Bao giờ hết khó?

Bắn súng nằm trong nhóm 4 môn trọng điểm của thể thao Việt Nam (TTVN) nhắm đích Olympic. Tại Olympic Rio 2016, đây là môn đem lại kỳ tích cho TTVN nhờ công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Rõ ràng, việc đầu tư thích đáng cho bắn súng là đúng, nhưng định hướng đó cần phải được hiện thực hóa bằng giải pháp cụ thể nhằm gỡ khó cho môn thể thao trọng điểm này.

Ngày mai (1-11), Giải Bắn súng vô địch Đông Nam Á lần thứ 40-2016 sẽ khởi tranh tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn). Là giải đấu danh giá nhất của bắn súng khu vực nhưng các xạ thủ hàng đầu sẽ phải thi đấu, tính điểm thành tích trên bia giấy. Đơn giản, Việt Nam chưa có trường bắn bia điện tử theo chuẩn quốc tế. Thậm chí, VĐV chủ nhà còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khác, như phải chịu cảnh thiếu đạn tập.

Trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia vẫn phải sử dụng bia giấy. Ảnh: Thuần Như

Bắn súng Việt Nam chịu cảnh thiếu thốn từ nhiều năm nay. Chính vì thế, thành tích của Hoàng Xuân Vinh thực sự gây bất ngờ bởi kỳ tích ấy được lập trong bối cảnh bắn súng Việt Nam thiếu trước, hụt sau. Tất nhiên, Hoàng Xuân Vinh không thể “tay không bắt giặc”. Bù đắp cho khó khăn chung, xạ thủ này được bố trí tập huấn, thi đấu tại nước ngoài, được hướng dẫn bởi chuyên gia ngoại có trình độ cao...

Những chuyến tập huấn ở Hàn Quốc, Mỹ, những đợt thi đấu tại Cúp thế giới ở Đức, Hàn Quốc và nhiều giải đỉnh cao khác đã giúp Hoàng Xuân Vinh rèn tâm lý, trau dồi trình độ và bản lĩnh, làm nên kỳ tích tuyệt vời tại đấu trường thể thao lớn nhất thế giới.

Nhưng, chế độ đãi ngộ ấy chỉ dành cho rất ít xạ thủ trọng điểm. Nghĩa là với bắn súng Việt Nam lúc này, để có thêm nhiều Hoàng Xuân Vinh là điều rất khó. Người hâm mộ kỳ vọng kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh sẽ trở thành cú hích để trường bắn được nâng cấp, có thêm đạn tập, bia điện tử đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, như Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn thừa nhận: “Tổng cục chỉ có thể đề xuất và đã đề xuất từ nhiều năm qua. Còn việc quyết định đầu tư nâng cấp trường bắn hay không, đầu tư bao nhiêu, quy mô thế nào, tất cả còn phải chờ cấp trên quyết định…”.

Dù sao, việc Việt Nam đăng cai Giải Bắn súng vô địch Đông Nam Á 2016 chính là cơ hội hiếm hoi để các xạ thủ trẻ được dịp thi đấu cọ xát với các VĐV hàng đầu khu vực và một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong châu lục ngay tại sân nhà. Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn chia sẻ: “Tất nhiên, thi đấu trên bia giấy sẽ ảnh hưởng đến chỉ số thành tích, nhưng về cơ bản, những xạ thủ đẳng cấp vẫn sẽ thể hiện được trình độ. Người giỏi hơn sẽ đạt thành tích tốt hơn, việc xác định thứ hạng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều”.

Còn HLV Nguyễn Thị Nhung - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam kiêm Trưởng bộ môn bắn súng - Tổng cục TDTT lạc quan chia sẻ: “Liên đoàn Bắn súng Đông Nam Á hiểu hoàn cảnh của Việt Nam và chấp nhận cho chúng ta áp dụng luật thi đấu dành cho bia giấy nên công tác chuyên môn vẫn được bảo đảm. Hiện tại, hầu như các giải quốc tế không còn dùng bia giấy, nhưng thực tế, không phải chỉ có duy nhất Việt Nam vẫn dùng loại bia này. Ngay cả Malaysia cũng đang cân nhắc việc sử dụng trường bắn bia giấy ở SEA Games 2017, nên biết đâu, cái khó này lại là cơ hội cho bắn súng Việt Nam”.

Vậy là, dù chưa biết bao giờ sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị mới được tháo gỡ, nhưng trong bối cảnh chờ đợi được đầu tư nâng cấp xứng đáng, phương án khả thi nhất cho bắn súng Việt Nam chính là… tiếp tục quảng bá hình ảnh kỷ lục gia Olympic Hoàng Xuân Vinh, truyền cảm hứng cho các xạ thủ trẻ về tinh thần vượt mọi khó khăn để giành thành tích trên trường quốc tế.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-thao/853542/bao-gio-het-kho