bay không người lái (UAV), máy bay cường kích tầm xa và phương tiện ngầm dưới nước không người lái. QDR 2010 cũng yêu cầu tăng thêm các loại trực thăng cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan và I-rắc để di chuyển quân, vũ khí trang bị nhanh và an toàn hơn.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=390910&co_id=30127