Báo chí và các học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam

Trong các ngày qua, hàng loạt các hãng truyền thông, tờ báo lớn, chuyên gia quốc tế đã có nhiều bài viết về chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, trong đó khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam mà còn làm thay đổi cục diện thế giới, đồng thời cho rằng, thắng lợi đó được bắt nguồn từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bài viết mang tựa đề “Bản hùng ca bất diệt của thế kỷ XX”, đăng ngày 3/5 trên Tạp chí “Voces del periodista” – tiếng nói của những nhà báo Mexico, tác giả Mouris Salloum George và cũng là Tổng Biên tập của tạp chí trên nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên bước ngoặt quan trọng cho Cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở căn bản và quyết định cho việc đi đến ký kết Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng này cũng khẳng định sự trưởng thành ấn tượng, vượt bậc của QĐND Việt Nam, đồng thời tô điểm thêm cho truyền thống vẻ vang của lực lượng này: “Trung thành với Đảng và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội”, “Mọi nhiệm vụ đều hoàn thành, mọi khó khăn đều có thể vượt qua, mọi kẻ thù đều sẽ bị đánh bại”.

Bài báo của nhà báo Mouris Salloum George đăng trên Tạp chí “Voces del periodista” ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam.

Tác giả bài viết điểm lại rằng, ngày 13/3/1954, QĐND Việt Nam đã nổ phát súng đầu tiên vào cụm cứ điểm Him Lam - một trong những cụm cứ điểm đặc biệt quan trọng của thực dân Pháp tại Điện Biên, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. 55 ngày sau, vào hồi 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Để dành được chiến thắng chấn động địa cầu này, những người lính Việt Nam đã phải trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, “khoét núi ngủ hầm, cơm dầm mưa vắt, máu trộn bùn non”. Chiến thắng này cũng là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Dẫn lời Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, thú nhận trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”, Tổng Biên tập “Voces del periodista” nhấn mạnh, với cảm hứng mang tên Việt Nam, nhân dân nhiều nước thuộc địa, nhất là ở châu Phi và châu Mỹ Latinh đã đứng lên lật đổ chủ nghĩa thực dân, giành lại quyền làm chủ đất nước.

Trong khi đó, tờ Ámbito Internacional của Argentina có bài viết khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu thất bại tồi tệ nhất của chủ nghĩa thực dân, đồng thời nhận xét gần 70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần to lớn vào sự tiến bộ của nhân loại, đồng thời chứng minh một chân lý rằng các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi.

Tờ ReporteAsia (Argentina) thì nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến toàn dân, tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy cao độ tinh thần yêu nước để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Tờ báo cho biết, cách đây 70 năm, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân đội và nhân dân Việt Nam đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống quân Pháp tại đây; bắn rơi hàng chục máy bay, xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang và quân dụng của quân đội Pháp.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" phấp phới bay trên nóc hầm Tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bên cạnh tinh thần đại đoàn kết và những đóng góp sức người, sức của to lớn cho chiến dịch Điện Biên Phủ, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam còn được thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc. Dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của dân tộc Việt Nam đã được khơi dậy, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để chiến thắng kẻ thù.

Còn theo trang điện tử của tờ ABC Mundial (Argentina), chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam mà còn để lại dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử nhân loại. Theo tờ báo, tròn 70 năm trước đây, từ ngày 13/3-7/5/1954, quân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Tác giả bài viết khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng cho sự kháng chiến toàn diện của nhân dân Việt Nam. Từ kháng chiến trên chiến trường đến đấu tranh về chính trị, kinh tế, ngoại giao, mọi thành phần trong xã hội Việt Nam đều cùng nhau chung sức đánh đuổi quân xâm lược.

Về phía giới chuyên gia, học giả, Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, đánh giá, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên bước ngoặt trong cả cuộc chiến với kết quả là ký Hiệp định Geneva 1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam. Thành công về chiến thuật này đã dẫn đến thành công có tính chiến lược trong cả cuộc chiến. Điều đó cũng dẫn đến thành công trong ngoại giao là ký được Hiệp định Geneva. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam trở thành hình mẫu cho rất nhiều dân tộc còn bị áp bức trên thế giới, trở thành nguồn động viên và khích lệ đối với con đường giải phóng dân tộc của các nước. Giáo sư Vladimir Kolotov nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy rõ tính sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ý nghĩa một trận đánh, một chiến dịch trước hết nằm ở tính chính trị, chứ không chỉ ở góc độ chiến đấu đơn thuần.

Chia sẻ quan điểm này, Nhà ngoại giao Reda El Taify, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam giai đoạn 2010-2014, nhận định, chiến dịch Biện Biên Phủ một trong những trận đánh kéo dài và nổi tiếng nhất trong lịch sử, một trận đánh đã định hình ra tương lai đất nước Việt Nam, mở ra con đường đi đến độc lập cho Việt Nam, đồng thời đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Đông Dương với thất bại của thực dân Pháp và việc ký Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954. Có thể nói rằng chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh quan trọng hàng đầu trong lịch sử thế giới, được xếp ngang với các chiến dịch và trận đánh nổi tiếng trong lịch sử như trận Waterloo, trận Trân châu Cảng, chiến dịch Normandy…

Ông nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ có tác dụng cổ vũ, khích lệ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở cả châu Á, châu Phi và thậm chí Mỹ Latinh nữa. Các phong trào giải phóng đã học hỏi từ tấm gương Việt Nam để đấu tranh đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân tại châu Phi, châu Á cũng như tại nhiều quốc gia thuộc thế giới thứ 3 khác. Theo ông, chiến thắng Điện Biên Phủ có vai trò cổ vũ, khích lệ mạnh mẽ tới phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược ở nhiều nơi, mà điển hình là ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân Pháp ở Algeria, một trong những quốc gia thuộc thế giới Arab.

Về phần mình, Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud tại Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (Pháp) nhấn mạnh, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ chấm dứt cuộc kháng chiến kéo dài suốt 9 năm chống chủ nghĩa thực dân Pháp, sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam và các nước khác trên bán đảo Đông Dương, mà còn có tác động sâu sắc và làm thay đổi thế giới. Mối liên hệ chặt chẽ giữa chiến đấu và đàm phán khiến cuộc chiến Điện Biên Phủ trở thành một “cuộc chiến vì hòa bình”.

Nói về hiện tại và tương lai của Việt Nam và Pháp, ông nhấn mạnh, hai bên dũng cảm vượt qua những ký ức đau thương để xây dựng tình hữu nghị ngày càng tốt đẹp hơn. Bất chấp những khó khăn thực sự trong quan hệ song phương trong quá khứ, Pháp và Việt Nam vẫn đặt ra những cột mốc lâu dài trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và văn hóa, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu. Và các mối quan hệ song phương ở thời điểm hiện tại rất vững chắc và phong phú, đặc biệt là có sự tham gia của rất nhiều thành phần của cả hai bên.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/bao-chi-va-cac-hoc-gia-quoc-te-ca-ngoi-chien-thang-dien-bien-phu-cua-viet-nam-i730173/