Báo động tình trạng 'thả nổi' các chương trình truyền hình thực tế

Việc các gameshow (chương trình truyền hình thực tế) chiếm sóng ồ ạt trên truyền hình như hiện nay kèm theo đó là không ít những sự cố phản cảm, những tiếng cười vô duyên, những chiêu trò nhăng nhít… đã khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý, giám sát nội dung, chất lượng các chương trình truyền hình thực tế (THTT) của những đơn vị, cá nhân tham gia thực hiện.

Nhảm và nhạt

Thời gian qua, sự việc một ca sĩ trẻ xúc phạm một nghệ sĩ tiền bối thuộc hàng cha chú trong gameshow Siêu sao đoán chữ giống như giọt nước tràn ly khiến người xem đồng loạt phản ứng trước thực trạng thiếu kiểm soát tại không ít chương trình THTT. Dư luận bức xúc lên án gay gắt hành vi thiếu tôn trọng của ca sĩ nọ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hành vi đáng buồn đó có lẽ đã không xảy ra nếu đây là một gameshow có tính nghiêm túc cần thiết. Thử hỏi, với những tình huống tào lao nhăng nhít yêu cầu người chơi phải điền từ vào chỗ trống kiểu như: "Một tên cướp nhà băng lạ lùng nhất thế giới thay vì trùm vớ lên đầu thì hắn ta lại trùm… lên đầu" hay "Khi tôi còn bé, thậm chí con chó cũng ghét tôi. Cách duy nhất để con chó đến gần tôi là tôi phải ăn mặc như một con…" thì làm sao có được những đáp án tử tế? Trên cơ sở một gameshow chất lượng kém, làm sao có được những phiên bản sạch sẽ, văn minh? Bởi, xét cho cùng, không chỉ nghệ sĩ bậc cha chú kia và ca sĩ trẻ nọ cũng là nạn nhân của thứ gameshow nhảm nhí đang tràn lan trên màn ảnh nhỏ.

Không khó để điểm mặt hàng loạt những chương trình THTT phát sóng gần đây đang lấy yếu tố nhảm, tục, thô làm tiêu chí hút khách. Khoảng 30 gameshow truyền hình có yếu tố hài được ưu ái xuất hiện trong khung giờ "vàng" nhưng phần lớn chỉ mang đến cái cười nhạt nhẽo theo kiểu "cù cười" cơ học bằng những lời thoại bốp chát bỗ bã, những tình huống cợt nhả dung tục. Trong chương trình Chết cười, khán giả thường xuyên phải chịu đựng những cách nói ám chỉ đầy thô tục… Hay trong Bí mật đêm chủ nhật, những động tác sờ soạng, áp sát hết sức nhạy cảm kèm theo những lời thoại lả lơi giữa hai diễn viên Hồng Đào, Vân Sơn cũng nhiều lần khiến người xem đỏ mặt; màn uốn éo, ôm hôn một nam diễn viên khác của ca sĩ khách mời Long Nhật cũng không khỏi làm nhiều người nổi da gà… Màn giả gái tưởng chừng đã cũ thì liên tiếp được khai thác một cách lạm dụng đến lố lăng trong gameshow Tuyệt chiêu siêu diễn. Trong khi đó, ở chương trình Lớp học vui nhộn, những kỷ niệm, câu chuyện đáng yêu tuổi học trò chẳng thấy đâu; chỉ thấy những ngôi sao tuổi teen thay nhau uốn éo và sử dụng những ngôn từ nhí nhố để gây cười một cách gượng gạo. Hay nhiều người xem đã bất bình khi Trấn Thành nói Hương Giang Idol "toàn mùi silicon" trong gameshow Kỳ tài thách đấu. Và chuyện tình yêu của các cặp đôi Trấn Thành - Hari Won hay Trường Giang - Nhã Phương được trao đi đổi lại nhiều lần nhằm gây cười trong Đấu trường tiếu lâm cũng từng khiến nhiều khán giả lên mạng phản ứng…

Thay vì chú trọng yếu tố chuyên môn hay thực lực người chơi, các chương trình THTT tìm kiếm tài năng hiện nay còn thường xuyên lôi yếu tố đời tư của thí sinh ra khai thác để thu hút người xem. Đáng chú ý phải kể đến Tình bolero hoan ca với việc sở hữu những câu chuyện "thâm cung bí sử" gây chú ý nhất. Nào chuyện một thời tuổi trẻ ăn chơi của Hà My được phơi bày từ mâu thuẫn cậu cháu với danh ca Thái Châu, nào chuyện cô úp mở chuyện tình nồng thắm thuở đôi mươi với danh hài nổi tiếng, rồi chuyện đời nhiều đau buồn của ca sĩ Yến Xuân… Trong khi đó, chương trình Trời sinh một cặp liên tiếp có những màn tâm sự ngoài lề của các "sao", nhất là câu chuyện của thí sinh Lệ Thi với tiết lộ là người con bị bỏ rơi của một nam danh ca hải ngoại nổi tiếng… Rõ ràng, nhu cầu được gần gũi, chia sẻ với công chúng những góc khuất của cuộc đời người xuất hiện trong chương trình là bình thường. Các chương trình THTT hoàn toàn có thể khéo léo khai thác những câu chuyện đó để mang đến xúc cảm thiêng liêng cho người xem về sự hy sinh cho lao động nghệ thuật hay những trân quý trong tình cảm giữa người với người. Có điều, chuyện đời tư lùm xùm, những phát ngôn dở tệ mới đang là chất liệu để gameshow hiện nay khai thác. Đáng nói hơn, có những câu chuyện đời tư lấy đi nhiều nước mắt của khán giả nhưng rồi bị phanh phui sự thật phía sau không như thế. Điều này khiến khán giả ngày càng mất niềm tin vào THTT và nguy hiểm hơn là mất niềm tin vào những giá trị nhân văn mà chương trình cố tạo dựng.

Trước thực trạng các chương trình THTT bùng nổ theo chiều hướng nhảm và loạn như hiện nay, nhiều người xem không khỏi lo lắng những sản phẩm mượn danh văn hóa phát sóng rộng rãi trên truyền hình sẽ tác động xấu tới nhận thức của một bộ phận công chúng, nhất là những người trẻ. Bởi tiếng cười dễ dãi dễ kéo thấp năng lực cảm thụ nghệ thuật của giới trẻ, dễ khiến họ ngộ nhận về những thứ gọi là nghệ thuật. Đồng thời, những chiêu trò phản cảm, những lời lẽ thô thiển, tục tĩu cũng dễ tạo nên những tác động tiêu cực tới nhận thức, hành động của họ trong cuộc sống.

Vì đâu nên nỗi?

Thực tế, thời gian qua, nhiều gameshow phát sóng quá lố đã vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận. Khán giả thậm chí từng đòi dừng phát sóng chương trình Người giấu mặt vì màn cởi đồ đọ cân phản cảm của một nữ thí sinh. Chương trình Đố ai hát được cách đây không lâu cũng đã buộc phải ngừng phát sóng vì những màn tra tấn người chơi với trăn, rắn, chuột… Song có vẻ sau nhiều làn sóng phản đối, các gameshow vẫn bùng nổ với nhiều yếu tố nhảm nhí không có xu hướng dừng lại. Điều này không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai?

Nhiều nghệ sĩ bức xúc chia sẻ: Hiện nay, mỗi tác phẩm sân khấu muốn ra mắt công chúng của nhà hát/đơn vị mình đều phải qua sự kiểm duyệt nội dung, nghệ thuật gắt gao của sở văn hóa các tỉnh hoặc cơ quan quản lý nghệ thuật biểu diễn. Vậy tại sao những chương trình THTT phát sóng cho cả nước xem lại không được kiểm duyệt nội dung kỹ càng. Hơn nữa, hầu hết các gameshow đều không phải trực tiếp. Vậy lý do gì một chương trình thực hiện vài tiếng đồng hồ khi được biên tập thành vài chục phút vẫn lọt sạn? Việc nhà sản xuất tìm mọi cách, kể cả việc lợi dụng những chiêu trò, yếu tố nhảm, nhạt để nâng cao hiệu suất khán giả theo dõi, hút nhiều quảng cáo nhằm bảo đảm bài toán lợi nhuận cũng là điều không khó lý giải. Tuy nhiên, nếu công tác kiểm duyệt, giám sát nội dung, chất lượng chương trình trước khi phát sóng được thực hiện nghiêm túc, có lẽ đã không có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra. Do đó, bên cạnh ý thức của nhà sản xuất và người chơi, cần khẳng định trách nhiệm hàng đầu thuộc về đơn vị phát sóng - người làm nhiệm vụ gác cổng. Các gameshow ở nước ta hiện nay phần lớn được mua bản quyền từ những gameshow đình đám đã được kiểm nghiệm độ thành công từ nước ngoài. Tuy nhiên, cần thấy rằng truyền hình phương Tây chủ yếu do tư nhân sở hữu. Người dân phải trả tiền và hưởng thụ từng sản phẩm truyền hình theo nhu cầu của họ, còn ở nước ta, truyền hình được phát để phục vụ số đông công chúng ở nhiều tầng lớp, độ tuổi. Vì thế, nội dung phát sóng, nhất là ở những chương trình văn hóa giải trí thì yếu tố giáo dục và giá trị nhân văn càng phải đặt lên hàng đầu. Việc liên kết với các nhà sản xuất để tổ chức chương trình là xu hướng chung của truyền hình thế giới nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu suất chương trình. Song điều đó không có nghĩa thả nổi để nhà sản xuất tự quyết định nội dung, chất lượng sản phẩm. Cách làm kiểu "bán tháo" này chính là kẽ hở để các nhà sản xuất tìm mọi cách "câu" khán giả bất chấp chiêu trò và đạo đức nghề nghiệp. Do đó, theo các chuyên gia văn hóa, để loại bỏ rác trong môi trường gameshow giải trí tại nước ta hiện nay, trước tiên, các nhà quản lý và đơn vị phát sóng cần thật sự sát sao trong công tác kiểm duyệt nội dung trước khi trình chiếu. Cách làm việc nghiêm túc, thẳng tay loại bỏ những chương trình nhảm, những yếu tố phi văn hóa sẽ khiến bản thân những nhà sản xuất buộc phải xây dựng những chương trình giải trí hấp dẫn một cách đúng nghĩa.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh còn nhiều bất cập của THTT, các nghệ sĩ khi tham gia cũng phải thật tỉnh táo để giữ mình, cũng để giữ tự trọng với nghề. Và trước mắt, khán giả-thành phần quan trọng quyết định sự sống còn của một gameshow cần trang bị cho mình khả năng tự vệ văn hóa để kịch liệt lên án, tẩy chay những chương trình nhảm nhí, vô bổ. Được biết, từ ngày 5-5-2017, Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo. Theo đó, ngoài việc nâng mức nộp phạt, Nghị định còn bổ sung hình phạt "Đình chỉ hoạt động của 12 tháng đối với người biểu diễn tái phạm hành vi biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp truyền thống văn hóa Việt Nam". Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nếu có vi phạm sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của Thanh tra văn hóa. Trên môi trường mạng hay các chương trình phát sóng trên truyền hình nếu có vi phạm sẽ do thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý, vì thế nhà đài cũng cần rốt ráo, quyết liệt trong việc bảo đảm nội dung chương trình.

Những quy định này đang được kỳ vọng sẽ góp phần giảm những hành vi phản cảm trong môi trường biểu diễn nghệ thuật nói chung, trong đó có cả những chương trình THTT.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/33212602-bao-dong-tinh-trang-tha-noi-cac-chuong-trinh-truyen-hinh-thuc-te.html