Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng

Sáng 14-9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, phần đông các ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp các cam kết quốc tế. Luật Cạnh tranh sau 12 năm thi hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu quả thực thi, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn tình hình mới. Việc sửa đổi này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành như: thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường trong nước; thay đổi cách tiếp cận để kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh để phản ánh đúng bản chất và tác động của hành vi, phù hợp thông lệ quốc tế... Dự thảo luật gồm 121 điều, bố cục trong chín chương. So với luật hiện hành, dự thảo luật giữ nguyên sáu điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều, bãi bỏ 49 điều.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc hoàn thiện thể chế cạnh tranh không chỉ tăng cường tính minh bạch mà còn tránh tình trạng biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Việc mở rộng, bổ sung không được chồng chéo, mâu thuẫn với các điều luật khác đã ban hành; việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cả đối với các hành vi xác lập ngoài lãnh thổ Việt Nam thì cần có những cơ chế để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành. Tuy nhiên, để luật mang lại hiệu quả trong thực tiễn, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần báo cáo thêm về tính khả thi của quy định này trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ khác thì áp dụng theo quy định của pháp luật nào? Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về các hành vi cụ thể của các tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam. Các ý kiến của Ủy ban TVQH đề nghị tiếp tục rà soát để làm rõ hơn mối quan hệ giữa Luật Cạnh tranh và các luật khác có liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự, Luật Viễn thông, Luật Phí và Lệ phí, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng… bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

* Chiều qua, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng, phần lớn ý kiến của các đại biểu nhấn mạnh cần tăng cường phòng, chống các hoạt động của đối tượng phản động, chống đối, các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Dự thảo Luật An ninh mạng gồm bảy chương, 61 điều; trong đó quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ an ninh mạng, triển khai hoạt động bảo đảm an ninh mạng, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng, bảo đảm điều kiện triển khai công tác an ninh mạng...

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo luật phân tích sâu hơn thực trạng pháp luật quy định trong lĩnh vực an ninh mạng, làm rõ hơn sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng. Những vấn đề đã được quy định trong luật khác thì không cần quy định lại, tránh trùng lặp, chồng chéo. Nhiều quy định trong dự thảo luật liên quan quyền con người, quyền công dân, do đó dự thảo luật cần bám sát các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan. Những quy định về hạn chế quyền công dân, quyền con người thì phải quy định ngay trong luật này, chứ không để quy định ở các văn bản dưới luật...

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34093102-bao-dam-moi-truong-canh-tranh-lanh-manh-binh-dang.html