Bao giờ di tích khảo cổ được lên tiếng?

Những con tàu đắm, những đền tháp hay các di chỉ khảo cổ được khai quật không những có thể đưa ra lời giải đáp về bề dày văn hóa lịch sử, mà còn có thể kể những chuyện cực kỳ thú vị với du khách, cất lên tiếng nói sống động nhất, nếu các di tích đó được các ngành văn hóa, du lịch quan tâm và khai thác đúng hướng.

Mặt bằng tổng thể tháp Mẫm đã được xác định qua công tác khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử QGVN.

Những câu chuyện rời rạc

Viện Khảo cổ học, khoa Lịch sử (Trường ĐH KHXH&NV) và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN là 3 cơ quan nghiên cứu khảo cổ học hàng đầu của cả nước. Hằng năm, các nhà khoa học đều có tổng kết, báo cáo công tác khảo cổ, tuy nhiên, dường như các báo cáo này suốt bao năm nay mới chỉ dừng ở mức độ có giá trị với những người làm nghề, còn người dân - chung chủ sở hữu với khối tài sản này, lại gần như không biết.

Nếu chỉ nhìn vào công tác khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN năm 2012 - 2013 thôi cũng đủ thấy tự hào về sự đa dạng và giàu có của văn hóa nước nhà. Công tác khai quật tại các di chỉ mộ táng Bãi Cọi ở Hà Tĩnh; di tích kiến trúc thời Lý ở Nam Định, di tích tháp Mẫm (Bình Định), Cấm Mít ở Đà Nẵng, tàu đắm cổ Bình Châu... đã được giới chuyên môn đánh giá cao.

Kết quả khai quật kiến trúc thời Lý đã tìm thấy bình đồ kiến trúc mới hình lục giác, quy mô to lớn, kỹ thuật xây dựng công phu... hé lộ những thông tin lý thú về nghệ thuật kiến trúc Phật giáo thời Lý gồm nhiều kiến trúc (tháp, chùa) liên hoàn với nhau.

Còn ở di chỉ Bãi Cọi đã thu thập được nhiều cứ liệu khoa học góp phần khẳng định tính chất văn hóa của một khu mộ táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh, niên đại cách đây khoảng 2.000 năm, có giao lưu và ảnh hưởng với văn hóa Đông Sơn. Và đặc biệt là ở khu di tích tháp Mẫm đã xác định và bổ sung việc khôi phục mặt bằng tổng thể của phế tích đã được các học giả Pháp nghiên cứu trước đây.

Tháp Mẫm là một di tích kiến trúc đền - tháp Chămpa nổi tiếng của Bình Định, được nhà khảo cổ học người Pháp J.Y.Clayes (Viện Viễn Đông Bác Cổ) phát hiện và khai quật lần đầu vào năm 1934. Kết quả là đã phát hiện được nền móng của một tháp thờ (Kalan) chính ở khu vực trung tâm và thu được một khối lượng lớn hiện vật điêu khắc đá, gồm tượng và phù điêu của các vị thần và linh thú.

Các học giả người Pháp cũng đã xác lập một phong cách nghệ thuật Chămpa mới - phong cách tháp Mẫm. Tuy nhiên, những thông tin cụ thể về quy mô, mặt bằng và kết cấu tổng thể của khu đền - tháp nổi tiếng này đã không được người Pháp làm rõ.

Đợt khai quật vừa qua của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN đã phát lộ hình hài cả quần thể kiến trúc nơi đây với đầy đủ các di tích hệ thống tường bao, nền móng các kiến trúc đền - tháp (gồm tháp nam, tháp bắc, tháp giữa, tháp tây, tháp hỏa, tháp cổng, tháp bia, tháp nhà dài), dấu tích đường đi... cùng nhiều di vật điêu khắc, trang trí đặc sắc.

Tuy nhiên, những thành tựu trên vẫn chỉ là những câu chuyện rời rạc, bởi bản thân những hiện vật, di chỉ kiến trúc ấy khó có thể là một câu chuyện hoàn chỉnh về một nền văn hóa, nếu như chúng ta không giúp chúng kết nối với nhau.

Bao giờ được lên tiếng?

Giá như di chỉ khảo cổ tháp Mẫm với đầy đủ hình hài được khai quật như đã nói ở trên được phục dựng, tái hiện một nền văn hóa Chămpa thì chắc chắn sẽ là một điểm đến đầy hấp dẫn với Bình Định - một tỉnh có bờ biển đẹp không kém gì Nha Trang hay Đà Nẵng, nhưng lại không có điểm nhấn đáng kể để du khách có thể ghé qua.

Di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới đến nay đã gần 3 năm, thế nhưng Đề án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm thành công viên lịch sử, văn hóa vẫn ở trên giấy, còn lâu mới tới được đích mà Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo mong muốn: Phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch...

Trong khi đó, năm 1974, người Trung Quốc khai quật thành công lăng mộ Tần Thủy Hoàng, biến nơi đây thành một biểu tượng văn hóa của cả một triều đại, khiến cho du khách không thể bỏ qua khi đến Tây An... Hay ở Quảng Châu có phố đi bộ mà bên dưới là di tích tường thành thời nhà Tống, được người Trung Quốc đào rộng hai bên tường làm bảo tàng, ốp kính chịu lực lên trên, ở dưới có chỗ là đoạn tường thành, có chỗ chỉ vài viên gạch, kết hợp với bản đồ cổ, ảnh chụp, chiếu đèn... tạo thành trục chính của phố đi bộ, lúc nào cũng thu hút du khách.

Không thể phủ nhận, các cuộc khai quật khảo cổ đã cung cấp cho giới chuyên môn thêm nhiều tư liệu, bằng chứng để hoàn thiện những công trình khoa học của mình. Những người làm bảo tàng cũng có thêm hiện vật để có nhiều hơn trưng bày chuyên đề ngày càng hấp dẫn. Nhưng chỉ như thế thôi thì chất xám, công sức của các nhà khoa học cũng như tiền của của Nhà nước dường như chưa được sử dụng tối ưu nhất?

Giá như chúng ta biết tập trung khai thác những di chỉ điển hình thì chắc chắn nó sẽ là một nguồn sản phẩm du lịch vô cùng hấp dẫn và phong phú. Và quan trọng hơn là nó sẽ hồi sinh và tiếp nối một cách sống động nhất về câu chuyện văn hóa, lịch sử của nước nhà.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/bao-gio-di-tich-khao-co-duoc-len-tieng/133158.bld