'Báo động đỏ' sứ mệnh NATO trước sóng gió Đức- Thổ

Khác biệt với những xung đột trong quá khứ, căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước tình trạng báo động.

NATO đang khẩn trương tìm kiếm các biện pháp “hạ nhiệt”, tránh cho mối quan hệ đang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức, có thể tác động tiêu cực đến các chiến dịch của khối, bao gồm cả những nhiệm vụ chống khủng bố tại Trung Đông.

Mối đe dọa cho các sứ mệnh của NATO

Tờ Wall Street Journal nhận định, các chuyến bay giám sát của NATO xuất phát từ miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, có khả năng sẽ bị gián đoạn trong trường hợp các nhà lập pháp Đức không cho phép sử dụng nguồn nhân sự hiện đang đóng tại căn cứ không quân thuộc thành phố Konya.

Tháng trước, Berlin đã dừng những hoạt động của quân đội Đức tại căn cứ không quân Incirlik gần đó, và đưa binh lính của mình sang Jordan sau khi Ankara cấm một số chính trị gia Đức tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Các thành viên NATO khác, như Hà Lan, Mỹ và Áo đều đang có những trúc trắc “ít nhiều” trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một quan chức NATO, tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã liên hệ với các Ngoại trưởng của Thổ và Đức nhằm tìm kiếm một giải pháp cho những xung đột giữa hai quốc gia.

Hôm thứ hai (24/7), ông Piers Cazalet, phát ngôn viên của NATO cho biết, một số quan chức Đức sẽ có mặt trong phái đoàn của NATO, đến thăm căn cứ không quân Konya. Phía Thổ Nhĩ Kỳ chưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào.

Giới chức Đức tỏ ra khá hài lòng với sự dàn xếp trên. Henning Otte, một nhà lập pháp và chuyên gia quốc phòng nhận định: “Đây là cách duy nhất để nối lại quan hệ bình thường trong liên minh.”

Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những thành viên đầu tiên của NATO, đồng thời cũng là quốc gia có nền quân sự lớn thứ hai trong khối (chỉ sau Mỹ), từ lâu đã giữ một vai trò quan trọng, do sở hữu đường biên giới với Liên Xô và một lập trường chính trị cứng rắn. Ngày nay, vị trí tiếp giáp với Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong những quốc gia “tuyến đầu” trong cuộc chiến chống lại IS và các nhóm khủng bố khác.

Các nhà ngoại giao NATO muốn Đức tiếp tục hiện diện tại căn cứ Konya bởi vì, Đức đang cung cấp khoảng 1/3 số máy bay trong phi đội AWACS của NATO. Mặc dù không liên quan trực tiếp với cuộc chiến chống lại IS, nhưng NATO vẫn thực hiện nhiệm vụ giám sát và quản lý không lưu cho các lực lượng thành viên.

Xung đột ngày càng khác biệt so với quá khứ

Những tranh chấp giữa các quốc gia thành viên NATO - chủ yếu là về biên giới, đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, giới chức của NATO đánh giá, xung đột mới nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức có sự khác biệt. Ankara và các thành viên đang bị chia rẽ bởi những vấn đề cơ bản như nhân quyền, xác định tổ chức khủng bố và các quyết định liên quan đến cuộc chiến chống IS.

Theo NATO, tình huống hiện tại khá khẩn cấp. “Chúng ta không thể để sự bất đồng phá hủy những gì đã được tạo ra trong suốt những thập kỷ qua để bảo toàn an ninh,” Ngoại trưởng Lithuania Minister Linas Linkevičius kêu gọi. “Hãy ngồi xuống và nói chuyện.”

Những mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ trong nội khối đang bị xói mòn nghiêm trọng, kể từ vụ đảo chính thất bại vào năm ngoái quốc gia này Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện một cuộc thanh trừng ở quy mô lớn, liên đới đến một loạt các chính trị gia, nhà báo, học giả, và các nhà hoạt động nhân quyền đối lập.

Một số thành viên NATO tỏ ra không hài lòng với cách ông Erdogan củng cố quyền lực của mình. Đáp trả, Tổng thống Thổ cáo buộc NATO ủng hộ cho người Kurd và các nhóm khủng bố thù địch với chính quyền Ankara.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt phản đối việc các đồng minh châu Âu trao quyền tị nạn cho những cá nhân bị cáo buộc đã lập kế hoạch cuộc đảo chính và các cuộc biểu tình của người Kurd chống lại ông Erdogan; cũng như ủng hộ Đảng Công nhân Kurd (PKK) – một tổ chức đòi ly khai từng bị cả Thổ và NATO xếp vào danh sách các nhóm khủng bố.

Một số quốc gia, như Đức đã dẫn lý do tự do ngôn luận để cho phép tổ chức các cuộc biểu tình, cũng như hệ thống luật pháp không đảm bảo của Thổ Nhĩ Kỳ để từ chối trao trả các nghi phạm mà Ankara đòi hỏi.

“Chính phủ bao che cho những kẻ khủng bố đến từ Thổ Nhĩ Kỳ của Đức, phải chịu trách nhiệm cho điều này,” Tổng thống Erdogan phát biểu tại Istanbul hôm thứ Sáu (21/7). “Nước Đức cần phải cư xử một cách đúng mực.”

Ankara cũng giành nhiều chỉ trích cho Mỹ - một trong những đồng minh truyền thống của mình. Năm ngoái, một cố vấn của ông Erdogan đã đề xuất tạm dừng các chiến dịch của Mỹ từ căn cứ Incirlik, sau khi Washington hỗ trợ cho các lực lượng người Kurd nằm trong danh sách khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ, tại Syria.

Tình hình chính trị nội bộ tại một số quốc gia châu Âu cũng góp phần làm gia tăng những căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Đức sẽ tổ chức bầu cử quốc gia vào tháng Chín, và một tháng sau đó là Áo. Hồi tháng Năm, NATO từng hoãn các cuộc tập trận với tất cả các đối tác sau khi các chính trị gia Áo công khai chỉ trích chính sách của Tổng thống Erdogan. NATO đã đồng ý với yêu cầu của Ankara, tạm “đóng băng” mối quan hệ với Áo – vốn không phải là một thành viên của khối.

Cựu Phó thư ký NATO Alexander Vershbow phân tích, những xung đột mới nhất đặc biệt khó giải quyết bởi vì hầu hết trong số đó đều xuất phát từ nhận định của Tổng thống Erdogan rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị châu Âu “chối bỏ”. Ông Erdogan đã liên tục chỉ trích các đồng minh NATO không nhanh chóng lên án vụ đảo chính và có những hỗ trợ kịp thời cho Ankara.

“Mọi thứ đang bị cá nhân hóa,” ông Vershbow. “Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất với những xung đột trong quá khứ.”

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức đã nhanh chóng leo thang trong những tuần gần đây, sau khi Đức tuyên bố rút khỏi căn cứ Incirlik. Thổ cho phép các nhà lập pháp Đức thăm binh lính tại Konya, nhưng phản đối sự có mặt của những người bị Ankara cho là ủng hộ cho các nhóm khủng bố người Kurd. Trong khi đó, phía Đức tuyên bố, tất cả các chính trị gia đại diện cho tất cả các đảng phái, đều có quyền tham gia chuyến đi này.

(Theo The Wall Street Journal)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/bao-dong-do-su-menh-nato-truoc-song-gio-duc-tho-247759.html