Bão giật cấp 15 sắp đổ bộ: Đê miền Trung chỉ chịu được bão cấp 8-10

Trong khi cơn bão số 10 được cảnh báo sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh miền Trung với cường độ lên đến cấp 12-13, giật cấp 15-16 thì hệ thống đê điều chỉ chịu được bão cấp 8 đến cấp 10. Trong khi đó, phần lớn các hồ chứa đã đạt dung tích 90%...

Bão số 10 hình thành từ ATNĐ ở phía Đông Philipin, đổ bộ vào Biển Đông ngày 12/9 và dự kiến đổ bộ đất liền vào trưa, chiều ngày mai (15/9) thuộc địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị.

Điều đáng lo ngại hơn khi vào thời điểm đó, thủy triều đang ở mức cao trong ngày từ 2,2-2,6m theo cao độ hải đồ tại Cửa Hội. Dự báo, mức nước dâng do bão khoảng 2m. Riêng cánh phía Bắc từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, mực nước dâng có thể lớn hơn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đây là cơn bão rất mạnh kèm theo mưa lớn, từ hôm nay 14/9 đến hết ngày 16/9, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm).

Lần đầu tiên sau nhiều năm, cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ khu vực Nghệ An đến Quảng Trị được đưa ra ở cấp 4 và cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ các khu vực khác: cấp 3 (cấp 5 là mức thảm họa).

Hình ảnh dự báo đường đi và tầm ảnh hưởng của bão số 10

Tại cuộc họp khẩn về công tác phòng chống bão diễn ra sáng nay (14/9), báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, tính đến 6h00 sáng nay, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.547 tàu/287.359 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Trong đó, số tàu thuyền còn hoạt động trong khu vực từ 13,0-19,0 độ Vĩ Bắc (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) là 4.679 tàu với 27.864 lao động. Các phương tiện trên đều đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 10 và đang chủ động di chuyển, trú tránh. Ngoài ra, còn có 7.344 tàu với 45.434 lao động đang hoạt động ở khu vực biển khác.

Trong khi đó, số tàu thuyền neo đậu tại các bến kà 57.524 tàu với 214.061 lao động.

Theo báo cáo của Biên phòng tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, hiện chưa liên lạc được với 4 tàu với 38 lao động, trong đó Ninh Bình 1 tàu/5 lao động ở khu vực phía Nam của tỉnh; Thanh Hóa 33 tàu/33 lao động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Còn theo báo cáo của Biên phòng tỉnh Bình Định, hồi 17h00 ngày 13/9/2017, gia đình chủ tàu BĐ 95164 TS/05 lao động do ông Nguyễn Thanh Đường (1979) làm thuyền trưởng đang di chuyển tránh bão số 10 đến khu vực cách đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa 06 hải lý về phía Đông Nam, thuyền trưởng đề nghị được trú tránh bão tại đảo Linh Côn (hiện nay chưa được vào tránh trú).

Đê miền Trung chỉ chịu được bão cấp 8-10

Về hồ chứa thủy lợi các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, báo cáo cho biết, tổng số hồ chứa hiện nay là 4.904 hồ, trong đó Bắc Bộ 2.984 hồ; Bắc Trung Bộ 1.920 hồ.

Trong khi đó, mực nước các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà hiện ở mức cho phép theo quy định, đang phát điện với công suất tối đa và xả lũ đợt thứ 5. Đến 07h00 ngày 14/9, hồ Sơn La đang xả với tổng lưu lượng là 6.284 m3/s (mở 02 cửa xả đáy), hồ Hòa Bình xả với tổng lưu lượng 7.560 m3/s (mở 03 cửa xả đáy), hồ Tuyên Quang đang xả với tổng lưu lượng là 889 m3/s (mở 01 cửa xả đáy), hồ Thác Bà đang xả với tổng lưu lượng là 580 m3/s (mở 02 cửa xả mặt).

3 hồ ở khu vực Bắc Trung Bộ đang xả lũ gồm: hồ Trung Sơn (Thanh Hóa) xả 260 m3/s; hồ Chi Khê (Nghệ An) xả 349 m3/s; hồ Hố Hô (Hà Tĩnh) xả 10 m3/s.

Đáng chú ý, trong khi cơn bão số 10 được dự báo sẽ đổ bộ đất liền với cấp độ lên đến 12-13, giật cấp 15 thì theo báo cáo, hệ thống đê biển ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mới đảm bảo an toàn với bão cấp 8-10. Trong đó, có 16 đoạn đê với tổng chiều dài 83km và 39 cống xung yếu. Ngoài ra còn 4 công trình đang thi công dở dang ở Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh.

Trong khi đó, các tuyến đê sông từ cấp III trở lên ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với tổng chiều dài 2.706 km, trong đó có 195 trọng điểm xung yếu gồm Thanh Hóa 20 điểm, Nghệ An 3 điểm và Hà Tĩnh 4 điểm. Các địa phương đã có phương án để bảo vệ an toàn khi có tình huống xảy ra.

Không ứng phó kịp thời, hậu quả sẽ rất lớn

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả, thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển (bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị trên các giàn khoan, các công trình thăm dò, khai thác dầu khí, phương tiện liên quan đến hoạt động của dầu khí; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất của các lực lượng vũ trang hoạt động trên biển, các vùng biển đảo, các nhà giàn.

Đối với khu vực ven biển (nhất là tại các địa phương dự kiến bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Hoá đến Quảng Trị), Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm từ đêm 14/9.

Cùng với đó, phải đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi tránh trú, hướng dẫn sắp xếp, neo đậu an toàn, đối với khu vực vùng tâm bão có khả năng đổ bộ có thể kéo tàu thuyền lên bờ hoặc di chuyển sâu vào đất liền để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu như một số trận bão trước đây; chủ động di dời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi.

“Khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên các tàu thuyền (kể cả ở nơi neo đậu) khi bão đổ bộ vào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục rà soát, chủ động triển khai các biện pháp gia cố cần thiết để bảo vệ các tuyến đê biển, đê cửa sông, đặc biệt là các khu vực xung yếu, công trình đang thi công. Những việc này phải hoàn thành trước khi bão ảnh hưởng đến ven biển vào trưa ngày 15/9.

Trong đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất. Khi cần thiết, huy động lực lượng vũ trang, thanh niên,... hỗ trợ nhân dân thu hoạch.

Chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, công trình, đặc biệt lưu ý đối với những thiết bị, công trình dạng cột, tháp cao như cần cẩu, tháp truyền hình, cột ăng ten có chiều cao lớn, biển quảng cáo cỡ lớn, hệ thống lưới điện,…; chủ động chặt tỉa, có biện pháp bảo vệ cây xanh để hạn chế thiệt hại, nhất là tại các đô thị.

Các Bộ, ngành, địa phương được yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện.

Chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, đường hàng không tại các khu vực bão ảnh hưởng trực tiếp.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.

Yêu cầu Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn duy trì ứng trực, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.

Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác Chính phủ đã vào Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo chống bão.

Tuệ Khanh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201709/bao-giat-cap-15-sap-do-bo-de-mien-trung-chi-chiu-duoc-bao-cap-8-10-580340/