Bao giờ chính danh?

(VOV) - Nếu cứ để các doanh nghiệp tư nhân tự nỗ lực phát triển thì rất khó có các tập đoàn khổng lồ, trong một nền kinh tế rất cần các tập đoàn lớn, các đầu tàu có đủ sức kéo các doanh nghiệp nhỏ.

Chiếm tới 60% GDP, sự đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân, nhất là các tập đoàn lớn là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong khi Nghị định 101 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế Nhà nước đã được ban hành, thì tập đoàn kinh tế tư nhân vẫn trong cảnh chưa chính danh. Đây là lý do Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng Hội Doanh nghiệp trẻ nghiên cứu đề xuất mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân, trình Chính phủ vào tháng 10 tới đây. Song, theo các đại biểu tham dự Hội thảo Nhận diện mô hình và con đường phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam vừa được tổ chức ở Hà Nội, kể cả khi danh đã chính, nhưng để có được những tập đoàn lớn thực sự và bền vững vẫn cần nhiều hơn một văn bản pháp quy. Phải có “cầu” về tập đoàn tư nhân Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, bài học rút ra từ sự thành công nhanh chóng của Hàn Quốc với các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay là đất nước phải có nhu cầu có các tập đoàn lớn, tiếp sau đó là phải có những người “sống chết” thực hiện bằng được điều này. Chia sẻ kinh nghiệm, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đều cho rằng, các công ty Việt Nam chưa có cấu trúc, phân tầng rõ rệt. Hệ thống doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc có cấu trúc giống như kim tự tháp, trên đỉnh cao là những tập đoàn toàn cầu, dưới là các công ty lớn, công ty vừa và công ty rất nhỏ. Đây là hệ thống thống nhất, những công ty lớn chuyển giao hợp đồng cho những công ty nhỏ hơn, tạo thành một hệ thống kinh tế của các công ty. "Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể ví như những hòn sỏi rời rạc" - ông Bình ví von. Chung nỗi trăn trở này, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái phân tích, Việt Nam có 9 tập đoàn kinh tế Nhà nước, có nhiều thành phần kinh tế tư nhân, trong đó có mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân nhưng thực chất chỉ là danh nghĩa. Ngay cả khi xây dựng xong một văn bản pháp quy về mô hình tập đoàn, nhưng nếu không có cam kết từ phía Chính phủ thì rất khó khả thi. Người ta quan tâm đến một doanh nghiệp ở khía cạnh đóng góp bao nhiêu phần trăm cho sự phát triển của đất nước, có tạo ra nhiều việc làm hay không, thực sự có mang lại hiệu quả cho xã hội không? Tập đoàn kinh tế Nhà nước quản lý 75% tài sản quốc gia nhưng nộp ngân sách chỉ 28%. Hiệu quả tập đoàn kinh tế Nhà nước và tư nhân vì thế cần xem xét. Lựa chọn mô hình Chính phủ đã ban hành Nghị định 101 ngày 5/11/2009 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế Nhà nước. Theo đó, tập đoàn kinh tế Nhà nước là chủ đạo, được ưu đãi về vốn, đất đai và các ngành độc quyền. “Sự ưu ái này có làm sâu thêm sự bất bình đẳng về mặt chính sách giữa tập đoàn kinh tế Nhà nước và tư nhân?”- ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ đặt vấn đề. Nếu cứ để các doanh nghiệp tư nhân tự nỗ lực phát triển thì rất khó có các tập đoàn khổng lồ, trong một nền kinh tế rất cần các tập đoàn lớn, các đầu tàu có đủ sức kéo các doanh nghiệp nhỏ. Hiện khu vực tư nhân chiếm đến trên 60% GDP. Cá biệt có những doanh nghiệp đạt doanh thu hàng tỷ USD/năm nhưng đa số vẫn là vừa và nhỏ. 90% số tập đoàn kinh tế tư nhân hiện nay đều có quá trình hình thành và phát triển từ khu vực tư nhân, quy mô vừa hoặc do quá trình sáp nhập, thâu tóm về vốn, nhưng có quan hệ chặt chẽ về công nghệ và nhân sự. Nếu so với mức tài sản trung bình của các tập đoàn toàn cầu, chúng ta còn cách rất xa. Chính phủ đã có chỉ đạo xây dựng đề án mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân, trong đó bao gồm cả các hình thức hỗ trợ của Chính phủ. Là nước đi sau, Việt Nam cần giải quyết được các vấn đề lớn: nên áp dụng mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân theo kinh nghiệm quốc tế như thế nào, Nhà nước tạo ra khung thể chế, tập đoàn gắn liền với thương hiệu toàn cầu vươn ra biển lớn ra sao? Mô hình tập đoàn kinh tế trên thế giới rất đa dạng. Ở các nước như Mỹ hay các nước châu Âu, thông thường tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành thông qua quá trình sáp nhập hoặc mở rộng ra thành cấu trúc tập đoàn. Các nước Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc do phát triển sau nên họ không đi lại con đường dài như vậy. Họ phải có sự dẫn dắt của Nhà nước để những tập đoàn đó đi đúng quy luật thị trường, phát triển nhanh hơn. “Chúng ta không thể chờ đợi 200 năm như nước Mỹ để có được tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh, mà cần có Nhà nước phát triển và dẫn dắt sự phát triển” - ông Cường nhấn mạnh./. Nhược Lan (Báo TNVN)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/bao-gio-chinh-danh/20103/138843.vov