Báo động đỏ ở Bán đảo Triều Tiên

Những tuyên bố cứng rắn của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên hôm 20/5 về vụ đắm tàu Cheonan cách đây 2 tháng lập tức gây chấn động tình hình khu vực và đẩy bán đảo Triều Tiên đến bên bờ vực của một cuộc chiến.

Phản ứng giận dữ Kết luận điều tra công bố tại cuộc họp báo ngày 20/5 của nhóm điều tra liên hợp quân - dân sự gồm các chuyên gia Mỹ, Anh, Australia và Thụy Điển cho thấy đã có "đầy đủ chứng cứ" rằng tàu tuần tra Cheonan của Hàn Quốc bị đắm là do một quả ngư lôi của Triều Tiên. Ngày 24/5, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tuyên bố các biện pháp đáp trả Bình Nhưỡng, bao gồm việc ngay lập tức đình trệ các hoạt động thương mại của hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc với miền Bắc, cấm các tàu thương mại mang cờ Triều Tiên được đi qua các tuyến vận tải biển thuộc lãnh hải Hàn Quốc như quy định trong Thỏa thuận vận tải biển liên Triều. Seoul sẽ thay đổi chính sách an ninh, chuyển từ "tập trung vào quốc phòng" sang "chủ động răn đe" và "ngay lập tức tiến hành các biện pháp tự vệ nếu Triều Tiên có thêm các hành động khiêu khích và xâm phạm chủ quyền trên biển, trên bộ và trên không của Hàn Quốc". Ngoài ra, các khẩu hiệu và hệ thống loa phát thanh chống Triều Tiên, vốn bị dỡ bỏ sau năm 2004, cũng được Hàn Quốc dựng lại dọc đường ranh giới quân sự. Trên khía cạnh quốc tế, Hàn Quốc sẽ đưa vấn đề ra HĐBA LHQ để cộng đồng quốc tế có biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Đáp lại thái độ phản ứng mạnh mẽ của Hàn Quốc, phía Triều Tiên đã ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc của nước này, khẳng định không tấn công và đánh đắm tàu Cheonan, coi cáo buộc trên là thách thức nghiêm trọng có tính toán từ trước nhằm đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên đến chỗ nguy hiểm. Triều Tiên yêu cầu được cử nhóm chuyên gia đến Hàn Quốc để thẩm định kết quả điều tra, đồng thời cảnh báo nếu Seoul từ chối dỡ bỏ các khẩu hiệu và hệ thống loa phát thanh chống miền Bắc, lực lượng KPA (quân đội Triều Tiên) "sẽ bắt đầu bắn thẳng vào những mục tiêu này để phá hủy chúng". Trong khi đó, các bên liên quan cũng đã có những phản ứng ban đầu. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, vốn là cựu ngoại trưởng của Hàn Quốc, đã đề nghị HĐBA có hành động dứt khoát đối với hành động của Triều Tiên. Mỹ ngày 24/5 thông báo là quân đội nước này sẽ hỗ trợ hết sức cho Hàn Quốc đương đầu với một cuộc tấn công mới của Triều Tiên. Riêng Trung Quốc, nước có quyền phủ quyết trong HĐBA đến nay vẫn chưa công bố chính thức phản ứng của nước này đối với vụ việc. Bắc Kinh gọi vụ đắm tàu là thảm họa đáng tiếc, đồng thời cho biết đang xem xét kết quả điều tra của phía Hàn Quốc và kêu gọi các bên bình tĩnh. Giọt nước tràn ly? Sau cuộc chiến tranh 1950 - 1953 với kết quả là Hiệp định đình chiến, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt làm hai miền như hiện nay. Sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2000 giữa Chủ tịch Kim Jong-il và Tổng thống Kim Dae-jung, hợp tác giữa hai miền bắt đầu hình thành và tình hình giữa hai miền có xu hướng hòa dịu. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Lee Myung-bak lên nhậm chức năm 2008 với chính sách cứng rắn hơn, quan hệ hai miền gặp phải những sóng gió mới. Ông Lee chủ trương cứng rắn với Triều Tiên và đòi hỏi phải có những tiến triển trong quá trình giải giáp hạt nhân mới tiếp tục viện trợ và hợp tác kinh tế giữa hai miền. Tháng 11/2009, tàu chiến của Hàn Quốc và Triều Tiên đã nã đạn vào nhau ở ngoài khơi biển Hoàng Hải. Quan hệ hai miền càng trở nên căng thẳng hơn khi các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân vẫn đang bế tắc. Trong bối cảnh đó, vụ đắm tàu tuần dương hạm Cheonan giống như giọt nước tràn ly, đẩy quan hệ hai miền vào thế nguy hiểm hơn. Tình hình hiện nay khiến nhiều người lo ngại biển Hoàng Hải sẽ nổi cơn sóng lớn, chiến tranh sẽ nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Hiện Hàn Quốc và Mỹ đang đẩy mạnh việc bố trí lực lượng, tăng cường tập trận nhằm chuẩn bị cho tình hình xấu nhất có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, xét trong giai đoạn hiện nay, có thể thấy chiến tranh khó có thể nổ ra trên bán đảo Triều Tiên do Mỹ và Trung Quốc, hai nước có ảnh hưởng lớn nhất, cũng là hai đồng minh quan trọng của hai miền Triều Tiên, chắc chắn không muốn gây ra chiến tranh trong thời điểm này. Bài học đối đầu quân sự trực diện giữa Mỹ và Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn đó. Chỉ có điều, việc gây ra căng thẳng, tình trạng bên miệng hố chiến tranh như ở bán đảo Triều Tiên hiện nay chỉ có lợi cho một số thế lực mà thôi, trong khi người dân hai miền đang phải "sống trong sợ hãi". Hòa Bình

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ThoiSu/2010/5/0BE878D0C3ED598B/