Báo động tình trạng người Việt nhập cư trái phép trồng cần sa ở châu Âu

Người Việt nhập cư trái phép và những vườn cần sa trong nhà từ lâu đã không còn xa lạ với cảnh sát và nhân dân CH Séc, Ba Lan, Đức. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, các băng nhóm tội phạm ma túy gốc Việt lại bắt đầu chuyển địa bàn sang một số nước châu Âu khác như Pháp, Vương quốc Anh. Dù bị cảnh sát những nước này truy quét "ráo riết" nhưng có một điều lạ là trong rất nhiều các băng đảng trồng, sản xuất và tiêu thụ cần sa ở châu Âu, các băng đảng người Việt có một chỗ đứng “khá vững”.

Sở dĩ, sản phẩm cần sa do tội phạm người Việt chế biến tồn tại được trong "thị trường ma túy" ở châu Âu là vì số cần sa này có chứa thành phần THC (chất gây nghiện) vượt quá 20% trong khi vào những năm 60 của thế kỷ trước, trong cần sa chỉ chứa khoảng 5-7% chất THC. Để có được độ mạnh của cần sa như vậy, các băng nhóm tội phạm người Việt đã có khá nhiều năm nghiên cứu, làm biến đổi gien giống cần sa.

Tội phạm người Việt cũng đã nghiên cứu thành công phương pháp rút ngắn thời gian sinh trưởng của cần sa. Theo đó, chỉ cần 8-10 tuần là có thể thu hoạch được một lứa, một năm có thể thu hoạch 5-6 vụ. Do sản lượng cần sa thu được trong mỗi vụ rất cao nên tội phạm gốc Việt thường bán "hàng" với giá rẻ hơn nhiều so với giá của các băng đảng tội phạm khác ở châu Âu.

Bên cạnh đó, cần sa của người Việt thường được trồng theo một chu trình rất khép kín, nghiêm ngặt nên ít bị phát hiện hơn các băng nhóm bản địa. Trước tiên, để có được địa điểm trồng cần sa thích hợp, họ "đội lốt" là đại diện cho một công ty châu Á lớn nào đó, rồi thông qua các hãng môi giới bất động sản tìm diện tích thuê ưng ý, thường là những khu đất, nhà ở vùng ven thành phố, ít bị để ý và có tính bất ngờ.

Một vườn cần sa của tội phạm người Việt được cảnh sát Ba Lan phát hiện vào cuối tháng 12/2010.

Khi đã thuê xong, ngay lập tức tòa nhà thuê được cải tạo thành vườn cần sa với hệ thống sưởi đặc biệt, hệ thống tưới cây tự động, quạt gió, hệ thống camera quan sát, hệ thống tường cách nhiệt và chất kích thích tăng trưởng... Sau đó, "nhà nông" mới được đưa đến để trông vườn.

Thường có 2 người trông coi một vườn và đa số họ được các băng nhóm tội phạm tổ chức cho nhập cư trái phép vào châu Âu. Những người này chỉ có trách nhiệm trông coi vườn, làm một số việc được giao, không được ra ngoài và tất cả đều không biết gì về thứ cây "nông nghiệp" họ đang chăm sóc. Vì cứ sau một thời gian ngắn là những băng nhóm này lại thay đổi người coi vườn một lần. Khi cần sa đến lúc thu hoạch thì sẽ xuất hiện một nhóm tội phạm khác đến thu gom và chuyển sang các nước phương Tây tiêu thụ.

Hệ thống tưới nước, hệ thống sưởi tự động được trang bị để trồng cần sa.

Một nguyên nhân khác "giúp" những băng nhóm này "trụ" được ở "thị trường ma túy" châu Âu chính là nhờ cách cư xử khá "biết điều" của chúng với các băng nhóm bản địa. Tội phạm gốc Việt mỗi năm sản xuất khoảng vài tấn cần sa nhưng chúng không bao giờ bán sản phẩm ở đất nước chúng trồng. Toàn bộ sản phẩm cần sa sau khi thu hoạch sẽ được chuyển ra nước ngoài và từ đó mới phân phát đi các nơi khác để tiêu thụ...

Nước đầu tiên phát hiện những vườn cần sa của người Việt ở châu Âu có lẽ là CH Séc. Tại Séc, tội phạm người Việt đã "thiết lập" một mạng lưới trồng cần sa gốc Ấn Độ rất hiệu quả. Chỉ trong năm 2009 đã có đến 100 vườn cần sa bí mật được phát hiện. Sau đó, do bị cảnh sát truy lùng liên tục nên chúng bắt đầu chuyển từ Séc sang Ba Lan, Hungary.

Những vườn cần sa của người Việt bắt đầu xuất hiện ở Anh từ đầu những năm 2000 với các công nghệ canh tác hiện đại hơn trước. Có lẽ cũng vì thế mà tình trạng trồng, chế biến và tiêu thụ cần sa của tội phạm gốc Việt ở nước này được giới chức trách đánh giá là phát triển nhanh và mạnh hơn so với các địa bàn trước đó. Đáng lo ngại hơn, thực trạng tội phạm ma túy gốc Việt tại Anh lại là nguyên nhân kéo theo sự gia tăng chóng mặt của làn sóng nhập cư lậu đến từ Việt Nam.

Còn theo nhận định của Văn phòng điều tra Trung ương Ba Lan (CBZ ), tệ nạn trồng, chế biến cần sa của các băng nhóm tội phạm gốc Việt bắt đầu xuất hiện ở quốc gia này khoảng hơn 2 năm nay. Trong quãng thời gian này, CBZ đã tấn công, triệt phá 62 địa điểm trồng cần sa quy mô lớn với những trang thiết bị hiện đại (trong đó có gần 50 vườn do người Việt đầu tư, cai quản).

Bị truy quét mạnh ở các nước Đông Âu, các băng đảng trồng cần sa người Việt đang dần chuyển địa bàn sang Tây Âu, đặc biệt là Anh và Pháp.

Hiện nay, việc trồng cần sa của các băng nhóm tội phạm đang có xu hướng phát triển thành quy mô công nghiệp hóa. Như một bệnh dịch khó kiểm soát, bị dập ở nơi này thì lại bùng phát ở nơi khác, vì thế, các băng đảng trồng cần sa và những người Việt nhập cư bất hợp pháp đang nằm trong tầm ngắm của cả châu Âu

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosointepol/2013/8/81179.cand