Bảo hiểm du lịch: Đã sắm trâu đừng tiếc thừng

Những năm gần đây, hàng loạt sự cố liên quan đến vấn đề an toàn du lịch đã ra khiến nhiều người lo ngại khi đặt tour du lịch, đặc biệt là du lịch trong nước. Đáng lo ở chỗ, bên cạnh việc phí dành cho bảo hiểm du lịch quá thấp, du khách, và cả các công ty lữ hành chưa nhìn nhận đúng vai trò của các loại hình bảo hiểm du lịch (BHDL).

Thiếu nhận thức về bảo hiểm du lịch

Từ hàng loạt sự cố mất an toàn diễn ra trong quá trình du lịch, rất nhiều du khách mới “giật mình” quan tâm đến BHDL. Nói về BHDL, chị Hải Yến (ở Trung Kính, Cầu Giấy, HN), một trong những người thường xuyên mua các tour du lịch trong và ngoài nước cho biết, khi đặt tour du lịch đi nước ngoài hay trong nước, chị không quan tâm đến việc phí BHDL sẽ phải đóng thêm bao nhiêu trong giá tour. Bởi theo chị, hầu hết các công ty du lịch đều phải đóng khoản phí này và giá tour đã bao gồm cả phí BHDL.

Khách du lịch trong nước vẫn còn quá mơ hồ về BHDL.

Tuy nhiên, khi được hỏi nếu gặp sự cố trong các chuyến du lịch, chị sẽ được chi trả ra sao? Thủ tục thanh toán và mức bồi thường như thế nào? chị Yến đều không rõ. “Khi đặt tour du lịch tôi chỉ quan tâm đến việc đi những địa điểm nào, chơi ở đâu, ăn nghỉ như thế nào và giá tour có hợp lý hay không. Còn việc trong giá tour trừ bao nhiêu phần trăm chi phí cho BHDL, hay các thủ tục thanh toán như thế nào tôi thật sự chưa bao giờ hỏi” – chị Yến cho hay.

Chưa có cơ hội đi du lịch nước ngoài như chị Hải Yến, song anh Đinh Văn Mạnh (ở phố Vĩnh Hồ, Đống Đa, HN) cũng cho rằng, anh ít khi nghe nói đến BHDL. “Tôi đã từng đi theo tour du lịch ở trong nước nhưng chưa bao giờ tôi quan tâm đến BHDL và cũng không muốn hỏi xem chi phí như thế nào? Thanh toán ra sao?. Bởi lẽ, đi du lịch trong nước có vài ngày thì hỏi BHDL làm gì. Với lại, chắc là đã có trong giá tour hết rồi”, anh Mạnh nói.

Trước việc du khách lơ mơ chưa biết về BHDL, bà Vân, Giám đốc Cty du lịch Ngày Mới Đại đã chia sẻ, chi phí BHDL là rất thấp và thường được các Cty tính sẵn vào giá tour. Tuy nhiên, không nhiều khách du lịch khi đặt tour lại đề cập đến phí BHDL và tiền đền bù cả. Lý do, một phần là do quan niệm của người Việt Nam, họ không muốn nói đến điều không may mắn trước khi xuất hành. Mặt khác, giá phí BHDL rất nhỏ nên nhiều người không quan tâm.

“Thỉnh thoảng cũng có vài du khách quan tâm đến phí BHDL, và đòi hỏi mức chi trả BHDL cao hơn… tuy nhiên, khi được tư vấn mua gói BHDL với giá cao, hầu hết khách du lịch trong nước đều không muốn bỏ thêm chi phí. Còn đối với các công ty du lịch, việc mua BHDL cho du khách cũng phụ thuộc vào giá tour mà khách đặt. Không thể mua BHDL cho du khách với giá cao, sau đó tính vào giá tour và đẩy giá lên, như vậy sẽ rất khó cạnh tranh”- chị Vân cho biết.

Cần quan tâm đến quyền lợi bản thân

Việc khi du khách đặt tour du lịch nước ngoài, thủ tục cấp Visa đầu tiên bao giờ cũng liên quan đến vấn đề BHDL. Đó không chỉ là việc thể hiện tính chuyên nghiệp, mà còn là vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích cho chính các du khách. Nhưng đối với thị trường trong nước, hiện BHDL vẫn còn quá mơ hồ với du khách, và rất ít khách du lịch trong nước biết được mức bồi thường, thủ tục thanh toán BHDL nếu gặp sự cố. Vì thế, để bảo vệ lợi ích của mình trong các chuyến du lịch, không ai khác chính du khách phải tìm hiểu kỹ về BHDL tránh gặp phải những điều không mong muốn khi sự việc xảy ra.

Vì lợi ích, vì sự cạnh tranh, đôi khi các công ty lữ hành trong nước chỉ mua BDHL cho khách hàng ở mức thấp, thậm chí nhiều công ty còn lách luật không mua BHDL khi khách đặt tour nhằm tạo sự cạnh tranh với các công ty đối thủ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là quyền lợi của người đặt tour, thì hầu hết du khách khi mua tour du lịch đều không mấy quan tâm đến vấn đề BHDL. Đó không chỉ là tâm lý chủ quan, mà còn là sự vô tâm với chính bản thân mình, thậm chí nhiều người còn cho rằng “chờ được vạ thì má xưng”.

Chị Thu Hằng (ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) cho rằng, phí BHDL không những thấp mà mức bồi thường cũng chỉ được vài triệu đồng. Trong khi đó, để thanh toán được số tiền bảo hiểm là một đống các thủ tục rắc rối… “Năm ngoái, chồng tôi đi du lịch tour Hà Nội – Phú Quốc về kể rằng, trong đoàn có mấy người bị ngộ độc thức ăn, nhưng ngoài việc được nhân viên Cty lữ hành chăm sóc chu đáo, tận tình đưa đi cấp cứu. Thì mọi vấn đề liên quan đến giấy tờ, làm thủ tục thanh toán chi phí BHDL…không hề được nhắc tới. Có thể số tiền bảo hiểm du khách nhận được không lớn. Nhưng Cty lữ hành hướng dẫn, giải quyết các thủ tục chi trả BHDL cho du khách không chỉ bảo vệ quyền lợi cho du khách, mà còn khẳng định tính ưu việt và chuyên nghiệp của doanh nghiệp”, chị Hằng cho hay.

Nói về vấn đề quyền lợi trong lĩnh vực bảo hiểm, chị Đinh Thoa, nhân viên Công ty bảo hiểm Prudential chia sẻ, theo quy định của Luật Du lịch (năm 2005) có nêu rõ, BHDL không bắt buộc với du khách nội địa. Tuy nhiên, hiện nay để tăng sức cạnh trạnh, tăng độ an toàn với du khách khi đặt tour. Hầu hết các Cty lữ hành đều mua BHDL cho du khách và tính vào giá tour. Nhưng mức thu hiện vẫn chỉ là 1500 đồng/1 ngày/hành trình (đối với khách nội địa). Theo đó, mức chi trả BHDL cũng chỉ vào khoảng 10 triệu đồng, nếu du khách không may bị tai nạn trong chuyến đi.

“Hầu hết các công ty lữ hành chỉ mua BHDL cho du khách theo hành trình, theo ngày. Trong khi đó, rất nhiều phí BHDL khác như: BHDL tại khách sạn, BHDL hành lý ký gửi, BHDL tai nạn… khách du lịch đều không được mua, thậm chí khi đi du lịch trong nước các Cty lữ hành cũng rất ít tư vấn về các lĩnh vực bảo hiểm này. Nếu có du khách nào quan tâm, hoặc muốn mua thì phải tự bỏ tiền túi ra. Trong khi đó, khi du lịch trong nước, ngắn ngày, ít người lựa chọn mua thêm các loại phí BHDL trên”- chị Thoa nói.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bao-hiem-du-lich-da-sam-trau-dung-tiec-thung-51979.html